Điện Biên: Các biện pháp phòng chống thiên tai phải tổng hợp, liên kết với nhau

Hà Thuận| 11/03/2021 10:39

(TN&MT) - Trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH), các hình thái thiên tai trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp. Điều đó yêu cầu địa phương này phải xây dựng các giải pháp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tỉnh Điện Biên thường xuyên chịu ảnh hưởng do thiên tai gây ra. Trong ảnh: Trận lũ quét ngày 17/8/2020, tại bản Nậm Nhừ 1, xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ gây thiệt hại nặng về tài sản.

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra các loại thiên tai điển hình như rét đậm, rét hại; dông sét, lốc, mưa đá, mưa lớn gây lũ, lũ quét, sạt lở đất… gây thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và của nhân dân. Thiên tai đã khiến 4 người chết, 6 người bị thương; 3.849 nhà dân bị thiệt hại. Cùng với đó, 2.149,9 ha lúa; 343,622 ha ngô và hoa màu bị thiệt hại; 6.451 con gia súc, gia cầm các loại bị chết; 89,59 ha ao cá bị thiệt hại. 61 điểm trường, 2 trạm y tế và 3 cơ sở văn hóa bị tốc mái, sạt lở, lũ quét; 57km đường Quốc lộ cùng với nhiều tuyến đường tỉnh lộ bị sạt lở, hư hỏng; 54 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị thiệt hại; 9.528 m kênh mương bị sạt lở, vỡ; 8.634 m3 đất đá sạt lở xuống kênh; 9.423m đường ống bị sạt gãy, hư hỏng... Ước thiệt hại do thiên tai gây ra khoảng 263,4 tỷ đồng.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Tỉnh Điện Biên có địa hình bị phân cắt mạnh bởi các dãy núi cao và khe suối sâu, độ dốc địa hình lớn, thảm phủ thực vật thấp (khoảng 40% diện tích tự nhiên), địa chất đất đá rời rạc không ổn định. Tỉnh cũng là địa bàn có sự hoạt động đan xen của các hiện tượng thời tiết giữa phía Tây và Đông - Đông Bắc, lượng mưa bình quân hàng năm lớn từ 1.700mm đến 2.200mm chỉ tập trung vào một số tháng mùa mưa (tháng 4-10, cao điểm từ tháng 6-8). Mưa lớn, kết hợp với địa hình, địa chất rời rạc là nguyên nhân chính gây hiện trạng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.

Chỉ tính riêng tháng 12/2020 và đầu năm 2021, do rét đậm, rét hại đã gây thiệt hại 433 con gia súc. Uớc tính thiệt hại khoảng 5.568 triệu đồng. Những thiệt hại trên cho thấy, BĐKH cùng các hình thái thời tiết cực đoan đã và đang tác động tiêu cực đến tỉnh Điện Biên. Yêu cầu đặt ra với tỉnh Điện Biên là làm thế nào để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra?

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, người dân cần chủ động di dời khỏi khu vực có nguy có sạt lở.

Ông Bùi Minh Hải cho biết:  Để chủ động hạn chế, khắc phục tình trạng thiên tai tàn phá thì cần triển khai tốt những việc làm thiết thực, chủ động nắm bắt nguy cơ xuất hiện thiên tai để có các bước đối phó thích hợp. Các biện pháp phòng chống thiên tai (PCTT) ở Điện Biên phải là biện pháp tổng hợp, liên kết với nhau, cần được xây dựng dựa trên điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và tình hình thiên tai hằng năm. Việc xây dựng và áp dụng các biện pháp PCTT phải đảm bảo tính chủ động và nâng cao hiệu quả giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, tiến tới hạn chế những nguyên nhân phát sinh thiên tai, giảm mức độ nguy hiểm của thiên tai, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững mà vẫn bảo đảm duy trì tốt cảnh quan, môi trường.

Theo đó, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, tránh, ứng phó thiên tai. Tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị thực hiện kế hoạch PCTT và tìm kiếm, cứu nạn trước mùa mưa, lũ tại các đơn vị, địa phương. Chủ động nắm bắt những diễn biến của thời tiết thủy văn. Cần có sự đầu tư xây dựng bổ sung mạng lưới quan trắc đo đạc khí tượng thủy văn, từng bước nâng cấp hiện đại hóa mạng lưới thông tin hai chiều, đáp ứng kịp thời các thông tin về tình hình thời tiết thủy văn giữa cơ quan chuyên môn là Đài Khí tượng Thủy văn Điện Biên với các địa phương, các ban, ngành, cơ quan và cá nhân sử dụng bản tin dự báo khí tượng thủy văn.

 Người dân huyện Mường Nhé tham gia bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác bảo vệ, khoanh nuôi và trồng mới rừng đầu nguồn, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm chặt phá rừng. Đầu tư xây dựng mới; tu bổ nâng cấp độ an toàn và hiệu quả sử dụng của các hồ chứa hiện có. Trước mùa mưa lũ hàng năm cần phải tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai năm trước, đồng thời triển khai kế hoạch nhiệm vụ PCTT đối với mùa mưa bão tới; chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy, xử lý tình huống thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, dông, lốc, sơ tán, di dời dân.

Quy hoạch, bố trí hợp lý dân cư, cân đối sản xuất theo hướng phù hợp với trình độ sản xuất và điều kiện tự nhiên trong đó chú trọng tài nguyên đất và tài nguyên nước. Di dời, bố trí vị trí tái định cư cho các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đất đá, vùng quy hoạch điều tiết của các hồ chứa… Rà soát, bổ sung, cập nhật, hoàn thiện các phương án chi tiết, cụ thể trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng xây dựng các công trình trọng điểm về PCTT công trình thủy lợi, tiêu thoát nước chống ngập, úng.

Tỉnh Điện Biên yêu cầu các địa phương cần đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Cùng với đó, tăng cường đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông, suối, chân đồi dốc bảo vệ khu dân cư, đất sản xuất tại những khu vực có nguy cơ cao về sạt lở. Huy động mọi nguồn lực tài chính cho công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn. Tổ chức diễn tập công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Các biện pháp phòng chống thiên tai phải tổng hợp, liên kết với nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO