Đẩy mạnh phòng và chống hàng giả, hàng nhái dịp Tết nguyên đán 2015

23/12/2014 00:00

(TN&MT) – Tết đến, xuân về thường là dịp hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng tràn ra thị trường...

   
(TN&MT) – Tết đến, xuân về thường là dịp hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng tràn ra thị trường. Nhằm hợp tác chặt chẽ với các lực lượng thực thi pháp luật và các doanh nghiệp trong cuộc đấu tranh vấn nạn này, ngày 23/12, tại TPHCM, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) đã tổ chức hội thảo cập nhật tình hình đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái khi đến Tết nguyên đán 2015.
   
  Theo đánh giá của nhiều người và tổ chức sở hữu trí tuệ trên thế giới, tội phạm lớn nhất của thế kỷ XXI là tội phạm hàng giả. Nếu như trong những năm 80 của thế kỷ XX, nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái chủ yếu tập trung vào các mặt hàng xa xỉ phẩm như: nước hoa, hàng da, đồng hồ... và phần lớn dành cho khách du lịch, thì từ đầu thập niên 90 đến nay, hàng giả và hàng nhái xuất hiện ngày càng đa dạng, từ hàng nông nghiệp đến hàng công nghiệp và văn hóa phẩm. Vấn nạn sản xuất hàng giả, hàng nhái như đã trở thành một ngành công nghiệp với quy mô lớn.
   
  Theo thông tin từ Tổ chức Hải quan thế giới, tổng giao dịch hàng giả trên thị trường thế giới năm 2010 (tổng hàng hóa lưu chuyển hai chiều) là 37.000 tỷ USD, trong đó có tới 2.000 tỷ USD giá trị làm giả. Theo đó, cứ 10 sản phẩm có 1 sản phẩm bị làm giả. Cụ thể, hàng năm nước Mỹ thiệt hại 250 tỷ USD, Đức bị mất 70.000 việc làm và 25 tỷ USD do nạn hàng giả, hàng nhái, tổng số đồng hồ Thụy Sĩ giao dịch trên thị trường là 40 triệu chiếc, trong khi số lượng sản xuất thực tế chỉ có 26 triệu chiếc...
   
   
  Tại Việt Nam, vấn nạn hàng giả, hàng nhái cũng khá nghiêm trọng. Theo tính toán của VATAP, trị giá hàng giả, hàng nhái, hàng buôn lậu, hàng gian lận thương mại và trốn thuế là nghiêm trọng, là vấn nạn của đất nước. Theo nhận định của ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch VATAP, trong thời gian trước, trong và sau Tết nguyên đán 2015, vấn nạn này sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, VATAP đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và chỉ đạo của Bộ Công thương, nhằm thực hiện các nhiệm vụ về tăng cường công tác đấu tranh, nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái và hàng giả.
   
  Ông Bảo cho biết thêm, về tình hình hàng giả, hàng nhái, nhất là mặt hàng rượu ngoại nhập – mặt hàng phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán 2015, trước đây có những thông tin tỷ lệ rượu giả, nhái đạt tới 40% - 50% là không đúng bản chất. Bởi vì ở thời đó, những loại rượu nào Nhà nước quy định dán tem mà không có tem theo quy định đều bị liệt vào hàng giả. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại rượu mua từ các cửa hàng miễn thuế, xách tay từ nước ngoài đem về không nộp thuế, sau đó đem bán ra thị trường. Đây rõ ràng không phải là hàng giả. “Không chỉ rượu mà các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế cần được giải quyết triệt để nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính”, ông Bảo khẳng định.
   
  Còn ông Đỗ Hồng Chính – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, rượu là mặt hàng được chọn làm quà tặng phổ biến nhất trong dịp lễ, tết cuối năm. Vì vậy, đây là cơ hội cho hàng giả hoành hành. Để việc phòng chống có hiệu quả, đòi hỏi có sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh rượu.
   
  “Thành công chỉ đến khi có sự phối hợp đồng bộ của 3 bên: cơ quan chức năng, hiệp hội và doanh nghiệp. Kinh nghiệm trong chống hàng rượu giả dành cho các cơ quan chức năng là không có sản phẩm, nhãn rượu nào được phép sản xuất ở Việt Nam. Do đó, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào sản xuất các sản phẩm rượu mang nhãn hiệu quốc tế đều là hành vi sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm được quy định tại điều 157 – Bộ luật Hình sự. Người tiêu dùng muốn tránh mua nhầm hàng nhái, hàng giả nên lựa chọn mua sắm ở các cửa hàng uy tín, được tuyển chọn hay ủy quyền của nhà sản xuất”, ông Chính cho biết.
   
  Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã lấy ngày 29/11 hàng năm là “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái”, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhận thức của người dân và doanh nghiệp đối với công tác này. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 389/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cơ sở củng cố Ban Chỉ đạo 127. Theo đó, các ban ngành, địa phương đã tích cực truy quét, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trị giá lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
   
        
“Luật sư Bùi Quang Nghiêm – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cho biết: Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái và hàng nhập lậu được coi là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân, tổ chức khác, vi phạm quy định quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Do đó, pháp luật hiện hành đã có những quy định ngăn chặn và xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu như: các quy định về cạnh tranh không lành mạnh trong Luật cạnh tranh; các quy định về nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng, quyền cơ bản của người tiêu dùng... trong Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010; các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý...), trong Luật sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005 và sửa đổi năm 2009; các quy định về khởi kiện bồi thường trách nhiệm dân sự, quy định về xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu...
        
    
   
   
                                                                               Bài & ảnh: Thục Vy
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh phòng và chống hàng giả, hàng nhái dịp Tết nguyên đán 2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO