ĐBSCL: Tìm giải pháp kỹ thuật công trình phòng chống sạt lở phù hợp với thực tiễn

26/07/2018 23:56

(TN&MT) - Thống kê của Bộ NN&PTNT, từ năm 2010 đến nay, khu vực ĐBSCL có 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 786 km, trong đó có nhiều điểm sạt lở rất nguy hiểm. Để phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, nhiều công trình của Trung ương, địa phương được triển khai thực hiện. Song, bên cạnh những mặt đạt được cũng còn nhiều nhược điểm.

sat1
Quang cảnh Hội thảo

Các công trình còn nhiều nhược điểm

Tại Hội thảo về giải pháp kỹ thuật phòng, chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL vào ngày 26/7/2018, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, cho rằng để phòng chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển, trong thời gian qua nhiều công trình, dự án của Trung ương, địa phương đã được triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những công trình đã phát huy được hiệu quả thì cũng có những công trình không thành công. Do vậy, phải nghiên cứu, thảo luận đưa ra giải pháp kỹ thuật phòng chống sạt lở phù hợp với thực tiễn, giải quyết được những vấn đề bức xúc tại đại phương.

Đánh giá về ưu và nhược điểm của công trình kè đê biển Gò Công (Tiền Giang), PGS. TS. Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống Thiên tai - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, cho rằng ưu điểm của công trình này là kỹ thuật không quá phức tạp; tần xuất thiết kế, cao trình đỉnh đê đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư phía sau đê trong điều kiện bất lợi, kết cấu tường đỉnh hợp lý; cấu kiện bê tông đúc sẳn có thể thi công tại chỗ.

Song, nhược điểm là thiết kế của công trình này chưa đề cập đến ảnh hưởng của sự hạ thấp bãi trước và mất rừng ngập mặn gây ra hiện tượng xói chân, sụt lún mái kè; kinh phí xây dựng cao. Đối với công trình kè biển khu vực Cồn Ngoài, Bảo Thuận, Ba Tri (Bến Tre), nhược điểm và nguyên nhân thất bại có thể do chưa xác định đúng điều kiện sóng gió, thủy triều, dòng chảy, áp lực của sống lên mái kè dẫn đến việc thiết kế kết cấu thân đê và mái kè chưa hợp lý; quá trình thi công thân đê chưa đảm bảo đúng theo yêu cầu kỹ thuật, độ chặt.

sat2
Sạt lở đang xảy ra thường xuyên ở vùng ĐBSCL

Năm 2008, công trình kè biển Hiệp Thạnh (Trà Vinh) được khởi công xây dựng với tổng chiều dài 2.015m. Vào cuối tháng 12/2014, một đoạn kè ở phần đầu công trình bị sóng đánh sập. Theo theo thống kê hiện tại có nhiều vị trí của công trình bị sụt lún. "Nguyên nhân có thể do trong quá trình thiết kế chưa có những biện pháp để bảo vệ khóa hai đầu kè và quy mô công trình lớn, tuy nhiên lại đơn lẻ, chưa có giải pháp kết hợp giảm sóng kịp thời..."- PGS. TS. Đinh Công Sản nêu quan điểm.

Tại Cà Mau, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT thông tin, trong thời gian qua nhiều công trình, dự án phòng, chống xói lở đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Cà Mau như: dự án kè chống sạt lở kết cầu bê tông cốt thép theo kiểu tự chèm khu vực biển Tây tại khu du lịch Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời; kè chống sạt lở bằng cừ dừa ở cửa biển Cái Cám, huyện Phú Tân.

Và kè chống sạt lở bằng cọc bê tông ly tâm kết hợp đá hộc từ cống Rạch Dinh đến cống Hương Mai, khu vực Đất Mũi, khu vực Gành Hào. Bên cạnh những mặt đạt được thì các công trình cũng có nhiều nhược điểm khi không tạo được bãi gây bồi để trồng rừng chắn sóng, không có khả năng chống lại các tác động xâm thực của sóng biển, chi phí đầu tư lớn.

sat3
Một góc công trình kè biển Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh

Đâu là giải pháp? 

Từ ưu và nhược điểm của các công trình, PGS. TS. Đinh Công Sản cho rằng, cần thực hiện giải pháp kết hợp công trình giảm sóng và gây bồi. Cụ thể, đối với giải pháp gây bồi và trồng rừng lấn biển, nên thực hiện theo hình thức lấn dần từng bước theo từng giai đoạn, từ trong ra ngoài; đối với giải pháp công trình giảm sóng gây bồi, nên áp dụng dạng công trình ít hối tiếc, ngắn hạn, đơn giản, sử dụng vật liệu địa phương hoặc các dạng kết cấu sử dụng vật liệu nhẹ có thể tận dụng lại và dễ dàng tháo dỡ, di chuyển và lắp đặt.

Hoặc giải pháp nuôi bãi như ở Inđonesia đã làm thành công cũng cần được nghiên cứu, thử nghiệm. "Ở những khu vực quan trọng giải pháp công trình, cần xem xét giải pháp cứng kết hợp với giải pháp mềm, đó là đê phá hay chắn sóng phía ngoài bằng bê tông, phía trong là kết cấu mền và chỉ nên áp dụng các giải pháp kiên cố tại những khu vực mà các giải pháp mềm không thể thực hiện được..."- PGS. TS. Đinh Công Sản nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Kiểm soát An toàn Thiên tai (Tổng cục Phòng chống Thiên tai) Tăng Quốc Chính, kiến nghị các tuyến công trình bám sát bờ sông hiện tại chỉ điều chỉnh cục bộ để đảm bảo trơn thuận tránh lấn sông như đã từng xảy ra. Bên cạnh đó, đánh giá kỹ hình thái, diễn biến lòng dẫn, điều kiện thực tế để chọn kết cầu kè mái nghiêng, tường đứng hay kết hợp cả hai. Ngoài ra, làm tuyến đường dọc theo đỉnh kè chống lấn chiếm.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau Nguyễn Long Hoai, kiến nghị trong thời gian tới, giải pháp công trình cần áp dụng công nghệ kè ngầm tạo bãi bằng cọc bê tông ly tâm kết hợp với thả đá học. Còn giải pháp phi công trình, phát động phong trào trồng cây ven sông, ven biển; tăng cường quản lý, chống lấn chiếm bờ sông, kênh, rạch, bờ biển; xã hội hóa trong xây dựng các công trình phòng chống thiên tai...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Tìm giải pháp kỹ thuật công trình phòng chống sạt lở phù hợp với thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO