Dịch vụ homestay nở rộ rồi cầm chừng

Bài và ảnh: Thục Vy| 27/10/2020 09:59

(TN&MT) - Từng là một kênh đầu tư sinh lời, nhiều chủ homestay bỗng lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 lên nguồn khách lưu trú…

Nhà đầu tư gặp khó

Theo số liệu thống kê của Công ty Dữ liệu và phân tích cho thuê ngắn hạn (AirDNA) tại Việt Nam, trong khoảng từ năm 2017 - 2019, số lượng homestay chỉ tính riêng ở hai thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2017 có khoảng 8.000 sản phẩm (riêng TP.HCM có 5.000 sản phẩm), thì đến năm 2019 tăng lên gần 30.000 sản phẩm (trong đó Hà Nội chiếm khoảng 11.000 sản phẩm), tăng khoảng 4 lần so với thời điểm cách đấy 2 năm.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường nhà nghỉ, khách sạn bắt đầu chứng kiến xu hướng bán lại, sang nhượng ở nhiều khu vực, đặc biệt là khu trung tâm các thành phố lớn do sụt giảm lượng khách lưu trú dưới tác động của đại dịch Covid-19. Trong đó, một bộ phận không nhỏ người đầu tư mô hình homestay cũng buộc phải trả lại mặt bằng hoặc sang nhượng với giá thấp để cắt bớt lỗ.

Thị trường homestay “lao đao” do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM Batdongsan.com.vn cho rằng, đối với homestay thì căn hộ cho thuê là phân khúc bị ảnh hưởng tương đối lớn trong thời gian qua với mức quan tâm sụt giảm 15% so với quý trước. Với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp ở các nước châu Âu, châu Mỹ và một số quốc gia trong khu vực, nhu cầu thuê căn hộ trong ngắn hạn sẽ tiếp tục giảm sút.

Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh doanh homestay có nhiều tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm thị trường... Ngoài ra, những yếu tố như: dịch bệnh, địa điểm không hợp lý, trang trí không phù hợp, sự thiếu ý thức của khách hàng (hủy lịch, làm hỏng đồ), thiếu Giấy phép kinh doanh, chủ nhà yêu cầu tăng giá, đòi nhà... cũng mang đến những rủi ro cho người kinh doanh.

Cạnh tranh khốc liệt

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhìn nhận, những chủ đầu tư homestay theo mô hình nhỏ lẻ phần lớn là có sẵn cơ sở hạ tầng nên khi dịch bệnh xuất hiện họ chỉ mất đi một nguồn thu nhất định. Còn những doanh nghiệp có quy mô đầu tư lớn thì thiệt hại sẽ rất nặng nếu yếu về nguồn vốn, tài chính. Những doanh nghiệp nằm trong nhóm được ngân hàng giãn nợ thì còn có thể trụ lại, còn không, rất dễ rơi vào khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản, phải sang nhượng mô hình hoạt động. “Kinh doanh homestay đang phát triển theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ là chính nên tính chuyên nghiệp, quy củ, sự quản lý của Nhà nước vẫn còn lỏng lẻo. Vì vậy, loại hình này rất cần phải thay đổi để tồn tại, cần được quản lý chặt chẽ hơn để đảm bảo sự phát triển tốt nhất”, ông Đính cho hay.

Chuyên gia BĐS Phan Công Chánh cho rằng, thị trường homestay tại TP.HCM đã thực sự bùng nổ thành một làn sóng đầu tư trong các năm 2017 - 2018 và kéo dài đến nay. Người thắng nhiều, kẻ thua cũng không ít. Đối với người thua, các lỗi phổ biến nhà đầu tư thường mắc phải như nhà đầu tư luôn nghĩ tỷ lệ lấp đầy sẽ đạt 100%, nhưng điều này gần như bất khả thi; không trừ hao có những tháng, mùa ế ẩm và thiếu biện pháp cải thiện tình hình kinh doanh khi ế khách; không biết quản lý đúng cách; chọn sai khu vực không phù hợp làm homestay; đầu tư nội thất quá đắt khiến khấu hao bị lỗ hoặc không đúng “gu” của thị trường homestay.

Homestay đã không còn là khái niệm xa lạ với thị trường bất động sản (BĐS) nói chung khi nhu cầu xê dịch của giới trẻ và nhiều gia đình ngày một gia tăng. Với số vốn phải chăng, chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, nhà đầu tư đã có thể kiếm được một khoản lợi nhuận hấp dẫn từ homestay. Nếu thuận lợi, con số lợi nhuận có thể lên tới 3 đến 4 lần số vốn phải bỏ ra chỉ sau 1 năm.

Ông Phan Công Chánh đưa ra lời khuyên cho những người có ý định đầu tư vào mô hình này. Theo đó, căn đầu tiên làm homestay chỉ nên xem là học việc, cần thận trọng chứ đừng vội bỏ vốn lớn; bản chất của các kênh khai thác homestay như Airbnb, Booking, Agoda chỉ là cho thuê ngắn hạn. Do đó, việc duy trì tỷ lệ lấp đầy trong thời gian dài đòi hỏi nỗ lực lớn của nhà đầu tư cá nhân và phải không ngừng cải tiến, học hỏi. Ngoài ra, các yếu tố cơ bản buộc phải đúng ngay từ đầu như chọn vị trí phù hợp với mô hình, chọn nội thất giá tiền vừa phải nhưng không kén khách, hợp đồng thuê tối thiểu 3 - 5 năm nếu suất đầu tư lớn và quản lý khoa học, linh hoạt.

“Nhà đầu tư vào homestay cũng đừng đầu tư vì sở thích nhất thời, cũng đừng chạy theo trào lưu vì cái gì một thời rộ lên rồi cũng có ngày chìm xuống. Chỉ nên ra quyết định kinh doanh khi nhà đầu tư am hiểu rất rõ về ngành này, vì chỉ có nhất nghệ tinh mới ổn định lâu dài. Thị trường cho thuê homestay sắp tới sẽ bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt khi nguồn cung bùng nổ”, ông Chánh chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ homestay nở rộ rồi cầm chừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO