Dệt xanh thêm những mùa Xuân

Phương Anh| 10/02/2022 10:13

“Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” - lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát động Tết trồng cây lần đầu tiên năm 1959 đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thúc giục phong trào trồng cây lan tỏa khắp các địa phương trong cả nước.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của Bác, sáng 6/2 (mùng 6 Tết), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Nhâm Dần năm 2022 tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ). Từ sự kiện này, hàng triệu cây xanh trên cả nước đã và sẽ được trồng, bám sâu vào đất mẹ, như một biểu tượng đẹp đẽ và sống động nhất của sức sống mới, sự gắn kết hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Lời căn dặn về “Tết trồng cây” càng trở nên có ý nghĩa sát thực hơn trong bối cảnh đất nước ta đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

trong-cay.jpg

"Tết trồng cây" năm xưa đến hôm nay mãi còn nguyên tính thời sự. Thời kỳ đất nước còn chiến tranh, trồng cây hằng năm để bù đắp màu xanh khi trong khói lửa bom đạn, cây mẹ ngã, có cây con mọc lên. Ngày nay, khi đất nước yên bình, thiên tai, lũ lụt lại trở thành "thứ giặc" đe dọa đến môi sinh và cuộc sống con người. Hằng năm, đất nước ta chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, lũ đã tàn phá hàng trăm, hàng triệu héc ta cây xanh.

Những điều này một lần nữa cũng được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong Lễ phát động, nhân loại đang đứng trước những thách thức to lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, lụt, sạt lở, hạn, mặn gây hậu quả nặng nề đến tính mạng, tài sản. Chính vì vậy, việc trồng rừng, bảo vệ rừng ngày càng có vai trò quan trọng, vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang ý nghĩa chiến lược đối với cuộc sống của người dân và sự phát triển bền vững đất nước.

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo triển khai nhiều chương trình trồng rừng, phục hồi rừng và trồng cây phân tán, thúc đẩy bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Hai năm 2020, 2021, mỗi năm cả nước đã xuất khẩu gần 30 tỷ USD sản phẩm từ gỗ. Chủ tịch nước cũng nhắc lại năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 45 yêu cầu tổ chức phong trào Tết trồng cây và tăng cường bảo vệ phát triển rừng để thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây “Vì một Việt Nam xanh".

Vấn đề đặt ra là để trồng 1 tỷ cây xanh đã khó, giữ cho chừng đó cây sống được, hình thành những cánh rừng khỏe mạnh để phát huy hiệu quả ngăn ngừa lũ lụt càng khó hơn. Làm thế nào để trồng cây trở nên thực chất? 1 tỷ cây xanh chỉ thành hiện thực nếu nó trở thành từ khóa kèm kế hoạch hành động chi tiết, công khai và nghiêm túc.

Theo kế hoạch đề ra, từ năm 2022 - 2025, cả nước trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020. Đây là một nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương phải rất quyết tâm mới có thể đạt được.

Phát triển kinh tế - xã hội hài hòa với thiên nhiên, môi trường chính là con đường để người dân có được ấm no, hạnh phúc và bình yên thực sự. Do đó, mỗi chúng ta cần thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025 - Vì Một Việt Nam Xanh, góp phần xây dựng đất nước mãi xanh tươi và bền vững.

Hơn bao giờ hết, “Tết trồng cây” phải được thực hiện đồng bộ, khẩn trương, kịp thời. Nhớ đến lời dạy năm xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta lại càng phải “bắt tay vào công việc”. Mỗi người trồng một cây, mỗi nhà trồng vài cây để xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, để vùng đất trống, đồi núi trọc được khoác lên mình chiếc áo xanh kỳ diệu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dệt xanh thêm những mùa Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO