Dẹp “vàng tặc” để xanh đời

Phóng sự của Nguyễn Nga| 18/11/2022 09:19

(TN&MT) - Những ngày cuối năm, chúng tôi về Chiềng Lương (Mai Sơn) nơi đã từng là “chiến trường” của “vàng tặc” ở Sơn La. Nhiều năm trước, nơi đây khá phổ biến tình trạng đào múc, hủy hoại đất nghi có vàng để khai thác trái phép. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, bằng nhiều biện pháp, huyện Mai Sơn đã cơ bản chấn chỉnh nghiêm công tác quản lý đất đai, khoáng sản tại địa phương để phục vụ phát triển bền vững.

a1(1).jpg

Điểm bãi Phiêng Nọi, bản Phiêng Nọi, nhân dân đã san gạt đất để trồng lúa, cải tạo thành ao nuôi cá, đồng ruộng.

Ôm giấc mộng vàng…

Đoạn đường từ trung tâm xã Chiềng Lương vào khu vực bản Lù, bản Phiêng Nọi, những địa điểm được cho là có hoạt động khai thác vàng khá xấu, đường đất với những đoạn dốc cao hiểm trở, trời mưa nên việc đi lại càng khó khăn.

Theo chân đồng chí công an viên xã Chiềng Lương, chúng tôi có mặt tại điểm Bó Ké, thuộc bản Lù. Tại đây, chỉ có 1 máy xúc của hộ gia đình, 1 sàng đãi bằng sắt, không có dấu hiệu hoạt động. Các điểm Bó Hay, Buôm Lực, Lũng Chuối không có dấu vết đào múc mới, chỉ còn 5 máy xúc tập kết, 2 sàng đãi bằng sắt đã han rỉ. Riêng 2 điểm Hong Luông, Phong Chợ thuộc bản Lù và điểm bãi Phiêng Nọi, bản Phiêng Nọi, nhân dân đã san gạt đất để trồng lúa, cải tạo thành ao nuôi cá, đồng ruộng.

Theo lời Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương Cầm Văn Thỏa, đây là 7 điểm trước đây thường diễn ra các hoạt động đào xúc đất, tập kết máy móc, công cụ, thiết bị, lán trại nghi nhằm khai thác vàng trái phép thuộc 2 bản Lù và Phiêng Nọi.

Cũng theo ông Thỏa, việc người dân lén lút hủy hoại đất nhằm thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn xã đã có từ lâu đời. Qua tìm hiểu từ nhân dân, hoạt động này đã diễn ra từ những năm 1985. Căn cứ các tài liệu điều tra địa chất, trên địa bàn huyện Mai Sơn có khoáng sản là vàng sa khoáng, ở các xã Chiềng Lương, Chiềng Chung, Chiềng Dong, Chiềng Ve nhưng trữ lượng không lớn.

a2(1).jpg

Một số gàu xúc đất đã được tháo dỡ, nằm han rỉ.

“Chiềng Lương là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, có 5 dân tộc anh em cùng chung sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Đến hết năm 2021, toàn xã còn hơn 18% hộ nghèo. Đời sống bà con còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư, giao thông giữa các bản chưa đồng bộ, hiện vẫn phụ thuộc chính vào nông sản, chăn nuôi nhỏ lẻ. Cũng bởi thế, hàng năm, vào mùa mưa, cũng là lúc nông nhàn, tập trung khoảng từ tháng 6 đến tháng 8, bà con trên địa bàn xã đã tự mua máy xúc, sàng đãi, tự đào, múc đất nông nghiệp của hộ gia đình, với ước mơ tìm chút vận may trên mảnh đất của mình” – Chủ tịch UBND xã Cầm Văn Thỏa thông tin thêm.

Quyết liệt chấm dứt nạn vàng tặc

Trước diễn biến phức tạp, tinh vi tại các điểm tiềm ẩn nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép tại Chiềng Lương, từ năm 2020 đến nay, UBND huyện Mai Sơn đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn do Công an huyện là cơ quan thường trực.

a3.jpg

Khu vực Bó Ké, thuộc bản Lù không có dấu hiệu đào, múc đất.

Bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn khẳng định: UBND huyện Mai Sơn luôn quán triệt quan điểm xử lý nghiêm với các vi phạm về đất đai, khoáng sản tại khu vực này. Ngay sau khi nhận được các thông tin phản ánh, lực lượng chức năng đều kịp thời có mặt, kiểm tra, xác minh thông tin, kể cả ngày nghỉ hay ban đêm.

Riêng năm 2022, UBND huyện đã thành lập Tổ kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn xã Chiềng Lương do Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương là Tổ trưởng. Tổ công tác thường trực, kiểm tra, giám sát các hoạt động nghi nhằm khai thác khoáng sản trái phép tại bản Lù, Phiêng Nọi xã Chiềng Lương với lực lượng chủ yếu là Công an huyện, Công an xã và Ban quản lý bản. Tổ công tác này thường trực tại bản Lù, Phiêng Nọi để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm.

Cùng với đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã tổ chức ký cam kết với Chủ tịch UBND xã về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. UBND xã đã ký cam kết với 19 trưởng bản về tăng cường vai trò, trách nhiệm của trưởng bản trong quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường, trật tự xây dựng; ký cam kết với 2.100 hộ gia đình về chấp hành nghiêm các quy định về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng.

a4.jpg

Các máy móc tại điểm Bó Ké, bản Lù được giám sát thường xuyên, không có dấu hiệu hoạt động.

Ông Cầm Văn Thỏa, Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương cho biết: Hàng năm, xã đã phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân về hệ lụy của việc khai thác trái phép đối với an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, thất thoát nguồn tài nguyên, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật. Đồng thời, thành lập Tổ công tác của xã cứ cách một ngày lại vào các điểm nghi khai thác khoáng sản để kiểm tra, nắm địa bàn. Chỉ đạo lực lượng công an xã, tư pháp, địa chính tăng cường rà soát, nắm bắt các trường hợp người địa phương khác đến bản, hiện chỉ có 3 trường hợp tạm trú tại bản Lù, có mục đích chính đáng.

Kết quả, từ năm 2020 đến nay, đã kiểm tra, xử phạt nghiêm 36 trường hợp vi phạm, tình hình vi phạm trên địa bàn xã đã giảm rõ rệt, ổn định hơn.

Giải pháp nào bền vững?

Để xử lý triệt để, dứt điểm tình trạng thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép luôn là bài toán trăn trở đối với chính quyền địa phương nơi đây. Trên địa bàn Chiềng Lương không có hoạt động đào bới, khai thác quy mô lớn mà đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân trên địa bàn, tận dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình. Khi có cơ quan chức năng đến thì đều dừng hành vi vi phạm, chấp hành nộp phạt. Nhưng sau đó, lại tái diễn làm thủ công, nhỏ lẻ tại các hang, hốc, trên đất nông nghiệp của gia đình.

Các điểm khai thác ở nơi hẻo lánh, cách xa trung tâm xã, đường giao thông đi lại khó khăn, có độ dốc rất cao và nguy hiểm, phức tạp, đường mòn là đường đất, cách biệt khu dân cư. “Vàng tặc” thường tiến hành đào múc đất ở trong hang, hốc bằng thủ công hoặc hoạt động vào ngày mưa, vào ban đêm nên việc bắt quả tang, xử lý vi phạm, thu giữ tang vật gặp nhiều khó khăn. Qua rà soát sơ bộ, Chiềng Lương hiện có khoảng 5 hang đá tự nhiên, phải có lực lượng cứu hộ cứu nạn mới vào được mà việc đánh sập, lấp các hang lại không khả thi.

a5.jpg

Các khu vực có hiện tượng nghi khai thác vàng trái phép đều rất hẻo lánh, đường đi hiểm trở, dốc cao, nguy hiểm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn Hoàng Thị Hồng trăn trở: Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là huyện không có cơ sở xác định hoạt động đào, múc đất là khai thác khoáng sản trái phép. UBND huyện đã lấy các mẫu đất, gửi giám định hàm lượng vàng nhưng kết quả giám định cơ bản không có vàng nên chỉ có thể áp dụng các mức xử phạt về hành vi hủy hoại đất, làm biến dạng thửa đất theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Mức phạt thấp, không đủ sức răn đe, các khu đất lại đều được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các đối tượng vi phạm hoạt động không thường xuyên. Chúng tôi gặp khó khăn trong việc áp dụng biện pháp thu hồi đất của các đối tượng vi phạm.

Do đó, UBND huyện Mai Sơn vẫn tiếp tục tăng cường hoạt động của Đoàn liên ngành, kịp thời phối hợp với UBND xã Chiềng Lương giải quyết các hoạt động nghi nhằm mục đích khai thác khoáng sản trái phép. Giao UBND xã Chiềng Lương tăng cường công tác quản lý đất đai, khoáng sản, đảm bảo đồng bộ hiệu quả, đúng pháp luật, đấu tranh ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, nhất là các điểm có nguy cơ xảy ra hiện tượng đào, xúc đất làm thay đổi hiện trạng đất, kịp thời tạm giữ toàn bộ công cụ, thiết bị, máy móc nghi nhằm mục đích phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại thời điểm kiểm tra để xác minh, làm rõ nguồn gốc, chủ sử dụng, loại đất và diện tích vi phạm, lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Và đặc biệt, huyện đang giao các phòng ban chuyên môn phối hợp với xã Chiềng Lương rà soát, định hướng phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần giúp công tác xóa đói giảm nghèo được thực chất, hiệu quả, giảm ước mơ đổi đời từ “vàng tặc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dẹp “vàng tặc” để xanh đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO