Đê nghìn tỷ chưa bàn giao đã lún, nứt: Từng phát hiện nhiều sai phạm

17/03/2017 00:00

(TN&MT) - Như báo TN&MT đã phản ánh, dự án xây dựng củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng tỉnh Hưng Yên (đoạn từ Km 76+894 đến Km 124 + 824) chưa bàn giao đã xảy ra nhiều sự cố. Tìm hiểu thêm PV được biết, dự án này trước đó đã bị thanh tra và bị phát hiện nhiều sai phạm.

Những sai sót tiền tỷ

Theo tìm hiểu của PV, từ ngày 28/9/2015 đến hết ngày 06/11/2015, đoàn thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành thanh tra công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn của Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông tại tỉnh Hưng Yên. Ngày 07/3/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký ban hành Kết luận thanh tra số 1487/BKHĐT-TTr và chỉ ra những sai sót tiền tỷ tại các dự án thuộc Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông ở Hưng Yên, trong đó có dự án mà bài viết đề cập ở đây.

Những sai sót này đã được Báo Đấu thầu (cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công khai. Theo đó, tại Dự án đầu tư xây dựng củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng tỉnh Hưng Yên (đoạn từ Km 76+894 đến Km 124 + 824), qua kiểm tra việc phê duyệt các chi phí tư vấn, phi tư vấn theo tổng mức đầu tư, dự toán đã phê duyệt, đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều sai sót.

Đoạn đê ở thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang bị lún hẳn về phía sông Hồng
Đoạn đê ở thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang bị lún hẳn về phía sông Hồng

Cụ thể là tình trạng phê duyệt chi phí lập lại bản vẽ thi công tính bằng 50% đối với chi phí lập bản vẽ thi công là chưa phù hợp với quy định tại Quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009 của Bộ Xây dựng. Theo quy định, chi phí lập lại bản vẽ thi công tính bằng 36% đối với chi phí lập bản vẽ thi công, và như vậy, giá trị dự toán tính lại theo đúng quy định giảm hơn 2,36 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí phá dỡ điếm canh đê dự toán phê duyệt tạm tính trọn gói với số tiền hơn 4,75 tỷ đồng là chưa đủ cơ sở để thanh toán. Khi thanh toán, quyết toán phải xác định cụ thể, chính xác khối lượng để nghiệm thu, thanh toán, quyết toán.

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện, tại dự án này, có một số chi phí phê duyệt trong dự toán là không cần thiết, không phù hợp quy định, làm tăng giá trị dự toán, cần rà soát, loại bỏ như: chi phí quy đổi vốn đầu tư; chi phí di chuyển máy móc, lao động đến công trình …

Cũng trong kết luận thanh tra, đoàn thanh tra đã kiến nghị UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các cơ quan hữu quan thực hiện nhiều nội dung, trong đó yêu cầu chủ đầu tư dự án làm rõ, xử lý những vấn đề tài chính chưa phù hợp được chỉ ra ở kết luận thanh tra. Đồng thời đoàn thanh tra cũng kiến nghị UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan và rút kinh nghiệm, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, sai sót đã nêu trên.

Chủ đầu tư “né” trách nhiệm?

Nhằm làm rõ hơn nguyên nhân xảy ra sự cố tại Dự án đầu tư xây dựng củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng tỉnh Hưng Yên (đoạn từ Km 76+894 đến Km 124 + 824) và trách nhiệm của chủ đầu tư trong vấn đề này, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Hồ Trọng Khải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên - Chủ đầu tư dự án trên.

Tại buổi làm việc, ông Khải chỉ đồng ý trả lời những vấn đề liên quan tới nguyên nhân dẫn tới tình trạng lún, nứt đê tả sông Hồng (đoạn qua huyện Văn Giang), đồng thời cung cấp cho phóng viên báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về việc xác định nguyên nhân và phương án xử lý sự cố lún, nứt mặt đê tả sông Hồng đoạn từ K81 + 000 – K82 + 050, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Hiện vẫn chưa bố trí được nguồn vốn khắc phục sự cố (Ảnh: Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên)
Hiện vẫn chưa bố trí được nguồn vốn khắc phục sự cố (Ảnh: Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hưng Yên)

Theo báo cáo trên, Hội đồng khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp để xác định nguyên nhân và phương án xử lý sự cố. Cụ thể, nguyên nhân được xác định là do đoạn đê thuộc khu vực địa chất nền yếu (đã nhiều lần xảy ra sự cố những năm trước đây); đặc điểm địa chất thân đê và địa hình khu vực có nhiều yếu tố bất lợi; mật độ, tải trọng xe lưu thông trên đê lớn ... Về giải pháp xử lý, Hội đồng khoa học cơ bản nhất trí với giải pháp là: đắp áp trúc bọc mái đê, lấp đầm ao tạo phản áp phía sông và bổ sung giải pháp xử lý vết nứt.

Khi PV muốn hỏi thêm về các thông tin liên quan tới dự án này và trách nhiệm của chủ đầu tư khi để xảy ra sự cố, ông Khải cho biết: “Tất cả thông tin tôi đã trả lời trên các phương tiện truyền thông rồi. Nếu các anh muốn biết thêm thì lên mạng mà đọc”. Khi hỏi về nguồn kinh phí và thời gian để xử lý sự cố lún, nứt đoạn đê nêu trên, ông Khải trả lời: “Hiện chúng tôi đang xin ngân sách Trung ương nhưng nguồn vốn vẫn chưa bố trí được. Khi nào có nguồn vốn thì chúng tôi sẽ tiến hành khắc phục sự cố”.

Khi PV tiếp tục hỏi về việc khắc phục, xử lý những sai sót của dự án xây dựng củng cố, nâng cấp đê tả sông Hồng tỉnh Hưng Yên (đoạn từ Km 76+894 đến Km 124 + 824) được nêu trong kết luận thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Khải trả lời ngắn gọn: “Chúng tôi đã xử lý xong xuôi hết rồi”.

Như vậy là, nguyên nhân xảy ra sự cố lún, nứt đê ở Hưng Yên đã được xác định là do yếu tố khách quan (địa chất yếu). Ấy nhưng với một khu vực có lịch sử địa chất yếu như vậy, chủ đầu tư đã có những tiên lượng và giải pháp gì đặc biệt để xử lý, thi công? Thế rồi những sai sót trong quá trình thực hiện dự án được thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra có liên quan gì tới sự cố lần này?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Phạm Thiệu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đê nghìn tỷ chưa bàn giao đã lún, nứt: Từng phát hiện nhiều sai phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO