Điện Biên: Đẩy mạnh giám sát môi trường trong khai thác khoáng sản

Hoàng Châu| 10/05/2022 11:11

(TN&MT) - Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên thời gian qua còn không ít tồn tại, hạn chế. Phần lớn các cơ sở khai thác, chế biến có quy mô vừa và nhỏ; khai thác bằng phương pháp thủ công nên trong quá trình khai thác thường có lượng chất thải lớn gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, bảo vệ môi trường (BVMT) trong khai thác và chế biến khoáng sản phải được quan tâm đúng mức nhằm đạt được yêu cầu phát triển bền vững.

Để đảm bảo công tác BVMT trong khai thác khoáng sản (KTKS), yêu cầu trước tiên là thực hiện trình tự thủ tục phê duyệt dự án KTKS theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp xin cấp phép KTKS trên địa bàn phải thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phương án cải tạo phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định; Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM và phương án cải tạo phục hồi môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền cấp, điều chỉnh giấy phép thăm dò, giấy phép KTKS.

a1.-1-.jpg

Mỏ đá huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên

Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên cho biết: Để đẩy mạnh công tác BVMT trong KTKS, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên thực hiện thanh, kiểm tra hoạt động khoáng sản và BVMT của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng khoáng sản không chấp hành pháp luật về khoáng sản và BVMT.

a2-1-.jpg

Điểm mỏ khai thác đã xây dựng Minh Thắng huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên

Với vai trò là cơ quan thường trực, thời gian qua, Sở đã phối hợp với các ngành, chính quyền địa phương và đơn vị liên quan tổ chức thẩm định báo cáo, phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định; chất lượng thẩm định ngày càng được nâng lên, sát với thực tế. Những dự án lập báo cáo ĐTM chưa đạt yêu cầu được trả lại để điều chỉnh, bổ sung các giải pháp công trình, biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Kiên quyết không xem xét hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động KTKS đối với các điểm mỏ thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản theo quy định. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả hoạt động khoáng sản theo quy định; phối hợp với cơ quan thuế cung cấp sản lượng khai thác thực tế của các doanh nghiệp KTKS.

a3.jpg

Điểm khai thác cát bản Nậm He, Xã Mường Tùng, huyện Mường Chà.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 26 giấy phép KTKS còn hiệu lực, trong đó 18 giấy phép khai thác đá làm vật liệu XDTT, 4 giấy phép khai thác cát làm vật liệu XDTT, 2 giấy phép khai thác than, 1 giấy phép khai thác chì kẽm và 1 giấy phép khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng. Tổng số tiền ký quỹ phục hồi môi trường năm 2021 là 748.946.086 đồng.

Cùng với đó, công tác BVMT và phụ hồi môi trường trong và sau khi KTKS được các tổ chức và cá nhân hoạt động khoáng sản cơ bản đã thực hiện các biện pháp phục hồi môi trường như: tiến hành sửa chữa đường, trồng cây xanh trên diện tích đã cam kết/ĐTM. Để từng bước khắc phục, hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản. Trong thời gian tới, Phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Sở và UBND tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT, cũng như tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực trong việc phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Đẩy mạnh giám sát môi trường trong khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO