ĐBSCL: Nhiều giải pháp phù hợp ứng phó với hạn mặn mùa khô năm nay

Bạch Thanh| 05/05/2021 13:50

(TN&MT) - Đến thời điểm hiện tại, diễn biến xâm nhập mặn ở các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ít gay gắt hơn so với mùa khô năm ngoái. Tuy vậy, việc chủ động ứng phó, tích trữ, cung cấp nước ngọt luôn được các địa phương tập trung triển khai thực hiện, đảm bảo đầy đủ và chất lượng nguồn nước đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và đời sống dân sinh.

Nhiều địa phương đã ngăn kênh, rạch tích trữ nước ngọt để phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân trong mùa khô năm nay

Tăng cường tích trữ nước ngọt

Trước khi bước vào đợt hạn hán diễn ra gay gắt, người dân vùng hạn mặn sớm chủ động tích trữ nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất trong những tháng mùa khô. Cứ vào giữa mùa mưa, bà Lê Thị Bảy (xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) lại dự trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho gia đình. Nước mưa sau khi được hứng từ mái nhà, bà dùng khăn mỏng lọc lại rồi cho vào lu, kiệu để dùng dần trong mùa hạn, mặn.

Bà Bảy chia sẻ: “Ở nông thôn, đa phần vẫn làm theo cách truyền thống này, riết rồi thành thói quen. Bỏ những cơn mưa đầu mùa là tôi bắt đầu tích trữ nước, làm đường máng xối cho nước mưa chạy thẳng ra phía sau, mình lắng lọc xong thì đổ vào lu, hồ dự trữ. Cứ như vậy, mùa mưa chịu khó một chút là mấy tháng khô hạn khỏi lo thiếu nước uống!”.

Tại Bến Tre, rút kinh nghiệm đợt mặn kéo dài mùa khô năm trước, bà con nông dân nơi đây đã thực hiện nhiều giải pháp chống mặn. Ông Châu Văn Quang (xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc) đã đầu tư hơn 17 triệu đồng để mua bạt trữ nước tưới cho 7 công bưởi da xanh. Còn bà Trần Thị Năm (xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri) bỏ ra trên 20 triệu đồng để xây hồ chứa nước mưa bằng bê tông dung cho sinh hoạt gia đình.

Ngoài ra, nhiều hộ cũng đã mua bạt trữ nước, túi nước khổng lồ chứa nước sinh hoạt; ngăn kênh, rạch tạo thành các đập tạm trữ nước. Với mô hình này, các hộ dân, các cơ sở sản xuất tại vùng cây trái Bến Tre cũng trữ được hàng trăm đến cả ngàn khối nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong những tháng mùa khô. Đến nay, nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của bà con nơi đây vẫn đảm bảo đầy đủ.

Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, để chủ động ứng phó với mùa khô và xâm nhập năm nay, người dân trong tỉnh đã chủ động dự trữ nước sinh hoạt cũng như nước ngọt phục vụ sản xuất. Qua thống kê, nông dân Bến Tre đã đào ao, lót bạt tạo thành hồ dự trữ nước ngọt với hơn 500 cái. Những mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Cũng theo ông Đảnh, không giống những năm trước, mùa khô này người dân Bến Tre đã có những cách làm bài bản, khoa học hơn trong việc trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Điều này góp phần mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống hạn mặn. Đến thời điểm hiện tại, đa phần các hộ dân đều không phải lâm vào cảnh thiếu nước ngọt trầm trọng như mùa khô năm trước.

Còn tại Tiền Giang, địa phương cũng đã dự báo và lên kế hoạch xây dựng kế hoạch từ rất sớm. Ngay từ đầu mùa khô năm nay, tỉnh Tiền Giang đã triển khai đắp các đập ở khu vực cù lao Tân Phong, vùng chuyên canh sầu riêng thuộc xã Ngũ Hiệp và triển khai khoan 14 giếng dự phòng trên địa bàn huyện Cai Lậy. Bên cạnh đó, Tiền Giang khẩn trương củng cố lại toàn bộ hệ thống đê bao, tích trữ nước ngọt, đảm bảo đầy đủ và chất lượng nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh.

Người dân Bến Tre sử dụng nước sạch từ nguồn hỗ trợ của Bộ TN&MT

Đồng hành cùng người dân 

Chương trình hỗ trợ bồn chứa, giếng khoan cho người dân thiếu nước sinh hoạt do xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã được triển khai tích cực trong thời gian qua. Trong đó, vật phẩm được trao đến tay người dân địa phương đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Chị Thị Nhiều (ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ) mừng rỡ cho hay: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nhờ được hỗ trợ bồn chứa nước nên mấy tháng nay sinh hoạt của cả nhà thuận lợi hơn nhiều. Có được cái bồn chứa nước, nhà tôi tiết kiệm được cả tiền điện, nấu ăn hay tắm giặt đều rất thoải mái”.

Ông Lê Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa (huyện Long Mỹ) cho biết: Nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện cùng các mạnh thường quân đã hỗ trợ khoảng 320 thùng chứa nước ngọt cho các hộ nghèo, giúp cho người dân thuận tiện hơn trong sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, năm 2020, xã Lương Nghĩa cũng được quan tâm hỗ trợ 147 máy lọc nước cho hộ nghèo, đây là niềm vui lớn cho địa phương cũng như người dân. Tính đến nay, khoảng 70% hộ nghèo trên địa bàn đã có được vật phẩm hỗ trợ để dự trữ nước ngọt, đảm bảo nhu cầu về nước sinh hoạt. 

Tỉnh Hậu Giang cũng đã tranh thủ nhiều nguồn lực hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho người dân vùng hạn mặn. Đến nay, đã hỗ trợ được 827 bồn chứa nước, hơn 200 giếng khoan cho người dân TP. Vị Thanh, huyện Châu Thành A, huyện Long Mỹ và TX. Long Mỹ. Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang còn yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổng hợp tình hình thiếu nước sinh hoạt, nhằm có kế hoạch và giải pháp hỗ trợ kịp thời, giúp giảm bớt khó khăn cho người dân trong mùa hạn mặn.

Tại Long An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, để ứng phó với tình hình hạn, xâm nhập mặn vào mùa khô, trước Tết Nguyên đán 2021, lãnh UBND tỉnh Long An và các Sở ngành liên quan đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang để thống nhất phương án phòng, chống hạn mặn để bảo vệ nguồn nước chung theo hệ thống kênh Bảo Định, giữ nguồn nước ngọt phục vụ nông nghiệp của hai địa phương nhằm tránh thiệt hại như mọi năm. 

Bên cạnh đó đó, các Sở ngành, địa phương đã tham mưu UBND tỉnh Long An triển khai các kế hoạch phòng, chống hạn mặn; thường xuyên theo dõi độ mặn trên các sông để có biện pháp bồi nước hoặc đóng cống thích hợp; kiểm tra các hệ thống cống ngăn mặn và khắc phục các cống ngăn mặn bị hư hỏng, rò rỉ nước; đồng thời, hoàn thành việc đắp các đập tạm ngăn mặn; đầu tư các trạm bơm điện để dự trữ nước.

Còn tại Bến Tre, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, giải pháp căn cơ của tỉnh Bến Tre vẫn đang thực hiện theo phương châm “thuận thiên”, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chủ động trữ nước mưa, nước ngọt. Mùa hạn mặn năm nay, Bến Tre còn chủ động triển khai các giải pháp ứng phó như phát động người dân trữ nước mưa, nước ngọt và thực hiện các công trình ngăn mặn. 

Hiện trên các tuyến sông, kênh, rạch của tỉnh Bến Tre, nước mặn xâm nhập khá sâu vào nội địa. Tuy nhiên, với sự chủ động, quyết liệt triển khai kế hoạch ứng phó với nhiều giải pháp đồng bộ của tỉnh Bến Tre đã góp phần đảm bảo cung ứng nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, hạn chế thấp nhất tình trạng nước cấp bị nhiễm mặn, gây ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt của người dân địa phương.

Theo dự báo của ngành chức năng, trong thời gian tới, vùng ĐBSCL vẫn còn tiếp tục xảy ra một số đợt xâm nhập mặn. Do vậy, để chủ động ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt xảy ra cục bộ, ổn định sản xuất và đời sống của người dân, các địa phương trong vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục có bước chủ động, chuẩn bị phòng chống hạn mặn thông qua những giải pháp phù hợp, hiệu quả, đúc kết thực tiễn từ kinh nghiệm ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong mùa khô năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Nhiều giải pháp phù hợp ứng phó với hạn mặn mùa khô năm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO