Xã hội

Đề xuất chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020

PV 09/10/2015 10:52

(TN&MT) - “Lần này các chính sách được Ủy ban Dân tộc (UBDT) xây dựng với khoảng thời gian dài, có tính chủ động cao nên chắc chắn sẽ lồng ghép, phối hợp được tốt hơn” - Đây là ý kiến được Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Son Phước Hoan phát biểu tại Hội thảo Đề xuất Chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020, vừa được tổ chức tại Hà Nội.

ubdt.jpg

Tại Hội thảo, đại diện UBDT trình bày báo cáo đề xuất các chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, UBDT xây dựng và đề xuất 9 chính sách với tổng kinh phí hơn 49.000 tỷ đồng. Trên cơ sở báo cáo đề xuất chính sách của UBDT, các đại biểu góp ý nên xem xét kỹ các chính sách, phối hợp cùng các Bộ, ngành để tránh trùng lặp chính sách, ông Ngô Thế Hiển - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đề xuất UBDT cần phối hợp trong việc đề xuất chính sách để tránh chồng chéo.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan cho rằng, trong giai đoạn này, điểm nhấn là xây dựng chính sách đặc thù theo hướng tích hợp các chính sách sẽ hết hiệu lực sau năm 2015, nhưng mục tiêu chưa hoàn thành. Các chính sách đặc thù sẽ bao trùm tới các đối tượng nghèo, chưa được hưởng chính sách ưu tiên.

Cũng theo Thứ trưởng Sơn Phước Hoan, các chính sách được đưa ra đều ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc, thiểu số (DTTS) nhưng qua thực tế triển khai, đồng bào DTTS có chính sách đặc thụ nhưng vẫn chưa được hưởng, tưởng chừng được ưu tiên nhưng lại không được ưu tiên.

ubdt1.jpg
Giai đoạn 2016-2020 Chính phủ tập trung hỗ trợ KT-XH cho đồng bào dân tộc

Cụ thể, trong tổng các chính sách của UBDT dành cho vùng dân tộc chưa có chính sách nào được bố trí vốn đạt tới 80%, ngoại trừ Chương trình 135, hầu hết mới chỉ được 40 - 50%.

Theo Thứ trưởng, quan điểm ưu tiên không rõ, nội hàm thực hiện chính sách cũng chưa có sự phân biệt. Chẳng hạn, trong lĩnh vực đào tạo nghề cho người lao động, lấy Đề án 1956 để đào tạo chung cho cả nước, chỉ có một câu lồng ghép vào là ưu tiên cho đồng bào DTTS, còn lại vẫn theo đối tượng chung.

“Do vậy, chính sách đặc thù tập trung vào 3 nội dung là hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; bố trí sắp xếp ổn định dân cư; hỗ trợ tín dụng sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo ở vùng lõm, vùng sâu, vùng xa mà chính sách chưa vươn tới được” - Thứ trưởng Sơn Phước Hoan cho hay.

Bà Trần Thị Bích Huyền - Vụ phó Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) góp ý: UBDT cần lưu ý đến các chính sách về văn hóa cho đồng bào DTTS vì hiện các chính sách về lĩnh vực này hiện khá mờ nhạt. Từ năm 2016, Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa không còn dẫn đến việc thực hiện các chính sách về văn hóa dành cho đồng bào DTTS của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch rất lúng túng, không có nguồn lực...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO