Điện Biên Đông: Chủ động công tác di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Hoàng Châu | 02/08/2021, 15:28

(TN&MT) - Điện Biên Đông là huyện vùng cao của tỉnh Điện Biên có địa hình dốc, chất đất tơi xốp cộng với tình trạng mưa lũ kéo theo các hiện tượng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, hàng năm các phương án phòng chống lũ bão được huyện thường xuyên xây dựng và thực hiện. Trong đó chú trọng công tác kiểm tra, rà soát, di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét.

Bà Vừ Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Xa Dung, huyện Ðiện Biên Ðông, tỉnh Điện Biên, cho biết: Tình trạng sạt lở, sụt lún, đứt gãy nền đất ở bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung đã xảy ra từ nhiều năm trước. Khi khảo sát khu vực quanh bản, cơ quan chuyên môn, ngành chức năng đã phát hiện nền đất nứt gãy thành rãnh, dài hàng trăm mét chạy qua bản, độ rộng vết nứt từ 15 - 20 cm, có nơi rộng tới 30 cm, tạo thành cung trượt sạt chạy qua bản.

Ông Tráng Vạng Xay, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông chỉ vết nứt gãy ngay hiên nhà mình

Bản Mường Tỉnh A có gần 30 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu, đều là dân tộc Mông. Từ năm 2014, bản Mường Tỉnh A đã xảy ra tình trạng bị sụt lún, sạt lở đất. Sau khi xuất hiện tình trạng sạt lở, sụt lún, đứt gãy nền đất, chính quyền địa phương đã nhiều lần trực tiếp xuống tuyên truyền, vận động người dân trong bản và có 4 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Qua rà soát, kiểm tra, đánh giá thì hiện trong bản vẫn còn 12 hộ với hơn 100 nhân khẩu đang nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất. 

Mức độ nứt gãy, sụt lún qua các năm biểu hiện càng lớn, đến năm 2018, chính quyền các cấp và các Sở, ngành của tỉnh Điện Biên đã tiến hành kiểm tra hiện trạng và đề xuất giải pháp bố trí dân cư vùng có nguy cơ thiên tai khu vực bản Mường Tỉnh A.

Một hộ dân ở bản Mường Tỉnh A, nằm trong vùng nguy cơ cao về sạt lở đất.
 

Qua kiểm tra, đoàn công tác thống nhất cho rằng việc di chuyển các hộ dân, ra khỏi vùng thiên tai là cần thiết để đảm bảo an toàn và sớm ổn định đời sống cho người dân. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng, đã tìm địa điểm định cư mới cho 12 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở của bản Mường Tỉnh A.

Bởi vậy, UBND xã Xa Dung đã có tờ trình gửi UBND huyện Điện Biên Đông về việc đề nghị, xin chủ trương di chuyển 12 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, về địa điểm mới. UBND huyện Điện Biên Đông cũng đã trình các giấy tờ thủ tục lên UBND tỉnh Điện Biên và đã được phê duyệt, dự kiến sẽ đầu tư thực hiện triển khai vào cuối năm 2021. 

Hiện nay, đang bước vào mùa mưa lũ, người dân bản Mường tình A đang đối mặt với nguy cơ sạt lở đất, thiệt hại đến tài sản và tính mạng. Bởi vậy, cấp ủy chính quyền xã Xa Dung đã tổ chức tuyên truyền cho bà con trong bản sát sao theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết và có chế độ báo cáo để chính quyền xã có hướng chỉ đạo kịp thời; đồng thời chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân khi có mưa lớn, nguy cơ sạt lở đất xảy ra phải chủ động nhanh chóng di dời người, của cải đến khu vực an toàn hơn.

 

Anh Vừ A Sá, xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, cho biết: Cứ vào mùa mưa, gia đình anh vô cùng lo lắng, bất an nhất là khi rãnh nứt ngày một rộng và tình trạng sạt lở đất vẫn diễn ra, vì nhà có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Được biết chính quyền xã Xa Dung đã có chủ trương cho chuyển đi nơi ở mới, gia đình đã gom đủ gỗ để có thể dựng một căn nhà mới, sẵn sàng chuyển đến địa điểm mới khi được chính quyền cho phép.

Trên địa bàn huyện Điện Biên Đông không chỉ riêng ở bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung, mà vẫn còn một số điểm khác có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao cần được di chuyển người dân đến nơi an toàn. Huyện đã đề nghị UBND tỉnh Điện Biên quan tâm bố trí nguồn vốn để giải quyết những nơi có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống cũng như an toàn của người dân.

Hiện UBND tỉnh Điện Biên đã đồng ý để triển khai các dự án di dân khỏi khu vực sạt lở. Ban thường vụ Huyện ủy Điện Biên Đông cũng đã chỉ đạo các xã có phương án bố trí tạm thời cho người dân ra khỏi nguy cơ sạt lở vào mùa mưa trong khi chờ thực hiện dự án di chuyển bà con đến nơi ở mới. 

Bài liên quan
  • Người Cơ Tu làm du lịch để giữ rừng, bảo vệ môi trường
    (TN&MT) - Từ khi biết làm du lịch, bà con Cơ Tu ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng đã không còn vào rừng bứt mây, hái đốt, săn bắn kiếm sống qua ngày. Ý thức bảo vệ rừng được nâng cao rõ rệt, bởi họ đã hiểu rằng giữ rừng cũng là giữ sinh kế bền vững cho mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO