Điện Biên: Điều chỉnh tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, chờ đến bao giờ?

18/05/2016 00:00

(TN&MT) - Việc UBND tỉnh Điện Biên ra Quyết định số 12/2014/QĐ-UB về việc Ban hành bảng giá thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Điện Biên vô hình trung khiến các...

 

(TN&MT) - Việc UBND tỉnh Điện Biên ra Quyết định số 12/2014/QĐ-UB về việc Ban hành bảng giá thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Điện Biên vô hình trung khiến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh điêu đứng, bởi mức thuế quá cao. Khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư  trăn trở, không biết họ sẽ trụ bám được trong bao lâu?

Mỏ đá của DN XDTN Minh Quý tại huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên
Mỏ đá của DN XDTN Minh Quý tại huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên

Có thể nói, trong thời gian qua, những nỗ lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, của tỉnh Điện Biên trên tất cả các mặt. Trong đó, thuế do các doanh nghiệp đóng góp chiếm một phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Điện Biên ra Quyết định số 12/2014/QĐ-UB về việc Ban hành bảng giá thuế tài nguyên trên địa bàn tỉnh Điện Biên vô hình chung khiến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh điêu đứng, bởi mức thuế quá cao. Khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư  trăn trở, không biết họ sẽ trụ bám được trong bao lâu?

Thuế chồng thuế

Hàng loạt các doanh nghiệp lớn, nhỏ  hoạt động trong lĩnh vực khai thác, sản xuất đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều cùng chung số phận.

Doanh nghiệp XDTN Minh Quý (gọi tắt DN Minh Quý) cũng không phải ngoại lệ. Nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm đá xây dựng trên địa bàn huyện Mường Ẳng, DN XDTN Minh Quý đã lập đề án trình UBND tỉnh xin được cấp phép khai thác mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ Mường Ẳng 1, huyện Mường Ẳng. Ngày 15/8/2013, UBND tỉnh Điện Biên, cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 62 101 000078 cho doanh nghiệp XDTN Minh Quý với tổng trữ lượng khai thác là 1.817.800m3, với công suất khai thác 65.000m3/năm, trong thời gian 30 năm. Theo thông báo số 120/TB-TTĐ của sở TN&MT tỉnh Điện Biên thì số tiền cấp quyền khai thác doanh nghiệp phải nộp là gần 13 tỷ đồng trong 2 năm.

Tuy nhiên, trong quyết định cấp phép khai thác số 736/QĐ-UBND của UBND tỉnh Điện Biên, ngày 20/9/2013 thì thời hạn khai thác của doanh nghiệp chỉ 20 năm, do vậy dù DN Minh Quý có đạt công suất khai thác tối đa 65.000m3/năm thì cũng không thể khai thác hết được phần trữ lượng đã cấp phép. Lẽ ra số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của DN Minh Quý phải nộp chia đều trong 30 năm, nhưng nay lại phải nộp dồn trong vòng 16 năm, nên số tiền cấp quyền khai thác DN Minh Quý phải nộp hàng năm là rất lớn, trong khi đó doanh nghiệp này chưa bao giờ khai thác hết công suất 65.000m3/năm, mà chỉ đạt 37.000m3/năm. Nếu áp dụng theo công thức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản quy định tại Điều 5, Nghị định 203/2013/NĐ-CP với công suất 37.000m3/năm đó thì số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của DN Minh Quý theo giấy phép khai thác chỉ phải nộp là 259 triệu đồng/năm; giảm đi rất nhiều so với phép tính của Sở TN&MT Điện Biên.

Ông Nguyễn Đình Nghiệp, Giám đốc DN Minh Quý, cho biết: Nếu hết thời hạn cấp phép khai thác 20 năm, doanh nghiệp chưa khai thác hết phần trữ lượng của mỏ mà không có nhu cầu xin gia hạn cấp phép thì doanh nghiệp có được hoàn lại số tiền cấp quyền khai thác phần chưa khai thác đến không? Cơ quan quản lý Nhà nước nào sẽ giải quyết việc đó? Đơn vị nào sẽ trả lại tiền cho doanh nghiệp?

Một điểm nữa khiến cho doanh nghiệp phải đau đầu trong việc nộp thuế không chỉ ở cách tính tiền cấp quyền khai thác chưa sát với thực tế, mà còn do giá tính thuế tài nguyên của tỉnh Điện Biên rất cao (cao nhất so với các tỉnh lân cận như: Lai Châu, Yên Bái, Sơn La...) Theo các tính hiện nay của tỉnh Điện Biên mỗi khối đá hộc doanh nghiệp phải nộp 195.000 đồng/m3, nhân với hệ số nở tơi 1,5; cao chót bảng thì hỏi doanh nghiệp nào chịu được?. Ông Nghiệp cũng cho biết thêm: Để làm ra 1m3 đá hộc DN Minh Quý đã phải chi 44.900 đồng cho các loại thuế, phí và lệ phí; chưa kể đến tiền thuê nhân công, nhiên liệu, vật tư, hao trừ máy móc.... Việc áp dụng bảng tính giá tài nguyên để tính thuế tài nguyên như hiện nay của tỉnh Điện Biên đang xảy ra tình trạng “thuế chồng thuế”.

Chờ điều chỉnh… Chờ đến bao giờ?

Trước tình trạng phải nộp thuế quá cao, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị lên Sở Tài nguyên & Môi trường Điện Biên, Tổ thẩm định hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản xem xét, điều chỉnh cách tính tiền cấp quyền khai thác đá vôi để làm vật liệu xây dựng thông thưởng theo Giấy cấp quyền khai thác, không theo Giấy chứng nhận đầu tư. Kể từ khi Quyết định 12 của UBND tỉnh Điện Biên ra đời đến nay đã là 2 năm, đơn kiến nghị của các doanh nghiệp đã gửi đi nhiều sở, ngành và lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên. Song đến giờ các doanh nghiệp vẫn cứ phải chờ. Còn chờ đến khi nào thì không ai biết...

Năm 2014, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên, nhưng trên thực tế giá bán trên được biến động hàng năm theo thị trường và thấp hơn so với bảng giá tính thuế tại Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND, ngày 16/6/2014 của UBND tỉnh Điện Biên. Cho đến nay đã là 2 năm mà các doanh nghiệp vẫn đang thực hiện cách tính thuế tài nguyên theo Quyết định trên.

Ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Cty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh, cho biết: Mặc dù hàng tháng, các sở: Xây dựng, Tài chính vẫn công bố giá bán vật liệu xây dựng thông thường theo biến động của thị trường trên cổng thông tin của Sở Xây dựng và thấp hơn bảng tính giá thuế tài nguyên tại Quyết định số 12/2014 của UBND tỉnh Điện Biên. Song, từ đó đến nay UBND tỉnh Điện Biên vẫn chưa ban hành bảng tính giá thuế tài nguyên biến động theo thị trường. Việc chậm trễ trong cách điều chỉnh bảng giá tính thuế hàng năm dẫn đến doanh nghiệp phải nộp tiền thuế tài nguyên rất cao.

Tại Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp tổ chức ngày 12/5, trả lời phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này, ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: UBND tỉnh Điện Biên đã nhận được nhiều kiến kiến nghị của các doanh nghiệp về việc cách tính cấp quyền khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường… Hiện nay, tỉnh đang giao cho các sở, ngành tham mưu, đề xuất hướng giải quyết và điều chỉnh cho phù hợp.

Hầu như đến các sở ngành nào chúng tôi cũng đều nhận được những câu trả lời tương tự: “Sẽ điều chỉnh trong nay mai” hoặc “chúng tôi đang chờ ý kiến của một số sở, ngành”...  Song với những bất cập nêu trên, hiện nay phía các doanh nghiệp đang phải “gò lưng” cõng thuế; mức thuế quá cao.

Bài & ảnh: Hà Thuận

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Điều chỉnh tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, chờ đến bao giờ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO