Phát triển bền vững

Đề xuất chính sách, pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của đồng bào dân tộc thiểu số với vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam

Mai Đan 14:24 16/06/2023

(TN&MT) - Trong những năm qua, các dự án khai thác mỏ triển khai trên khắp cả nước đã có những tác động đến đời sống dân sinh. Bên cạnh những tác động tích cực như giải quyết việc làm, mở đường giao thông, mang đến ánh sáng, cung cấp điện cho bản làng xa xôi…, những dự án này cũng kéo theo nhiều tác động tiêu cực đối với đồng bào, làm xáo trộn cuộc sống của họ và gây ảnh hưởng đến môi trường.

Hoạt động khai khoáng góp phần giảm nghèo nhưng ở mức hạn chế

Những năm gần đây, nhiều chính sách đã được ban hành nhằm giảm thiểu thấp nhất tác động của hoạt động khai thác khoáng sản đến môi trường, tuy nhiên hoạt động này vẫn có những tác động đến cảnh quan và hình thái môi trường; tích tụ hoặc phát tán chất thải; làm ảnh hưởng đến sử dụng nước do nước bị ô nhiễm...

Từ đó, có thể phá vỡ điều kiện sinh thái được hình thành từ hàng chục triệu năm như khai thác đá vôi xi măng ở Hà Nam, Ninh Bình..., khai thác vàng với qui mô nhỏ, thủ công diễn ra ở nhiều nơi nhưng điển hình ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Lai Châu, Lào Cai..., khai thác vật liệu xây dựng, khai thác cát ở lòng sông diễn ra phức tạp khắp cả nước gây sạt lở bờ sông, làm sập nhà dân. Những hoạt động đó trực tiếp và gián tiếp gây ra sụt lún đất ở và canh tác của người dân ở Nghệ An, Bắc Cạn, Lào Cai.

Trong quá trình khai thác một lượng lớn đất thải, nước thải từ hồ chứa tạo ra những nguy cơ như vỡ đập tràn, sạt lở đất thải gây lấp rừng, đất canh tác và đe dọa cuộc sống của người dân như khai thác than, khai thác đồng, sắt ở Quảng Ninh, Lào Cai, Yên Bái; hoặc quá trình vận chuyển quặng, đất thải bởi những xe tải lớn làm cho cơ sở hạ tầng của địa phương bị hỏng nhiều so với giá trị được đóng góp từ khai thác. Những nguyên nhân đó một phần gây cản trở công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương, vì đại đa số người dân sinh sống gần mỏ đều có điều kiện kinh tế khó khăn.

z4276986360724_558018f4bb0a830670004896212e5f61.jpg
Hoạt động khai khoáng góp phần giảm nghèo nhưng ở mức hạn chế

So với các nước và khu vực có nền công nghiệp khai khoáng hiện đại như Australia, Châu Âu..., tại Việt Nam, ngoài những cam kết về môi trường, đề án an sinh xã hội với cộng đồng người dân sống xung quanh mỏ rất được quan tâm, đặc biệt như tạo công việc làm, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân thông qua các hành động cụ thể hàng năm

Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại các địa phương đã mang lại việc làm và thu nhập khá ổn định cho hàng chục nghìn người lao động trực tiếp và gián tiếp. Bên cạnh đó, việc thu hồi và đền bù đất trong các dự án khai thác khoáng sản chắc chắn phải thực hiện theo điều khoản quy định trong Luật Đất đai và việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp với chính quyền địa phương là điều kiện rất quan trọng để người dân có quyền sử dụng đất, nơi có khoáng sản thấy bằng lòng khi bàn giao và cũng đảm bảo cho cuộc sống của họ về lâu dài. Tuy vậy, theo báo cáo của 63 tỉnh/thành phố trong giai đoạn 2012 - 2020, các tổ chức hoạt động khoáng sản mới hỗ trợ cho người dân số tiền hơn 126 tỷ đồng, đây là con số rất nhỏ và khiêm tốn.

Đề xuất chính sách bảo vệ quyền lợi của đồng bào

Theo PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, không chỉ hỗ trợ kinh phí cho người dân, nơi có khoáng sản được khai thác ở mức hạn chế, các dự án khai thác khoáng sản còn tác động lớn đến môi trường và sức khỏe của bà con. Bà cho hay, tiếng ồn của máy móc, xe ô tô vận chuyển, tiếng khai mìn nổ… kéo theo khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí, gây nứt, gãy, hỏng hạ tầng, đường giao thông, nhà ở, làm sạt lở đất, đồi núi. “Đáng lo ngại, khói bụi có thể bám vào những lá phổi của người công nhân lao động và người dân sống và làm việc trong các mỏ đá, mỏ quặng”, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung nhấn mạnh.

Để giải quyết những tác động này, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung cho rằng cần tăng cường vai trò của cảnh sát môi trường, bảo vệ các thành tố của môi trường sống cho đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, cần quan tâm đến vấn đề tính đúng, tính đủ tổn thất về vật chất, tinh thần, sức khỏe, thiệt hại do bị ngừng sản xuất để bồi thường, hỗ trợ cho đồng bào và nhân dân sinh sống trong vùng chịu ảnh hưởng của tác động môi trường trong quá trình khai thác mỏ; cũng như quan tâm đến khoanh nuôi rừng, bảo vệ lõi rừng.

Hơn nữa, các cơ quan chức năng cần xử lý những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong quá trình triển khai dự án khai mỏ; các đơn vị khai thác mỏ cần quan tâm đến vấn đề hoàn thổ, trồng cây gây rừng, tái tạo và bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ tài nguyên nguồn nước, bảo vệ sự sống của động vật rừng, thực vật rừng quý hiếm, bảo vệ đa dạng sinh học.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung cũng đề xuất tham vấn cộng đồng từ 3-5 năm/lần để có thể kịp thời điều chỉnh kế hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản; thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đánh giá môi trường chiến lược phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bà cũng cho rằng việc xây dựng và hoàn thiện Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Địa chất và Khoáng sản, Luật Lâm nghiệp năm 2017 phải bảo đảm không gian bảo tồn văn hóa, di sản thiên nhiên, bảo vệ di sản tâm linh của dân tộc thiểu số…

Theo bà, Ban soạn thảo xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản cần bổ sung nội dung về chi phí xã hội, chi phí ngoại biên trong Điều, khoản liên quan đến quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác… Điều này sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn văn hóa và đảm bảo sinh kế bền vững cho đồng bào.

z4276971717669_c8f723e194e55a36ab585dc38ddeee84.jpg
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản chú trọng đến quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác

Bà Doãn Hồng Nhung cũng đề xuất sử dụng công cụ tài chính, áp thuế môi trường, phí môi trường và thực thi pháp luật để bảo vệ quyền của đồng bào dân tộc thiểu số, gắn việc khai thác khoáng sản, tài nguyên với phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia tạo nền tảng cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; triển khai và tổ chức tốt việc thực thi Điều 15 và Điều 16 (quyền lợi địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác) của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản…

Bên cạnh đó, việc quy định triển khai giờ khai thác từ 7 giờ đến 19 giờ trong ngày sẽ giúp cơ quan quản lý có thể phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản.

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung cho rằng bảo vệ quyền sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa là bảo vệ quyền cho người sử dụng đất nói chung, thông qua đó việc bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo tồn văn hóa truyền thống có ý nghĩa sâu sắc trong tình hình hiện nay. Việc khai thác và sử dụng các lợi ích có được từ đất là tiền đề cần và đủ để bảo vệ chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Khi xây dựng dự thảo luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ quyền của người sử dụng đất thì luật đất đai sẽ gánh vác trọng trách bảo tồn và phát triển quỹ đất đối với mọi vùng miền của Tổ quốc.

Do vậy, các quy phạm pháp luật ban hành cần có các quy định chuyển tiếp các quy phạm pháp luật trước đó và phù hợp với thuần phong mĩ tục, trình độ hiểu biết. Theo bà Doãn Hồng Nhung cần phải triển khai tham vấn cộng đồng để kịp thời điều chỉnh, đánh giá môi trường chiến lược; cần bảo vệ khác khu vực rừng thiêng, rừng ma, không gian sống và không gian bảo tồn văn hóa, bảo tồn di sản thiên nhiên,… Các quy định pháp luật phải có tính lường trước, tính dự đoán, dự báo các tình huống có thể xảy ra để có thể tăng giá trị gia tăng xã hội, tăng giá trị sinh thái và môi trường hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.

Bài liên quan
  • Người có uy tín – Nhịp cầu chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Thân mật, nhẹ nhàng, trách nhiệm – Đó là cách mà các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Sơn La vận động đồng bào các dân tộc nghe theo Đảng, Bác Hồ, không nghe, không tin kẻ xấu, không di cư tự do, không vượt biên trái phép, không phá rừng làm nương, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO