Điện Biên: Đẩy mạnh quản lý, xử lý thu gom rác thải y tế nguy hại

Hoàng Châu| 19/05/2022 19:43

(TN&MT) - Rác thải y tế là một trong số các loại chất thải độc hại, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường sống. Nếu không có biện pháp xử lý triệt để sẽ tác động không nhỏ tới đời sống xã hội. Đặc biệt, dịch Covid-19 vừa qua, trên địa bàn tỉnh phát sinh thêm khối lượng rác thải y tế không hề nhỏ từ các đồ dùng, sinh phẩm, vật tư y tế được sử dụng trong công tác phòng, chống và chữa trị bệnh nhân Covid-19.

Hiện nay, hệ thống cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh gồm 01 Trường Cao đẳng y tế, 04 TTCK tuyến tỉnh, 04 bệnh viện tuyến tỉnh và 10 trung tâm y tế, 07 phòng khám đa khoa khu vực và 01 bệnh viện 7/5 công an tỉnh, 129 trạm y tế xã/phường và 146 cơ sở hành nghề y tư nhân đang hoạt động với khoảng 2.519 giường bệnh, trung bình phát sinh 136,87 tấn chất thải nguy hại.

img_20200221_083700-1-.jpg

Bệnh viên đa khoa tỉnh Điện Biên áp dụng công nghệ lò hấp ở nhiệt độ cao kết hợp với cắt nghiền chất thải y tế nguy hại.

Ông Lường Văn Kiên, Phó Giám đốc Sở y tế tỉnh Điện Biên cho biết: Khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh có xu hướng ngày càng tăng do các đơn vị khám chữa bệnh không ngừng phát triển, mở rộng dịch vụ kỹ thuật cao, kỹ thuật mới và nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Chất thải y tế nguy hại phát sinh nếu không được xử lý hoặc xử lý không đúng quy trình kỹ thuật sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cán bộ y tế và cộng đồng dân cư và môi trường xung quanh.

Toàn tỉnh hiện nay có 10 lò đốt đáp ứng yêu cầu kỹ thuật quy định tại QCVN 02:2012/BTNMT và 02 hệ thống xử lý bằng công nghệ hấp ướp bằng hơi nước ở nhiệt độ cao kết hợp nghiền cắt, gồm 03 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện y học cổ truyền tỉnh, Bệnh viện Phổi tỉnh) và 07 bệnh viện tuyến huyện gồm huyện Điện Biên, huyện Tủa Chùa, huyện Mường Chà, huyện Mường Nhé, huyện Điện Biên Đông, Khu vực thị xã Mường Lay và huyện Mường Ảng. Đối với các cơ sở y tế nằm xa trung tâm thành phố, chưa được đầu tư lò đốt, chất thải y tế nguy hại được xử lý bằng các lò đốt thủ công hoặc theo phương pháp chốn lấp trong bể bê tông tại chỗ.

images1984001_1(1).jpg

Bể chôn lấp chất thải y tế nguy hại của Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng

Cùng với đó, nước thải y tế hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung bằng công nghệ AAO, công nghệ Biotech, nước thải sau khi xử lý đảm bảo trong giới hạn cho phép. Nước thải y tế phát sinh trên toàn tỉnh ước tính khoảng 589m3/ ngày, trong đó có khoảng 80% (khoảng 472,2 m3) là chất lỏng y tế nguy hại cần được xử lý đúng quy định trước khi thải ra ngoài môi trường. tại bệnh viện đa khoa tỉnh hệ thống xử lý nước thải với công xuất 400m3/ngày đêm. các bệnh viện tuyến huyện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải với công xuất 40-80m3/ ngày đêm đảm bảo yêu cầu xử lý. Còn các trung tâm chuyên khoa tỉnh, phòng khám đa khoa khu vực đã có hệ thống thu gom lắng đọng 3 ngăn để thu gom xử lý, các trạm y tế xã phường và cơ sở y tế tư nhân, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải y tế nguy hại hàng ngày phát sinh rất ít nên các đơn vị thực hiện thu gom, xử lý ban đầu bằng dung dịch sát khuẩn.

1_4.jpg

Khu xử lý chất thải rắn y tế nguy hại tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Điện Biên.

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, ngành Y tế tỉnh Điện Biên đã triển khai kế hoạch xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương để đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý. Bên cạnh đó, việc phân loại chất thải y tế tại nguồn giúp cho quá trình thu gom phân loại chất thải y tế được đảm bảo, chất thải y tế nguy hại được để riêng với các chất thải y tế thông thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Đẩy mạnh quản lý, xử lý thu gom rác thải y tế nguy hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO