Môi trường

Để điện mặt trời về với trường vùng cao

Khánh Ly 27/09/2023 - 17:50

(TN&MT) - Theo khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, hơn 90% Sở Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương quan tâm đến việc thúc đẩy các dự án điện mặt trời mái nhà tại trường học công lập. Các ý kiến cho rằng đây là một sáng kiến có ích, đặc biệt đối với trường học ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện địa hình bị chia cắt.

Do các điểm trường lẻ nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, cách xa mạng lưới điện hiện có nên thường xuyên thiếu điện. Một số trường lẻ có thể sử dụng điện lưới, nhưng đường điện không ổn định thấp và thường bị gián đoạn. Theo khảo sát của UNICEF, khả năng tiếp cận nguồn điện ổn định hơn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa là một trong các lợi ích quan trọng nhất của việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho trường học.

Thực tế, những năm qua, nhiều trường học đã được trang bị hệ thống điện mặt trời áp mái từ các nguồn vốn xã hội. Nhờ đó, thầy cô có thể soạn giáo án khi trời tối, học sinh đủ ánh sáng học bài mỗi khi thời tiết âm u. Như tại điểm trường thôn Vàng On (xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), các tấm pin năng lượng mặt trời do Đại sứ quán Nhật Bản hỗ trợ đã giúp thầy cô và các em học sinh thuận lợi hơn trong công việc dạy và học.

truongphothongdantocbantrutieuhocngoclinh.jpg
Hệ thống năng lượng mặt trời áp mái tại Trường PTDTBT Tiểu học Ngọc Linh (xã vùng cao Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam)

Thầy Triệu Chính Quy, giáo viên điểm trường Vàng On chia sẻ: Hơn 10 năm đứng lớp, khi trường có điện là thời điểm mà thầy trò vui mừng, phấn khởi nhất. Có điện rồi, mọi người không còn phải lo lắng mỗi khi thời tiết âm u, mưa gió không đủ ánh sáng để học; hay mùa hè nắng nóng không có quạt mát. Và nhất là những giờ hoạt động tập thể, văn hóa văn nghệ sẽ rộn ràng hơn.

Việc lắp đặt điện mặt trời tại các trường học cũng là bài học trực quan sinh động về năng lượng sạch, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, lan tỏa đến cộng đồng dân cư về tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn năng lượng sạch. Mặc dù vậy, các thầy cô giáo gặp khó khăn trong vấn đề duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị. Cán bộ nhà trường hay người dân không biết phải làm gì khi thiết bị gặp sự cố, hỏng hóc, trong khi cán bộ kỹ thuật không thể thường xuyên kiểm tra do cách trở địa lý.

Một vấn đề đáng chú ý nữa, chỉ “phòng học kiên cố” có tuổi thọ trên 20 năm mới có thể đáp ứng cho việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Theo số liệu của Bộ GD & ĐT, cả nước có trên 20.000 điểm trường thuộc vùng dân tộc thiểu số, trong đó chỉ có 54,4% trường lẻ đạt tiêu chuẩn chất lượng có thể tồn tại lâu dài (trên 20 năm). Tỷ lệ trường lẻ kiên cố vùng dân tộc thiểu số ở một số tỉnh còn thấp hơn như Tuyên Quang (14,5%), Long An (17,6%) và Hà Giang (22,9%).

Nếu lắp đặt tại những ngôi trường khác sẽ phát sinh thêm chi phí gia cố các tòa nhà trường học và cải tạo mái nhà trong suốt những năm lắp đặt ĐMTMN, tăng gánh nặng chi phí. Theo khảo sát của UNICEF, chất lượng của tòa nhà trường học và cấu trúc mái nhà là những rào cản lớn, làm tăng chi phí trong khi nguồn vốn ngân sách cho các dự án cải thiện cơ sở vật chất các trường học còn hạn hẹp.

anh-3.jpg
Kiểm tra đường điện từ năng lượng mặt trời tại điểm trường thôn Vàng On (xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang)

Nhìn về lâu dài, nếu muốn nhân rộng để mang điện tới các điểm trường vùng sâu, vùng xa, UNCEF cho rằng, cần có thêm các chính sách hỗ trợ cũng như khuyến khích đầu tư vào ngành năng lượng tái tạo không nối lưới và các dự án cho khu vực có điều kiện kém phát triển. Điều này đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, các tổ chức tài chính ở cấp quốc gia và cấp tỉnh để thiết kế các cơ chế tài chính phù hợp nhằm thúc đẩy các dự án năng lượng mặt trời không nối lưới ở những vùng xa xôi nhất, bao gồm 20.000 điểm trường không có hoặc hạn chế tiếp cận đến lưới điện.

Để tăng thêm nguồn vốn thương mại cho các dự án lắp đặt điện mặt trời mái nhà ở vùng sâu, vùng xa, UNICEF khuyến nghị các trường hoặc địa phương đứng ra liên kết với công ty dịch vụ năng lượng để đầu tư, lắp đặt hệ thống ĐMTMN trong trường học và bán điện năng cho trường học, đồng thời, áp dụng cơ chế PPP (hợp tác công tư) sử dụng mô hình tập trung để thu thập nhiều không gian mái nhà vào danh mục đầu tư tạo ra quy mô lớn hơn.

Mô hình tập trung có những ưu điểm nhất định như tính kinh tế theo quy mô, chi phí giao dịch thấp, quản lý rủi ro tốt hơn, rủi ro thất bại dự án thấp hơn phát sinh từ bất kỳ người mua cá nhân nào và mức độ tín nhiệm của người mua kết hợp. Những yếu tố này giúp giảm thiểu rủi ro tài chính cho các nhà phát triển dự án và cũng hỗ trợ họ trong việc giảm chi phí tài trợ cho dự án.

Theo UNICEF, giải pháp năng lượng tái tạo không nối lưới bao gồm điện mặt trời mái nhà có thể được coi là một trong những lựa chọn ưu tiên để thúc đẩy tiếp cận năng lượng ở khu vực nông thôn trong luật pháp quốc gia, tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng hơn cho các nhà đầu tư trên thị trường, đặc biệt là khu vực tư nhân. Ngoài ra, cần xây dựng chương trình nâng cao năng lực và nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và phát triển kỹ năng cho người địa phương để duy trì tốc độ tăng trưởng điện mặt trời ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Nếu được thiết kế và triển khai hiệu quả, giải pháp này có thể tạo ra những tác động tích cực đáng kể đến chất lượng giáo dục của vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vì các trường học sẽ được sử dụng điện ổn định và bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để điện mặt trời về với trường vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO