ĐBSCL: Lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường

Lê Hùng| 19/11/2019 19:35

(TN&MT) - Công tác bảo vệ môi trường nói chung, phong trào “Chống rác thải nhựa” nói riêng được triển khai sâu rộng và trở thành hoạt động thường xuyên của nhiều cơ quan, đơn vị, người dân ở vùng ĐBSCL.

Công tác bảo vệ môi trường đã thu hút được nhiều cơ quan, đơn vị tham gia hưởng ứng

Cùng bảo vệ môi trường

Thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay thông qua phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giangđã thu hút được trên 6.400 lượt người của 168 cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương tham gia vào các hoạt động thu gom chất thải, khơi thông dòng chảy, dọn dẹp vệ sinh môi trường tại các tuyến kênh mương.

Ông Đào Trọng Ngữ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho hay: “Thông các các hoạt động này, cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên, người dân đã tham gia vớt rác, khơi thông dòng chảy được gần 91km kênh, rạch; thu gom được hơn 6.600 tấn rác thải các loại; phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh 87,5km đường giao thông; trồng được 18.256 cây xanh các loại”.

Theo ông Đào Trọng Ngữ, cùng với các hoạt động nêu trên, các Sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể đã cho ra mắt nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả như: mô hình thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật; phân loại rác thải tại nguồn…, đặc biệt là mô hình 5T (tuyên truyền, thu gom, tái chế, tiết kiệm, tươi tốt) đang được ngành GD&ĐT tỉnh Hậu Giang triển khai nhân rộng ở tất cả các cấp học.

Từ đầu năm 2019 đến nay, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện trên địa bàn TP. Cần Thơ đã phát động và duy trì thực hiện thường xuyên các hoạt động bảo vệ môi trường. Trao đổi với Phóng viên, bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Cần Thơ cho biết, công tác tuyên truyền, vận động về bảo vệ môi trường luôn được MTTQ, đoàn thể các cấp quan tâm thực hiện thường xuyên và đưa vào chương trình công tác hàng tháng, hàng quý của từng cơ quan, đơn vị.

"Không những vậy, trong các cuộc họp hàng tháng của Ban công tác Mặt trận, chi đoàn, chi hội, tổ nhân dân tự quản, các buổi sinh hoạt tôn giáo định kỳ, nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được lồng ghép triển khai để quán triệt và vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn thành phố tham gia hưởng ứng”, bà Nguyễn Thúy Hằng cho biết  thêm.

Từ năm 2018 đến nay, thực hiện công tác phối hợp với Sở TN&MT TP. Cần Thơ trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Hội Cựu Chiến binh TP. Cần Thơ đã thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, trồng cây xanh để hưởng ứng các sự kiện hàng năm như: Ngày Môi trường thế giới; Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Cần Thơ thông tin, từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền được tổng cộng 139 cuộc với trên 5.300 lượt hội viên, nhân dân tham gia. Qua các cuộc tuyên truyền này đã góp phần giúp hội viên, nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhằm nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng dân cư, từ năm 2011 đến nay, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng đã duy trì thực hiện liên tịch phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện các mô hình thu gom, xử lý chất thải.

Bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT Sóc Trăng cho hay, việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường do cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể triển khai thực hiện đã và đang góp phần quan trọng trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và ý thức bảo vệ môi trường của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp.

Cũng theo bà Nguyễn Thụy Kiều Diễm, ngoài những nội dung trong chương trình phối hợp, các tổ chức, hội, đoàn thể như: Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân cũng rất quan tâm lồng ghép nhiều mô hình bảo vệ tài nguyên và môi trường vào các hoạt động thường xuyên. Từ đó, góp phần mang lại nhiều kết quả thiết thực trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Chương trình "đổi rác lấy quà tặng" vừa được Chi cục Bảo vệ Môi trường TP. Cần Thơ tổ chức đã tạo sức lan tỏa trong lực lượng sinh viên Trường Đại học Cần Thơ 

Chung tay “Chống rác thải nhựa”

Trao đổi với Phóng viên, ông Lưu Tấn Tài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, hầu hết các Sở, ngành, đoàn thể, quận huyện trên địa bàn thành phố đều có các hoạt động hưởng ứng phong trào “Chống tác thải nhựa”. Qua đó, đã góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của cán bộ, công chức, người dân, góp phần xây dựng TP. Cần Thơ xanh - sạch - đẹp, phát triển bền vững.

Tại tỉnh Sóc Trăng, bà Nguyễn Thủy Kiều Diễm thông tin, các Sở: GD&ĐT, Tài chính, Nội vụ đã ban hành kế hoạch, phát động các bộ, công chức tích cực tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”. Các tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể thì triển khai mô hình thu gom rác thải nhựa trong trường học; thành lập các câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Không chỉ các cơ quan, tổ chức triển khai hoạt động Chống rác thải nhựa, Nói không với chất thải nhựa mà nhiều cá nhân, chủ cơ sở kinh doanh cũng đã có những hành động hưởng ứng phong trào này. Điển hình là trong thời gian gần đây, thay vì sử dụng vật liệu nhựa để đựng gỏi cuốn cho khách hàng thì chị Đỗ Phương Anh, ở phường 1, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã chuyển sang dùng vật liệu thân thiện thân thiện với môi trường.

Chị Đỗ Phương Anh, ở phường I, TP. Vị Thanh dùng giấy, lá chuối gói đồ ăn cho khách hàng

Theo chị Phương Anh, việc sử dụng bọc nilon hay hộp xốp đựng đồ ăn cho khách hàng giúp chị ít tốn chi phí, lợi nhuận nhiều hơn nhưng đây là những sản phẩm khó phân hủy lại có tác hại với sức khỏe con người và môi trường. Khi biết được những tác hại đó, tôi chuyển sang dùng lá chuối, giấy đựng gỏi cuốn, dù rằng chi phí có cao hơn sản phẩm nhựa nhưng tôi thấy rất vui vì đã góp sức bảo vệ môi trường và sức khỏe cho khách hàng.

Mấy tháng nay, cô Nguyễn Thị Giang, chủ một quán bán nước giải khát ở đường Nguyễn Văn Linh (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã chuyển sang sử dụng ống hút bằng inox và làm từ gạo. Cô Giang cho biết: "Khi chuyển sang sử dụng các loại ống hút này đã làm nhiều vị khách khó chịu vì không quen nhưng dần dà họ biết được mục đích của việc thay đổi là vì sức khỏe và bảo vệ môi trường nên họ thường xuyên đến quán ủng hộ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO