Để nước ngọt “ở lại” trên đảo Bạch Long Vĩ

13/06/2019 09:56

(TN&MT) - Sau những khó khăn chồng chất, các cán bộ Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc đã nhận được “quả ngọt” khi tìm ra nguồn nước ổn định cho bà con trên đảo Bạch Long Vĩ - đảo xa bờ nhất Vịnh Bắc Bộ. Và đến nay, hành trình “giữ nước cho đảo” vẫn luôn tiếp tục. 

blv3
Lãnh đạo và cán bộ Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc tại Lễ khánh thành công trình khai thác và xử lý nước cho đảo Bạc Long Vỹ (Hải Phòng)

Hành trình tìm nước

Ông Phạm Bá Quyền (Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc) - Chủ nhiệm Đề án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước một số đảo và cụm đảo lớn, quan trọng - đảo Bạch Long Vĩ” cho biết, điều kiện tự nhiên của huyện đảo không thuận lợi cho việc hình thành nước ngọt trên đảo. Nơi đây, nguồn nước ngầm rất nghèo do đất đá chứa nước kém. Lượng mưa trên đảo không nhiều, thấp hơn trên đất liền, khoảng 1.030 mm/năm. Trên đảo lại không có sông suối có dòng chảy thường xuyên.

Điều đáng nói, do cấu tạo địa hình không thuận lợi cho việc tích trữ nước nên dẫu lượng mưa lớn nhưng sau mưa, nước đổ thẳng ra biển. Toàn đảo Bạch Long Vĩ cũng chỉ có 6 suối nhỏ với chiều dài nhỏ hơn 0,2 km, nhưng các suối này đều chảy từ sườn núi dốc xuống chân núi nên không giữ được nước. Do vậy, Dự án “Điều tra đánh giá tài nguyên nước một số đảo và cụm đảo lớn, quan trọng”, trong đó, đảo Bạch Long Vĩ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Theo ông Phạm Bá Quyền, năm 2016, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Bắc bắt đầu triển khai tìm kiếm nguồn nước trên đảo Bạch Long Vĩ. Sau quá trình điều tra, khảo sát địa vật lý để xác định các vị trí triển vọng, các kỹ sư thi công đã tìm ra được vị trí bố trí 2 lỗ khoan sâu khoảng hơn 80m. Ở hai lỗ khoan này khi tìm kiếm được nguồn nước, đánh giá lưu lượng và chất lượng nước đảm bảo có thể khai thác.

Cuối năm 2017, việc thi công điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở đảo Bạch Long Vĩ hoàn thành với lưu lượng khai thác khoảng 80m3/ngày đêm. Khi phát hiện được 2 nguồn nước đó, Trung tâm Quy hoạch Điều tra tài nguyên nước Quốc gia đã huy động nguồn nhân lực của toàn trung tâm xây dựng và khai dẫn thành công trạm cấp nước ở đây với đầy đủ hệ thống máy bơm, tủ điện, hệ thống dây dẫn, ống truyền nước cấp về UBND huyện đảo.

“Khi công trình cấp nước hoàn thành đã bàn giao ngay cho UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ để đưa vào khai thác, sử dụng luôn”, ông Quyền nói.

Nỗi niềm “giữ nước” cho đảo

Được biết, trước đây, đã có nhiều đơn vị, tổ chức tiến hành làm hệ thống cấp nước trên đảo Bạch Long Vĩ. Chẳng hạn, công trình làm đập cát ngầm để chứa tích nước và trữ nước của Đoàn Thanh niên. Tuy vậy, cũng chỉ được một thời gian và không hiệu quả. Vậy nên, ngoài việc tìm kiếm và phát hiện nguồn nước, trong quá trình khai thác cũng như sau khi khai thác, nguồn nước phải đánh giá được vấn đề xâm nhập mặn.

Theo ông Phạm Bá Quyền, bốn bề quanh đảo đều là nước biển nên vấn đề xâm nhập mặn trên đảo rất dễ xảy ra. Để tránh việc xâm nhập mặn, Liên đoàn đã kiến nghị địa phương khai thác với chế độ hợp lý, đảm bảo lượng khai thác nước cân bằng với lượng nước bổ cập.

“Mặt khác, trong quá trình khai thác, theo thời gian phải quan trắc, đánh giá lưu lượng có đảm bảo hay không, mực nước khi khai thác như vậy có duy trì ổn định không, chất lượng nước như các chỉ tiêu về flo, hàm lượng tổng phong hóa… có bị tăng lên hay không”, ông Quyền đề xuất.  

Hơn nữa, ở đảo Bạch Long Vĩ cũng cần tăng nguồn sinh thủy bằng cách trồng rừng để tạo ra hệ thống rừng giữ lại nguồn nước, đảm bảo nước không bị thất thoát chảy ra ngoài biển. Khi đó, lượng nước ấy sẽ cung cấp cho nước dưới đất giúp cân bằng lượng đã khai thác, tránh bị xâm nhập mặn. Có như vậy, mới giữ được nguồn nước ngọt trường tồn cho đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để nước ngọt “ở lại” trên đảo Bạch Long Vĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO