Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp

Thứ Hai, 19/5/2025 15:7 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 29/08/2016 , 00:00 (GMT+7)

Đẩy nhanh thực hiện Đề án xác lập khu BTTN Mường La

Thứ Hai 29/08/2016 , 00:00 (GMT+7)

(TN&MT) - Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La đang hoàn thiện các công tác về tổ chức cán bộ để chính thức đưa Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Mường La vào hoạt động. Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm Sơn La đã lập, trình UBND tỉnh Dự án quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững khu BTTN Mường La đến năm 2020, định hướng 2030.

Hiện nay, loài vượn đen tuyền tại Khu BTTN Mường La đang bị đe dọa tuyệt chủng
Hiện nay, loài vượn đen tuyền tại Khu BTTN Mường La đang bị đe dọa tuyệt chủng

Tính đa dạng sinh học cao

Tháng 6/2015, UBND tỉnh Sơn La đã chính thức phê duyệt Đề án xác lập khu BTTN Mường La, nằm trên địa phận 3 xã của huyện Mường La, gồm Ngọc Chiến, Nậm Păm, Hua Trai.

Đây là khu bảo tồn thiên nhiên thứ 5 trên địa bàn tỉnh Sơn La, với tổng diện tích tự nhiên hơn 15.800ha. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích hơn 6.800ha, nằm trên địa bàn 2 xã Hua Trai và Ngọc Chiến. Phân khu phục hồi sinh thái có diện tích hơn 8.900ha, phân bố trên cả 3 xã. Phân khu du lịch hành chính có diện tích 35,5ha, bao gồm 1,1ha nằm trên đỉnh Sam Sít, thuộc xã Nậm Păm, được quy hoạch để xây dựng khu hành chính của khu bảo tồn và 34,4ha được quy hoạch thành các khu du lịch, sinh thái.

Ông Lò Thế Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La, cho biết: Khu BTTN Mường La có hệ động thực vật rất phong phú, có tính đa dạng cao. Kết quả điều tra bước đầu đã xác định được, khu vực này có hệ sinh thái rừng tự nhiên núi cao, trung bình mang đặc trưng của vùng Tây Bắc cần được bảo vệ với nhiều kiểu rừng khác nhau.

Về hệ thực vật, đã thống kê được 622 loài thuộc 130 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 27 loài thực vật quý hiếm được ghi trong danh lục đỏ IUCN 2010, Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; sách đỏ Việt Nam 2007, như pơ mu, du sam, thông đỏ, lan kim tuyến...

Hệ động vật, đã thống kê được 323 loài thuộc 97 họ, 28 bộ của 4 lớp Thú, Chim, Bò sát, Lưỡng cư, trong đó có 51 loài quý hiếm. Đặc biệt là loài Vượn đen tuyền, chỉ có 20-30 cá thể đang bị đe dọa tuyệt chủng cao, hiện chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc.

Đặc biệt, rừng nơi đây đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ, cung cấp nguồn nước trực tiếp cho các nhà máy thủy điện trong khu vực như Thủy điện Sơn La, Nậm Chiến...; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cho khu vực như điều hòa khí hậu, giảm thiên tai, lũ lụt, ô nhiễm môi trường và giảm xói mòn đất.

Trước đây, toàn bộ diện tích rừng và đất rừng khu vực này được giao cho cộng đồng bản hoặc UBND xã quản lý, bảo vệ. UBND cấp xã chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, PCCCR trên diện tích rừng và đất rừng thuộc phạm vi quản lý. Do đó, UBND cấp xã đã thành lập ban PCCCR, quản lý bảo vệ rừng cấp xã. Đồng thời, chỉ đạo các bản xây dựng đội PCCCR, đội tuần tra quản lý bảo vệ rừng. Hạt kiểm lâm huyện cử cán bộ kiểm lâm địa bàn xuống các xã để phối hợp, tư vấn cho UBND các xã, các bản về vấn đề quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.

Ông Bùi Mạnh Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường La cho biết: Trước mắt, trong thời gian chờ đợi kiện toàn tổ chức Ban quản lý khu bảo tồn, Hạt Kiểm lâm Mường La tiếp tục phân công 3 kiểm lâm địa bàn, phối hợp với UBND các xã, bản để quản lý, bảo vệ rừng. Nhìn chung, thời gian qua, do đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ý thức người dân đã được nâng cao, cùng với việc chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp người dân nhận thức rõ lợi ích của rừng, tình trạng chặt phá rừng, săn bắn động vật trái phép cơ bản không còn diễn ra.

Nâng cao vai trò bảo vệ rừng của người dân

Để bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn tính đa dạng sinh học, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La sẽ tập trung triển khai 6 chương trình, giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững rừng Mường La, gồm: Chương trình bảo vệ rừng; chương trình quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng; phục hồi sinh thái rừng; phát triển du lịch sinh thái rừng; chương trình tuyên truyền giáo dục và bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế vùng đệm.

Trong đó, sẽ tập trung kiện toàn bộ máy quản lý bảo vệ rừng đặc dụng các cấp, tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức. Tập trung khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh và trồng mới rừng nhằm nâng cao diện tích đất có rừng, độ che phủ, chất lượng rừng và tính đa dạng sinh học.

Đối với những diện tích rừng nằm trong phân khu phục hồi sinh thái khó quản lý, gần dân cư thì lập hồ sơ giao khoán để gắn quyền lợi, trách nhiệm của người dân với rừng. Xây dựng các bảng biểu, nội quy bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học treo ở nhà văn hóa bản, nhà trường bản... làm thành các tờ lịch để treo ở các hộ gia đình. Khuyến khích sự tham gia rộng rãi của người dân với quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng. Đồng thời, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm để nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, giảm tác động tiêu cực của con người vào khu bảo tồn.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của Ban quản lý khu bảo tồn. Ông Lò Thế Thi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sơn La cho biết: Trụ sở làm việc của Ban quản lý được đặt trên đỉnh Sam Síp, song do chưa bố trí kinh phí xây dựng trụ sở mới nên đơn vị sẽ tận dụng lại Trạm PCCCR và 7 gian nhà do Công ty Thủy điện Nậm Chiến bàn giao lại.

Hiện các gian phòng này đều đã xuống cấp nghiêm trọng, lại chưa có đường điện, nước sinh hoạt... Khu bảo tồn nằm trong khu vực có địa hình dốc cao, mức độ chia cắt mạnh, rất hiểm trở, đi lại khó khăn, nằm cách xa khu dân cư nên phần nào ảnh hưởng tới công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, theo dự kiến, Ban Quản lý rừng đặc dụng có khoảng 20 biên chế. Với diện tích rừng rộng lớn trên 15.000ha, theo quy định tại Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 500ha rừng đặc dụng, khu bảo tồn có 1 kiểm lâm thì chưa đáp ứng được, nên việc quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn da dạng sinh học sẽ đối diện nhiều khó khăn.

Nguyễn Nga

 

Xem thêm