Diễn biến bất thường của thời tiết năm 2022 - Lời giải từ cơ quan dự báo

Thanh Tùng (thực hiện)| 14/06/2022 09:46

(TN&MT) - Thời tiết miền Bắc trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6/2022 có vẻ “mát mẻ” hơn so với mọi năm. Điều này báo hiệu một năm 2022 với thời tiết có thể có nhiều điểm “dị thường” hay không?. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để làm rõ hơn vấn đề này.

PV: Chúng ta đã có một tháng 5 và những ngày đầu tháng 6/2022 thời tiết “mát mẻ” hơn rất nhiều so với mọi năm. Ông có thể nói rõ hơn về điểm bất thường này? Thời tiết cả nước trong những tháng còn lại của năm 2022 được dự báo ra sao, thưa ông?

Ông Mai Văn Khiêm: Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, nền nhiệt trong tháng 5 trên cả nước thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Cụ thể, ở khu vực Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế phổ biến ở mức thấp hơn từ 1,0 - 2,0oC, có nơi thấp trên 2,0oC; khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có nhiệt độ trung bình thấp hơn từ 0,5 - 1,0oC so với TBNN cùng thời kỳ.

Nguyên nhân là trong tháng 5/2022, không khí lạnh hoạt động nhiều hơn so với mọi năm nên Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nhiều ngày mưa, lượng mưa cao hơn từ 50 - 100% so với trung bình nhiều năm (TBNN) và nền nhiệt thấp hơn đáng kể so với cùng thời điểm này hàng năm. Từ đầu tháng 5 đến nay, nắng nóng hầu như không xảy ra ở Bắc Bộ và cũng chỉ xuất hiện một vài ngày ở khu vực Trung Bộ. Đây là hiện tượng hiếm xảy ra trong những năm gần đây.

anh-1.png
ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia

Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn TBNN từ tháng 7 - 9/2022. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với TBNN từ tháng 6-9/2022. Từ khoảng tháng 10 - 11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa. Cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10 - 11/2022. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng không gay gắt, không kéo dài như năm 2021. Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm trong khoảng tháng 10 - 11/2022.

PV: Diễn biến thời tiết đang diễn ra tại các tỉnh miền Bắc có phải là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không? Có khi nào, trong khi thời tiết “mát mẻ” tại Hà Nội và nhiều tỉnh miền Bắc thì ở các khu vực khác trên cả nước thời tiết lại khắc nghiệt hơn không, thưa ông?

Ông Mai Văn Khiêm: Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu, các yếu tố và hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan ở Việt Nam thời gian qua có những biến đổi rõ rệt, thể hiện ở sự dao động lớn các yếu tố thời tiết, khí hậu quan trọng như nhiệt độ, lượng mưa, đặc biệt là hoạt động của bão và gần đây là hạn hán,…

Một đợt mưa lớn, một đợt giảm nhiệt độ hay lượng mưa cao hoặc thấp hơn so với trung bình có khả năng là biểu hiện của BĐKH, tuy nhiên cũng chưa thể dựa vào đó để đánh giá đó là BĐKH. Để đánh giá một hiện tượng thời tiết cực đoan có phải là do tác động của BĐKH hay không cần phải dựa trên việc đánh giá một chuỗi các hiện tượng có tính lặp lại, chu kỳ hoặc có tính khác biệt trong một khoảng thời gian dài.

Như đã phân tích ở trên, năm nay không khí lạnh hoạt động mạnh, mùa mưa đến sớm, vì thế không chỉ ở Hà Nội mà nhiều khu vực trên cả nước đều có thời tiết mát mẻ hơn so với trung bình nhiều năm. Theo tổng kết của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, không chỉ Hà Nội trời mát mẻ mà hầu hết các khu vực trên cả nước từ đầu năm tới giờ nhiệt độ đều thấp hơn so với trung bình từ 1 - 2oC. Tuy nhiên, một số nơi khác trên thế giới lại ghi nhận những thời tiết khắc nghiệt, ví dụ nhiều vùng ở Ấn Độ vừa trải qua tháng 4 nóng nhất trong 122 năm, với mức nhiệt lên tới 45oC, khiến hàng chục người tử vong.

PV: Theo dự báo, trong năm 2022 sẽ có khoảng 4 - 5 cơn bão/ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Vậy hiện nay khả năng dự báo lượng mưa cho một khu vực nhất định của chúng ta như thế nào? Giải pháp nào để nâng cao chất lượng dự báo lượng mưa, thưa ông?

Ông Mai Văn Khiêm: Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Bộ TN&MT cùng với sự nỗ lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học, hợp tác quốc tế sâu rộng của Ngành KTTV, vấn đề dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn về cơ bản đã đáp ứng được những yêu cầu của hoạt động phòng chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Đối với mưa lớn, Ngành KTTV có khả năng đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo từ trước 2 - 3 ngày với độ tin cậy khoảng 75%; có khả năng đưa ra những nhận định sớm về khả năng mưa lớn trước từ 5 - 7 ngày. Đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông, mới chỉ cảnh báo trước từ 30 phút đến 2 - 3 giờ.

anh-3-1-.jpg

Đường phố ngập sâu sau mưa lớn.

Tuy nhiên, dự báo mưa là vô cùng khó, đặc biệt ở vùng nhiệt đới với địa hình phức tạp như Việt Nam. Trong khi ngành KTTV đã cải thiện rất rõ chất lượng dự báo về khả năng xuất hiện mưa, khu vực xảy ra mưa, khoảng thời gian xảy ra mưa nhưng trong dự báo định lượng mưa lớn, một số trường hợp còn gặp nhiều hạn chế. Trong khoa học dự báo KTTV, dự báo lượng mưa không chỉ là khó khăn của riêng ngành KTTV Việt Nam, mà còn là một trong hai bài toán thách thức nhất cùng với dự báo cường độ bão đối với các nhà khoa học trên thế giới.

Công nghệ dự báo lượng mưa của thế giới hiện nay, tại điểm cụ thể ở một thời điểm cụ thể trước 1 ngày cũng chỉ đạt độ tin cậy trên dưới 50%. Càng dự báo xa, dài hạn thì sai số dự báo càng lớn. Để nâng cao chất lượng dự báo mưa sẽ cần hai giải pháp chính. Một là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong dự báo mưa lớn với tận dụng tối đa các thông tin dữ liệu của ra đa thời tiết, vệ tinh khí tượng nhằm nâng cao chất lượng dự báo mưa lớn theo hướng định lượng, chi tiết. Hai là, trong ứng phó thường xuyên cập nhật thông tin, sử dụng bản tin dài hạn để chuẩn bị, dự lệnh cho các hành động và sử dụng các bản tin ngắn hạn để hành động nhanh, kịp thời với diễn biến của mưa lớn gây lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

PV: Hiện nay, mực nước sông Mekong dâng cao bất thường do các đập thủy điện trên sông Mekong tăng xả. Theo ông, việc này có tác động thế nào đến người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long? Ông có dự báo gì về tình hình thủy văn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong năm nay?

Ông Mai Văn Khiêm: Từ tháng 3 đến nay, do ảnh hưởng của xả các thủy điện thượng nguồn sông Mekong, mực nước các trạm trên dòng chính trên sông Mekong ở mức cao hơn TBNN (2012 - 2021) từ 0,2 - 1,5m. Tổng lượng dòng chảy đầu tháng 5/2022, từ thượng nguồn trạm Kraite (Campuchia) về hạ lưu ở mức cao hơn khoảng 52% so với TBNN, lượng dòng chảy về đồng bằng gia tăng là tín hiệu tốt góp phần giảm thiểu tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự báo từ nay đến cuối tháng 5, tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm. Từ tháng 6 - 10/2022, là thời kỳ mùa lũ của sông Mekong và đầu nguồn sông Cửu Long. Đỉnh lũ năm 2022, tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ1 và trên BĐ1, đỉnh lũ năm khả năng xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,3 - 0,5m.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn biến bất thường của thời tiết năm 2022 - Lời giải từ cơ quan dự báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO