Đem “cần câu” cho đồng bào về quê từ vùng dịch

Đình Tiệp | 18/10/2021, 05:37

(TN&MT) - “Đề án tạo sinh kế bền vững cho bà con trở về từ vùng dịch” ở huyện biên giới Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) đang thực sự tạo niềm tin và hy vọng mới cho bài toán tạo “sinh kế” cho đồng bào trở về quê hương từ vùng dịch trong suốt thời gian qua. Đây là một cách làm hay, kịp thời mà nhiều địa phương khác nên tham khảo, học tập.

Lời giải cho bài toán “sinh kế”

Trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Hữu Minh không thôi nhắc đến tình cảnh của bà con trở về từ vùng dịch. Theo ông Minh, nếu không tạo được sinh kế bền vững cho bà con, thì dù đã tránh được dịch Covid-19, người dân cũng sẽ bị “giặc” đói quật ngã. Vì thế mà trong nhiệm vụ số một, trên hết và trước hết là phòng chống dịch bệnh, ông luôn đau đáu về tạo ra “cần câu cơm” cho đồng bào. Theo số liệu từ UBND huyện Kỳ Sơn, tính từ ngày 27/4 đến nay đã có khoảng 5.000 người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số của huyện Kỳ Sơn trở về từ các tỉnh phía Nam. Còn từ 21/7 trở lại đây, con số này là 1.700 người.

Theo tính toán, dự kiến toàn huyện này sẽ có 7.000 người trở về từ các tỉnh phía Nam. Chăm lo đời sống, giải quyết việc làm cho bà con quả là bài toán nan giải. Thế nhưng, đây là nhiệm vụ mà lãnh đạo huyện Kỳ Sơn và các cấp, các ngành của huyện này cần phải chung tay giải quyết.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kiểm tra mô hình trồng cây dưới tán rừng ở xã Tây Sơn

Ông Minh cho rằng, huyện biên giới Kỳ Sơn không coi 7.000 người trở về quê là gánh nặng, mà đó là một nguồn nhân lực dồi dào góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương. Họ đã được tôi luyện trong các nhà máy, xí nghiệp, có tay nghề, kinh nghiệm… Đó là vốn quý. Vì vậy, trước mắt, huyện sẽ làm việc với các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, thu nhận nguồn lao động này để họ có thu nhập. Tiếp theo, đã và sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao như ở xã Na Ngoi và một số xã khác như Mường Lống, Huồi Tụ.

“Chắc chắn một lượng lao động không nhỏ sẽ được tuyển dụng vào làm công nhân sản xuất, chế biến, tiêu thụ… Ngoài ra, huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích ruộng nước để bà con có đất sản xuất. Đồng thời khôi phục lại nhiều diện tích chè lâu nay bị bỏ hoang, xây dựng các Hợp tác xã chè để thu hút bà con tham gia…” – Ông Minh, cho hay.

Một bản người Mông ở Kỳ Sơn có nhiều con em trở về quê từ vùng dịch cần được tạo "sinh kế" để thoát nghèo

Về lâu về dài, với thế mạnh là huyện có diện tích rừng lên đến 83.000ha sẽ là tư liệu sản xuất “vĩnh cửu”. Nếu giao đất, giao rừng thành công trên diện tích đó thì trung bình mỗi hộ dân sẽ được giao trên 5ha đất. Theo tính toán, ngoài kinh phí khoanh nuôi, bảo vệ, thu hái lâm sản phụ, bà con còn được tham gia Dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Lúc đó, việc thoát nghèo sẽ không còn là bài toán khó đã từng đeo đẳng suốt nhiều năm qua đối với người dân và chính quyền.

Được biết, trước mắt, huyện Kỳ Sơn đã và đang kêu gọi tài trợ giống cây, con… để những hộ nghèo trở về từ vùng dịch phát triển sản xuất. Hiện, đề án sẽ được tiến hành trên 7 xã, trước mắt chọn 2 xã làm thí điểm là xã Huồi Tụ và Mường Lống.

“Giấc mơ” thoát nghèo không còn xa vời

Được biết, toàn xã Huồi Tụ có 343 người trở về từ vùng dịch. Trong đó, có 85 hộ nghèo với 145 nhân khẩu. Các tổ chức đoàn thể và Nhân dân trong xã đã rất tích cực quyên góp để giúp đỡ bà con trở về từ vùng dịch. Tuy nhiên, người dân phần lớn cũng đang khó khăn, nên sự đóng góp đang rất hạn chế. “Được bác Minh, Chủ tịch huyện gợi ý, xã ta và xã Mường Lống xây dựng “Đề án Tạo sinh kế bền vững cho bà con trở về từ vùng dịch”. Trước mắt, xã kêu gọi người dân, cán bộ, các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đóng góp giúp bà con mua giống cây, con… phát triển sản xuất” - Ông Dềnh Bá Lầu, Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, cho biết.

Theo lãnh đạo xã Huồi Tụ, cách làm của xã này là lập danh sách theo thứ tự, hộ nghèo nhất được ưu tiên trước nhất. Mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng, nhưng không được nhận tiền, mà xã sẽ thanh toán tiền cho bên bán giống. Việc mua bán bằng hình thức ba bên như thế này không phải thông qua bất kỳ trung gian nào, không cần thủ tục, hồ sơ rườm rà. Người dân tự đi tìm mua cây, con giống phù hợp. Thỏa thuận xong xuôi thì báo với xã, cán bộ chính sách, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã sẽ mang tiền đến thanh toán cho bên bán.

Bà Giàng Y Va, ở Bản Huồi Mú, xã Huồi Tụ vui mừng bên con bò vừa được hỗ trợ

Tại bản Huồi Mú, xã Huồi Tụ, bà Giàng Y Va vừa đi nhận bò về. Hai vợ chồng cứ thi nhau vuốt ve con vật quý mà họ mơ ước bao nhiêu năm rồi mới có. Bà Giàng Y Va cười nói liên hồi: "Nó là bò cái đấy. Ta mua của ông Vừ Xáy Và, người ở cùng bản với giá 9 triệu đồng. Con bò này chỉ hơn năm nữa là có thể đẻ con thôi. Lúc đó, nhà ta chắc chắn sẽ thoát nghèo đấy".

Tôi hỏi bà Va, tại sao được hỗ trợ 10 triệu đồng mà chỉ mua con bò 9 triệu? Bà Va vỗ vỗ vào mông con bò mà rằng, vì con này chỉ đáng giá chừng đó thôi. Dư được 1 triệu đồng thì gia đình khác được hưởng.

Khác với nhà bà Giàng Y Va, ở bản Phà Sắc, nhà ông Cử Nỏ Chá lại dám “đầu tư” thêm 4 triệu để mua con bò với giá 14 triệu đồng. Ông Chá cho biết, vì ông thích con bò này, lý do là chắc chắn nó sẽ rất nhanh đẻ con, nên ông mạnh dạn vay thêm 4 triệu đồng để mua bằng được. “Ta thích lắm, vui lắm, cứ như là mơ vậy. Nhận bò xong ta liền bảo mấy đứa con đưa nó vào rẫy để nó được ăn cỏ no nê mới thôi”, ông Cử Nỏ Chá phấn khởi cho biết.

Giao đất, giao rừng cũng là một trong những phương án trong “Đề án Tạo sinh kế bền vững cho bà con trở về từ vùng dịch”

Cách nhà bà Giàng Y Va vài quả đồi là nhà của vợ chồng Dềnh Bá Chù và Và Y Chò, một gia đình có con nhỏ hơn 1 tháng tuổi, vừa vượt cả ngàn cây số từ Bình Phước trở về. Nhà Chù chưa được nhận hỗ trợ đợt này vì chưa đến lượt ưu tiên, nhưng Chù và vợ không hề buồn. Chù nói: “Cả nhà ta về quê được bà con hỗ trợ nhiều rồi, cháu bé còn được hỗ trợ 5 triệu đồng tiền sữa. Mà nhà ta thì chưa nghèo bằng nhiều người khác, nên phải ưu tiên cho họ trước. Ta được biết, xã đã xin được 19 con bò và đang tiếp tục xin nữa, đã trao được 8 con rồi. Mong là nhà ai cũng được để bà con đỡ vất vả, có cái làm ăn để thoát cái nghèo, cái đói”.

Rời Huồi Tụ khi đỉnh Phà Bún cao chót vót đã mờ dần, tâm trạng của tác giả cảm thấy phấn khởi và tràn đầy hy vọng. Mong sao cái đói, cái nghèo sẽ sớm rời xa bà con vùng cao Kỳ Sơn nói chung và người dân trở về từ vùng dịch nói riêng vì “cần câu” đã có trong tay mình.

Bài liên quan
  • Nghệ An: Sẽ thu hồi hơn 10.000ha đất của các Công ty nông lâm nghiệp
    (TN&MT) - Theo phương án tổng thể về sắp xếp, chuyển đổi và phương án sử dụng đất của các Công ty nông lâm nghiệp lập được các Sở, ngành thẩm định thì tổng diện tích đất dự kiến trả về cho các địa phương quản lý, sử dụng khoảng 10.090,24 ha. Đây là một nội dung quan trong về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO