Đề xuất hạ lãi suất tiết kiệm Ngân hàng: Khó kích cầu thị trường BĐS

Thùy Linh| 29/06/2021 10:43

(TN&MT) - Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa có đề xuất gửi Chính phủ, nêu giải pháp hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm.

Lãi suất tiết kiệm Việt Nam đang ở mức cao

VAFI đã hiến kế Chính phủ ban hành các giải pháp để đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0% như sau:

Cần hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản; đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp, đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước.

Hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2 %/năm và như vậy hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài để làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm.

Theo VAFI, hiện nay các nước Âu - Mỹ, Đông Âu chuyển đổi sang kinh tế thị trường, các nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ 0%/năm. Như, các nước trong khối ASEAN Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2% - 0,7%/năm. Thậm chí, một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi) nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp 2% - 5%.

"Còn tại Việt Nam, tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5% - 6,2%/năm là rất cao so với các nước nói trên và dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, trở thành bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình", VAFI nhận định.

Theo đánh giá của VAFI, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp để hạ thấp lãi suất tiền gửi tiết kiệm so với trước kia và nhờ đó đã xuất hiện dòng tiền khổng lồ đổ vào thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, dòng tiền nhàn rỗi lớn cũng đổ vào thị trường bất động sản, đẩy giá đất tăng mạnh và nguy cơ gây khó khăn cho phát triển kinh tế cũng như tạo rào cản thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Giá đất tăng còn tác động tiêu cực tới an sinh xã hội khi hàng triệu người lao động khó có khả năng mua được một ngôi nhà cho chính mình.

Một góc đô thị quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Minh

Khó tác động đến thị trường

Đề xuất hạ dần lãi suất về 0% đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đặt giả thiết lãi suất tiết kiệm 0% sẽ tác động đến thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thông thường, khi hạ lãi suất huy động, người ta nghĩ ngay đến việc sẽ tăng mạnh đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, có xảy ra "bong bóng" hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang quản lý chặt chẽ các nguồn vốn tín dụng và cân nhắc đánh thuế một số loại hình bất động sản, thị trường sẽ khó có sự tăng trưởng nóng và không thể hình thành “bong bóng”. Thêm vào đó, việc hạ mặt bằng lãi suất được thực hiện phải dựa trên rất nhiều yếu tố, trong đó có hai vấn đề quan trọng đó là đánh giá rủi ro thị trường, lạm phát. Việt Nam chưa phù hợp điều kiện hoàn cảnh để có thể tiến tới hạ dần lãi suất về 0%.

Luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty Luật Basico) nhận định, việc hạ lãi suất tiền gửi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tỷ lệ lạm phát; mức độ huy động vốn trong dân. Tại Việt Nam, lượng tiền gửi trong dân rất nhiều nên khó đưa được mức lãi suất tiền gửi về 0%. Đề xuất này là không khả thi vì gây rủi ro cao cho nền kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng HSBC cho rằng, trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã dùng chính sách tiền tệ như một công cụ hỗ trợ tăng trưởng trong khi các chính sách để đảm bảo an toàn vĩ mô là để kiểm soát rủi ro trong ngành bất động sản. Hiện, chính sách tài khóa cần gánh thêm trách nhiệm hỗ trợ kịp thời cho đúng đối tượng trong bối cảnh đợt bùng phát dịch Covid-19.

Vì vậy, nhiều khả năng thị trường nhà ở có thể không còn là một nhân tố trọng yếu của nền kinh tế và vì thế giám sát chặt thị trường bất động sản trong nước là một tín hiệu đáng khích lệ. Sự phụ thuộc giữa hai thị trường tín dụng và bất động sản sẽ giảm dần.

Theo số liệu từ Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), trong khoảng 3 năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại rõ rệt. Năm 2018 tăng khoảng 26,76%; năm 2019 là 21%; 2020 là 11,89%
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, lý do chính khiến tín dụng vào bất động sản năm vừa qua tăng chậm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động đầu tư giảm mạnh.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất hạ lãi suất tiết kiệm Ngân hàng: Khó kích cầu thị trường BĐS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO