SỬA ĐỔI LUẬT ĐẤT ĐAI 2013

ĐBQH Đặng Bích Ngọc: Mong muốn Luật Đất đai (sửa đổi) sớm được thông qua để giải quyết được những khó khăn từ cơ sở

Khương Trung 02/11/2023 18:01

(TN&MT) - Luật Đất đai (sửa đổi) được tiếp thu, chỉnh lý trình kỳ họp thứ 6 lần này, cơ bản đáp ứng được mong đợi của các vị ĐBQH và Nhân dân, có nhiều nội dung mới, quy định cụ thể. Chúng tôi mong muốn Luật sớm được thông qua để tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện, giải quyết được những khó khăn từ cơ sở; giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh Hòa Bình trao đổi như vậy với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường bên hành lang Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV

z4842519270680_342077b8bed4012f50d4a165c41f4e76.jpg
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh Hòa Bình

Pv: Thưa Bà, tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đóng góp ý kiến xây dựng Luật, xin Bà cho ý kiến về Dự thảo luật sau khi tiếp thu các ý kiến của Quốc hội.

ĐBQH Đặng Bích Ngọc: Luật Đất đai (sửa đổi) là đạo luật lớn, có ảnh hưởng, liên quan nhiều đến các đạo luật và tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tiếp thu ý kiến tại kỳ họp thứ 5, ý kiến Nhân dân, qua các hội thảo, hội nghị đặc biệt tiếp thu, giải trình, chỉnh lý được nêu trong Báo cáo giải trình của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, thể chế hoá Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu ý kiến đã có rất nhiều nội dung được điều chỉnh trên cơ sở ý kiến đóng góp của ĐBQH. Nhiều nội dung tâm huyết, nhiều vấn đề khó khăn từ thực tiễn trong thực hiện Luật đã được tổng hợp, phân tích, đánh giá, giải trình làm rõ, những vấn đề, nội dung phù hợp cũng đã được Bộ Tài Nguyên và Môi trường cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ tổng hợp, chỉnh sửa cho phù hợp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu cũng như mục đích của việc sửa đổi Luật.

Trên cơ sở rà soát những nội dung của Luật đất đai và các dự án luật có liên quan Chính phủ đã có Báo cáo số 598/BC-CP ngày 23/10/2023 về một số nội dung đối với Dự thảo Luật đất đai trong đó tập trung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật về các điều của Dự thảo Luật. Luật tiếp thu, chỉnh lý trình kỳ họp thứ 6 lần này, cơ bản đáp ứng được mong đợi của các vị ĐBQH và Nhân dân, có nhiều nội dung mới, quy định cụ thể với mong muốn Luật sớm được thông qua để tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện, giải quyết được những khó khăn từ cơ sở; giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

PV: Những ý kiến góp ý của ĐBQH đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu như thế nào, thưa Bà?

ĐBQH Đặng Bích Ngọc: Những quy định được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật trình kỳ họp tập trung vào những nội dung lớn, gặp nhiều vướng mắc và được các đại biểu QH rất quan tâm như: Về phân loại đất; Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sư dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm; Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất ở; Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Về chỉ tiêu sử dụng đấ được xác định trong nội dung quy hoạch sử dụng đất các cấp; Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; về căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia dân tộc; Về giao đất cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; Về phương pháp định giá đất; về các nghị quyết thí điểm một số cơ chế thí điểm một số cơ chế đặc thù ở một số địa phương...

Cơ bản các nội dung của dự thảo Luật đã tiếp thu tối đa những ý kiến, kiến nghị từ các ĐBQH, nhiều nội dung đã có giải trình rất cụ thể với mong muốn giải quyết được tối ưu những vấn đề vướng mắc tại các tỉnh, thành phố. Nhiều nội dung sau khi tiếp thu đã quy định đầy đủ, chi tiết sẽ là cơ sở quan trọng để tổ chức thực hiện trên thực tế như các quy định của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào DTTS.

PV: Như vậy để Luật thực sự tháo gỡ hết những vấn đề vướng mắc và cũng như khi thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống, Bà có kiến nghị vấn đề gì để cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện?

ĐBQH Đặng Bích Ngọc: Để Luật thực sự tháo gỡ hết những vấn đề vướng mắc, khó khăn cũng như khi thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống, dễ thực hiện, tôi mong muốn và kiến nghị các cơ quan soạn thảo, chỉnh sửa bổ sung góp ý cho Luật Đất đai (sửa đổi) trong quá trình hoàn chỉnh dự thảo Luật cần tiếp tục lắng nghe, tổng hợp, đánh giá những ý kiến của các vị ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả Nhân dân để tiếp tục hoàn thiện, bổ sung những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, phân tích đưa ra những phương án tối ưu để ĐBQH có thể cân nhắc, lựa chọn và bấm nút quyết định.

Tôi có một số kiến nghị cụ thể cho dự thảo Luật, trong đó, về phân loại đất. Hiện nay, dự thảo Luật hiện đang giao Bộ TNMT quy định cụ thể về các loại đất, tuy nhiên, tôi đề nghị quan tâm một số nội dung sau:

Một là, về quy định đất nông nghiệp khác: Hiện nay tại một số địa phương có dự án sử dụng kết hợp đất nông nghiệp để xây dựng dự án đầu tư điện mặt trời, đất nông nghiệp làm chuồng trại chăn nuôi, xây dựng nhà kính phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp thực tế đã chuyển mục đích sang phi nông nghiệp, như vậy, không nên đưa vào mục đất nông nghiệp khác. Do đó, cần quy định rõ ràng nội dung này.

Hai là, về quy định đất ở thuộc nhóm đất phi nông nghiệp: Dự thảo Luật hiện mới chỉ đang quy định chung về đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị. Thực tế tỉnh Hòa Bình có một số dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp sinh thái, nghỉ dưỡng ở vùng nông thôn. Đối với các khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp ở trên nếu đất ở trong dự án quy định là đất ở tại nông thôn thì sẽ gặp khó khăn trong việc định giá đất cụ thể để xác định nghĩa vụ tài chính thu tiền sử dụng đất do tài sản so sánh tại các khu vực nông thôn không tương đồng với tính chất dự án khu đô thị cao cấp đầy đủ các yếu tố về hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, để đảm bảo tính đầy đủ của Luật, tránh khó khăn trong việc xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất của dự án, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể nội dung trên.

hoa-binh.jpg
Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình, điểm tham quan du lịch lý tưởng của du khách

Ba là, về quy định đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao thuộc nhóm đất phi nông nghiệp: Đối với đất xây dựng sân golf, đề nghị không đưa vào nhóm đất thể dục thể thao thuộc đất công trình sự nghiệp, để đảm bảo phù hợp với thực tế, không chồng chéo, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất cho dự án sân golf đề nghị đưa đất xây dựng sân golf vào loại đất thương mại dịch vụ.

Về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể thẩm quyền ban hành chính sách về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số (thay vì quy định chưa rõ về thẩm quyền như Điều 27 Luật Đất đai năm 2013). Tôi cơ bản nhất trí với việc quy định khung chính sách, theo đó quy định thẩm quyền ban hành khung Chính sách là Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện.

Hai là, về quy định chính sách giao đất, cho thuê đất để đảm bảo ổn định cuộc sống cho cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số đã được giao đất, cho thuê đất nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất: Tại tỉnh Hòa Bình và một số địa phương hiện có nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh do thiên tai, phải di chuyển đến nơi ở mới nhưng thiếu đất để sản xuất ổn định đời sống. Do đó, tôi đề nghị xem xét bổ sung đối với trường hợp không còn đất ở, thiếu đất nông nghiệp trong trường hợp bất khả kháng do ảnh hưởng thiên tai, ô nhiễm môi trường không sử dụng được đất hoặc do Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, an ninh, quốc phòng. Đồng thời, cũng cần quy định cụ thể nội dung trên đến tránh trục lợi chính sách trong giao đất, cho thuê đất.

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, dự thảo Luật đã quy định khá cụ thể về các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể đến trường hợp dự án đầu tư xây dựng đa mục đích như dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí tại các khu vực ở nông thôn (sử dụng đất cho mục đích đất ở; đất thương mại dịch vụ; đất công trình công cộng, kinh doanh dịch vụ…). Thực tế hiện nay cho thấy các địa phương gặp khá nhiều khó khăn trong thu hồi đất đối với loại hình dự án này; dẫn đến không đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và thu ngân sách của địa phương, cụ thể là:

Trong một dự án sử dụng đất đa mục đích gồm đất sân golf, đất thương mại, dịch vụ, đất ở, đất hạ tầng kỹ thuật, … không phân định được ranh giới cụ thể của từng loại đất đa mục đích trong cùng một dự án, do đó không thể phân chia 2 hình thức nhà nước thu hồi đất và thỏa thuận nhận chuyển nhượng. Mặt khác nếu phân chia loại hình thỏa thuận nhận chuyển nhượng và nhà nước thu hồi đất ở trên sẽ xảy ra bất cập do giá đền bù giữa Nhà nước thu hồi đất và thỏa thuận nhận chuyển nhượng chênh lệch nhau gây khó khăn phát sinh khiếu nại trong quá trình thực hiện dự án.

Thứ hai, tôi thống nhất với phương án dự thảo Luật giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vực vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng trọng điểm thực hiện đấu thầu. Điều này phù hợp với các quy định thẩm quyền của Hội đồng nhân dân theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đảm bảo phân cấp trong quản lý, sử dụng đất đai.

Về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá giá đất. Giá đất là vấn đề có rất nhiều ý kiến được đưa ra trong thời gian qua, tôi cho rằng, dự thảo Luật lần này đã tiếp thu khá cơ bản, đầy đủ nội dung được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến trước đây. Trong đó, căn cứ xác định giá đất cũng là nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến.

Tại dự thảo Luật quy định một trong những thông tin đầu vào để xác định giá đất là “Giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng, chứng thực”. Thực tế hiện nay phổ biến tình trạng giá đất được ghi trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất rất thấp, thấp hơn giá đất trong bảng giá đất tỉnh, và với các trường hợp đó cơ quan thuế sẽ căn cứ vào giá đất trong bảng giá đất tỉnh để xác định tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai (đối với trường hợp giá đất ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cao hơn giá đất trong bảng giá đất thì cơ quan thuế mới căn cứ vào giá đất ghi trong hợp đồng để xác định tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai).

Do đó, tôi đề nghị quy định nội dung này như sau “Giá đất đã được cơ quan thuế xác định để thu nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Giá đất chuyển nhượng thành công trên thị trường được thu thập tại các sàn giao dịch bất động sản có xác nhận và đóng dấu của sàn giao dịch bất động sản”.

Đồng thời, tôi đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định thật chặt chẽ, cụ thể nội dung về giá đất để đảm bảo khả thi trong thực tế.

Về đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng, tại dự thảo Luật đã quy định được trách nhiệm việc quản lý, sử dụng đất của các Công ty nông, lâm nghiệp; thẩm quyền của UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp tại địa phương; tổ chức tiếp nhận hoặc thu hồi phần diện tích đất của các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương bao gồm phần diện tích đất mà tổ chức sử dụng đất đã giải thể; sử dụng không đúng mục đích; không sử dụng; ...

Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường do lịch sử để lại tại các địa phương cần quy định cụ thể về cơ chế, chính sách thực hiện đối với các trường hợp cụ thể như sau:

Một là, Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình diện tích các Công ty nông, lâm nghiệp còn giữ lại sử dụng là 12.190,87 ha đất. Như vậy, diện tích các công ty quản lý lớn hơn gấp nhiều lần diện tích bình quân của đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, do đó việc sử dụng các loại đất để sản xuất và giao khoán của các công ty (đất rừng sản xuất, đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất giao thông, đất sông suối,...,) cần phải theo dõi, quản lý và được cập nhật thường xuyên như một đơn vị hành chính cấp xã. Do đó, tôi đề xuất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung chế độ quản lý, sử dụng đất đối với diện tích đất nông, lâm trường do các công ty quản lý như chế độ quản lý sử dụng đất của một đơn vị hành chính cấp xã.

Hai là, tôi đề nghị Ban soạn thảo rà soát bổ sung quy định về cơ chế thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường (gồm cả phần diện tích đất các công ty đang sử dụng và đất trả về cho địa phương quản lý); bổ sung các cơ chế thực hiện việc giao đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp đất có nguồn gốc nông, lâm trường trả về cho địa phương quản lý mà người đang sử dụng đất ở có từ thời điểm trước khi thành lập nông trường nhưng bị khoanh vào ranh giới nông, lâm trường; đất có nguồn gốc được nông, lâm trường giao đất trên cơ sở nội dung các cuộc họp, ý kiến thống nhất chung hoặc có việc giao đất thể hiện trên giấy tờ nhưng không còn giữ giấy tờ giao, không phải do thực hiện hành vi lấn, chiếm đất của nông, lâm trường; đất đối với các trường hợp sử dụng đất nằm trong ranh giới đất có nguồn gốc nông lâm trường nhưng không phải đối tượng công nhân nông, lâm trường nhận khoán mà mua lại qua nhiều chủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Đặng Bích Ngọc: Mong muốn Luật Đất đai (sửa đổi) sớm được thông qua để giải quyết được những khó khăn từ cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO