ĐBSCL: Hạn, mặn đang bủa vây

Lê Hùng| 07/02/2020 12:51

(TN&MT) - Do nắng nóng kéo dài nguồn nước trên các kênh, rạch dần cạn kiệt khiến cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra ở hầu khắp các địa phương vùng ĐBSCL.

Công tác quan trắc độ mặn trên các kênh, rạch đang được ngành chức năng Hậu Giang, Sóc Trăng... thực hiện thường xuyên

Nhiều khu vực bị ảnh hưởng hạn, mặn 

Chiều 06/02/2020, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, trong những ngày qua trên địa bàn tỉnh Cà Mau không được bổ sung nguồn nước ngọt, nên hạn, mặn đang diễn ra nghiêm trọng. Hiện các kênh cấp 3 trong vùng ngọt của tỉnh đang khô, còn kênh cấp 1 mực nước còn từ 1 đến 1m5; kênh cấp 2 còn trên dưới 1m.

Cũng theo ông Hoai, đến thời điểm này, diện tích lúa bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã hơn 16.000ha; khoảng 3.500 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Không chỉ thế, tình trạng mực nước trên các kênh rạch sụt giảm đang gây ra nhiều vụ sạt lở đất, đã có gần 150 tuyến lộ, với tổng chiều dài khoảng 20km bị sụt lún, nứt, ảnh hưởng giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân.

“Hiện mới bước qua tháng 02/2020 mà đã thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất rồi, nếu tình trạng nắng nóng cứ kéo dài đến tháng 4/2020 thì tình trạng hạn hán trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2020 còn gây thiệt hại nặng nề hơn so với mùa khô năm 2015-2016” - ông Hoai cho biết thêm

Sáng 07/02/2020, thông tin với phóng viên, ông Phạm Quang Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong những ngày vừa qua trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vùng bị ảnh hưởng bởi mặn xâm nhập gồm các huyện Long Phú, Kế Sách và Cù Lao Dung. Mặn đã xâm nhập sâu vào các kênh, rạch với chiều dài hơn 50km tính từ cửa biển; độ mặn đo được trên các tuyến kênh thuộc xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách) ngày 05/02 là 4‰, còn tại thị trấn Kế Sách là 9‰…

Cũng theo ông Đạo, so với các vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn thì huyện Cù Lao Dung có nhiều nguy cơ bị thiệt hại nặng, bởi vì hiện tại nước lưu trữ trong các kênh mương đang dần cạn, nếu trong khoảng 15 ngày tới mà không có nguồn nước ngọt bổ sung thì sẽ gây thiệt hại cho nhiều diện tích cây trồng tại địa phương này.

Còn tại tỉnh Hậu Giang, trong những ngày qua, mặn đã xâm nhập mạnh từ biển Tây vào các địa bàn huyện Long Mỹ và TP. Vị Thanh. Kết quả đo nồng độ mặn từ triều biển Tây luôn duy trì ở mức cao tại các địa phương này. Cụ thể, trên địa bàn TP. Vị Thanh, độ mặn đo vào sáng ngày 04/02 ở Kênh Lầu đạt mức 5,6‰, Kênh Năm là 2‰; còn tại huyện Long Mỹ, độ mặn ở cống Ba Cô là 3,1‰, cống Hóc Pó 2,7‰, kênh Mười Thước là 4,2‰.

Nhằm phòng ngừa mặn xâm nhập vào nội đồng, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang tiến hành đóng cống ngăn mặn trên kênh Hậu Giang 3 (xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ)

Đồng bộ các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại

Theo ông Phạm Quang Đạo, vào đầu mùa khô năm 2015-2016, hạn hán, mặn xâm nhập đã gây thiệt hại hơn 24.000ha lúa, cây ăn trái của người dân các huyện Long Phú, Kế Sách, Trần Đề. Tuy nhiên, hiện nay dù phạm vi mặn xâm nhập, nồng độ mặn đo được tại một số tuyến kênh, rạch ở huyện Long Phú, huyện Kế Sách không thua gì so với cùng thời điểm mùa khô năm 2015-2016, nhưng thiệt hại gây ra cho người dân là không đáng kể.

Nguyên nhân được ông Đạo đưa ra là tỉnh Sóc Trăng đã điều chỉnh lịch xuống giống vụ lúa Đông Xuân sớm hơn 20 ngày. Vì vậy, đến thời điểm này hầu hết diện tích lúa Đông Xuân của người dân ở các huyện Trần Đề, Long Phú đã cơ bản thu hoạch xong. Cùng với đó, tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo người dân không sản xuất lúa vụ 3 vụ, vì đây là thời điểm mặn xâm nhập, thiếu nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất.

Ngoài những giải pháp nên trên, ông Đạo cho hay, tỉnh Sóc Trăng đã chủ động nạo vét kênh mương, xây dựng cống bọng chuẩn bị ứng phó hạn, mặn từ đầu năm 2019. Nhờ vậy mà giữ được lượng nước phục vụ người dân tưới tiêu, sinh hoạt kéo dài trong khoảng thời gần hơn 20 ngày, thay vì chỉ được 15 ngày như trước đây.

Đối với tỉnh Hậu Giang, tình hình độ mặn hiện nay đang ở mức cao và diễn biến phức tạp, nên các ngành chức năng ở địa phương này đang thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn và tiến hành đóng 3 cống hở, 17 cống tròn trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ- Vị Thanh và 43 đập thời vụ ngăn mặn. Đồng thời, đưa vào vận hành 10 Trạm quan trắc tự động độ mặn tại các địa bàn như: huyện Long Mỹ, TP. Vị Thanh, huyện Châu Thành phục vụ công tác dự báo nồng độ mặn.

Là địa phương của tỉnh Hậu Giang thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi hạn, mặn, ngay từ tháng 11/2019, huyện Long Mỹ đã tập trung theo dõi nồng độ mặn; nạo vét kênh, mương tích trữ nước; đầu tư, sửa chữa các cống, đập ngăn mặn, thay đổi lịch thời vụ xuống giống, tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm nước.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, hiện nay nhiều người dân vùng ĐBSCL đã chủ động tích trữ nước vào kênh, rạch đảm bảo sản suất trong những tháng khô hạn

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ cho biết, tình hình mặn năm nay trên địa bàn huyện diễn biến khá bất thường, mặn xuất hiện ngay từ trung tuần tháng 12/2019, sớm hơn khoảng 1 tháng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống hạn, mặn, nên thiệt hại là không đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Sự, ở ấp 10, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ cho biết, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng tương đương với thời điểm năm 2016, tuy nhiên rút kinh nghiệm từ đợt hạn hán lịch sử năm 2016, người dân đã chủ động tích nước phục vụ sản xuất.

“Với diện tích 3ha đất lúa, tôi đã đào khoảng 2.000m2 để trữ nước ngọt mấy năm nay. Nhờ vậy, dù nước mặn xâm nhập tôi vẫn an tâm khi đã có đủ nước ngọt phục vụ sản xuất. Tận dụng diện tích mặt nước, tôi còn thả nuôi cá và hiện đang chuẩn bị thu hoạch. Tôi chỉ mong bà con nông dân hãy chủ động trong phòng, chống hạn mặn, tránh lơ là, ỷ lại như trước nữa” - ông Sự cho biết thêm.

Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Long Hoai cho biết, UBND tỉnh Cà Mau vừa có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, yêu cầu các địa phương xây dựng phương án điều tiết nước phù hợp với điều kiện nguồn nước cụ thể; thống kê diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.

Cùng với đó, UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng bổ sung kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2019-2020 phù hợp với diễn biến của thời tiết; phân công, bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị trên tinh thần chủ động, linh hoạt, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Hạn, mặn đang bủa vây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO