Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Xử lý dứt điểm các vướng mắc tại địa phương

24/07/2013 00:00

(TN&MT) - Tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất

Tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội, trong năm 2013, các địa phương phải hoàn thành cơ bản việc cấp GCN lần đầu trên phạm vi cả nước (đạt 85% diện tích cần cấp). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc thực hiện đến nay vẫn chậm với yêu cầu. Trả lời phỏng vấn Báo Tài nguyên & Môi trường về việc này, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết:
   
  Thực hiện Nghị quyết 30/2012/QH13, ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg, ngày 04 tháng 4 năm 2013 và thực hiện nhiều nhiệm vụ để đẩy nhanh tiến độ cấp GCN như: Ngay từ đầu năm 2013, Bộ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm thực Chỉ thị 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ và bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp GCN trên phạm vi cả nước; Bộ đã tổ chức buổi làm việc với 22 tỉnh, TP có tỉ lệ cấp GCN thấp ở nhiều loại đất để thống nhất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp GCN ở 22 tỉnh, TP trọng điểm này; tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, hướng dẫn tại các tỉnh, TP nhằm giúp các tỉnh, TP tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cấp GCN.
   
  Đặc biệt, tại buổi làm việc mới đây, ngày 04 tháng 7 năm 2013, giữa Bộ và 22 địa phương về cấp GCN, đại diện các tỉnh, thành đã phát biểu cam kết sẽ cơ bản hoàn thành việc cấp GCN (đạt 85% trở lên) theo NQ 30/2012/QH13, trong đó, TP.Hồ Chí Minh và Quảng Ninh đã cam kết sẽ hoàn thành việc này vào tháng 9/2013.
   
PV: Xin Thứ trưởng cho biết tình hình thực hiện mục tiêu hoàn thành cơ bản việc cấp GCN lần đầu của cả nước nói chung và 22 tỉnh, thành có tỷ lệ cấp giấy đạt thấp nói riêng?
   
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Đến nay, cả nước đã cấp được khoảng 36.000.000 GCN tương đương với khoảng 82,5% diện tích đất cần cấp GCN. Trong đó, 8 tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấp GCN lần đầu cho các loại đất chính (đạt từ 85 - 100% diện tích) gồm: Bình Dương, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Đồng Nai.
  Trong 6 tháng đầu năm 2013, tại 22 tỉnh, thành phố trọng điểm mới cấp được 822.600 GCN với diện tích 366.600 ha, chỉ đạt 18% so với yêu cầu. Để đạt được mục tiêu của Quốc hội, từ nay đến hết năm 2013, các tỉnh, thành phố này phải nỗ lực cấp khoảng 2.900.000 GCN với tổng diện tích 1.684.000ha. Một số địa phương có chuyển biến tích cực trong công tác cấp GCN là: Tuyên Quang, Lai Châu, Yên Bái, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Thuận… Tuy nhiên, một số địa phương tỷ lệ cấp GCN còn rất thấp như: Điện Biên, Hòa Bình, Gia Lai.
   
 PV: Hiện trạng trên có nguyên nhân từ đâu, thưa Thứ trưởng?
   
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển:  Các trường hợp tồn đọng chủ yếu là do có nguồn gốc đất phức tạp, vi phạm pháp luật về đất đai (giao đất trái thẩm quyền, chuyển mục đích sử dụng đất, xây nhà trái phép, lấn chiếm đất đai…). Ngoài ra, một số địa phương chưa tập trung cao cho việc chỉ đạo thực hiện hoặc chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa tạo sự chuyển biến rõ rệt trong tổ chức thực hiện ở các cấp huyện, xã.
  Bên cạnh đó, nhu cầu kinh phí để hoàn thành cấp GCN lần đầu tại 22 tỉnh, thành phố trọng điểm khoảng trên 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí còn chậm, mới chỉ có 15/22 tỉnh, thành phố báo cáo đã bố trí kinh phí năm 2013 từ ngân sách địa phương với tổng kinh phí 336 tỷ đồng (bằng 12% so với nhu cầu). Có 15 tỉnh, thành phố trọng điểm đã được Trung ương hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền 423 tỷ đồng.
   
PV: Thưa Thứ trưởng, vậy giải pháp nào để đẩy nhanh việc cấp GCN trong những tháng còn lại của năm 2013?
   
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Xác định đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, trong buổi làm việc ngày 04/7/2013, Bộ TN&MT đã yêu cầu 22 tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát lại tình hình thực hiện và giao chỉ tiêu hoàn thành hàng tháng cụ thể cho từng huyện, xã, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp cùng  phối hợp, tham gia trong việc cấp GCN; gắn việc thực hiện Nghị quyết số 30/2012/QH13, thị số 1474/CT-TTg và Chỉ thị số 05/CT-TTg với việc đánh giá cán bộ, đảng viên khen thưởng cuối năm; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn xử lý các trường hợp tồn tại, vướng mắc có tính phổ biến tại địa phương để cấp GCN; cân đối, bố trí đủ kinh phí; tăng cường thêm nhân lực và trang thiết bị cho các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
  Miễn lệ phí trước bạ về cấp GCN, Bộ đã làm việc với Bộ Tài chính để sửa đổi bổ sung Nghị định 45/2011/NĐ-CP về nội dung liên quan đến ghi nợ lệ phí trước bạ; sửa đổi Nghị định 120/2010/NĐ-CP về nội dung liên quan đến thu tiền sử dụng đất vượt hạn mức và báo cáo Thủ tướng Chính phủ … Theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong tháng 8/2013, Bộ sẽ làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp để thống nhất các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc của các địa phương.
   
   
   
   
PV: Theo báo cáo tại buổi làm việc giữa Bộ và 22 tỉnh, thành trọng điểm, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ cấp GCN đất các dự án xây dựng nhà ở đạt thấp nhất cả nước, số liệu này có chính xác không và nguyên nhân do đâu thưa Thứ Trưởng?
   
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cấp GCN cho các thửa đất nông nghiệp đạt tỷ lệ cao, chỉ còn đất ở đô thị, trong đó tập trung là các dự án xây dựng nhà ở để bán còn tồn đọng nhiều căn hộ chung cư, dự án khu đô thị chưa được cấp GCN.
  Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn đọng nhiều căn hộ chung cư, dự án khu đô thị chưa được cấp GCN, trong đó có nhiều trường hợp người dân đã thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính nhưng chủ đầu tư chưa làm đủ thủ tục để có thể cấp GCN, hoặc xây dựng không đúng thiết kế…
  Vừa qua, Bộ đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội, đề nghị rà soát các dự án phát triển nhà đang có vướng mắc để xử lý dứt điểm, trường hợp vi phạm do lỗi của chủ đầu tư mà người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì vẫn phải xem xét làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà, đồng thời phải có chế tài xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư đối với từng trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng, nhất là việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với Nhà nước.
   
 PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Tr.Giang (thực hiện) 
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Xử lý dứt điểm các vướng mắc tại địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO