Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học thực hiện Nghị quyết 24/NQ-TW

22/11/2018 20:33

(TN&MT) - Theo đó, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, vai trò của khoa học công nghệ đã được khẳng định, đã có những đóng góp nhất định phục vụ phát triển kinh tế đất nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Trong đó, các kết quả nghiên cứu đã có nhiều mô hình, giải pháp thích ứng, ứng phó với BĐKH được áp dụng thực tế, chuyển giao cho các địa phương và có khả năng nghiên cứu nhân rộng trong thời gian tới.  

do thi thich ung bdkh


PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Ths.Nguyễn Ngọc Tú (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường), TS. Nguyễn Đắc Đồng (Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học công nghệ Biến đổi khí hậu), TS. Lê Văn Chính (Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa phối hợp nghiên cứu Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ nhằm thực hiện Nghị quyết 24/NQ-TW.

Theo các nhà khoa học, hầu hết các nghiên cứu đều đề xuất các giải pháp thích ứng BĐKH khác nhau cho các khu vực cụ thể. Trong đó có một số nghiên cứu để đề xuất các giải pháp thích ứng BĐKH phù hợp với Đồng bằng sông Cửu Long.

Cụ thể, về quản lý Nhà nước, việc xây dựng bộ chỉ số nhằm theo dõi và đánh giá mức độ hiệu quả của các chính sách và hoạt động thích ứng với BĐKH, áp dụng bộ chỉ số trong quản lý thực hiện các hoạt động thích ứng trở lên quan trọng để giám sát và thực thi các hoạt động thích ứng BĐKH. Bộ chỉ số thích ứng BĐKH gồm các chỉ số về chống chịu môi trường tự nhiên; bộ chỉ số đánh giá tính dễ bị tổn thương do BĐKH; bộ chỉ số giảm nhẹ rủi ro do BĐKH; bộ chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động thích ứng với BĐKH.Đã áp dụng bộ chỉ số thích ứng BĐKH ở Cần Thơ cho thấy khả năng chống chịu của môi trường tự nhiên ở mức “thấp”; tính dễ bị tổn thương ở mức “trung bình”; khả năng giảm nhẹ rủi ro do BĐKH dao động từ “thấp” đến “trung bình”. Trên cơ sở đó, các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng BĐKH cho thành phố Cần Thơ được đề xuất gồm: tăng diện tích không gian xanh, xây dựng các khu vực trữ nước, cứu ngập kết hợp làm công viên đất ngập nước và bảo tồn đa dạng sinh học, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

Đối với nuôi trồng thủy sản, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra phân vùng sinh thái thích nghi với BĐKH trong nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL, gồm 5 tiểu vùng sinh thái đối với sinh thái biển và bãi triều; 6 tiểu vùng sinh thái đối với vùng nội địa và phân định chức năng cho các tiểu vùng. Xây dựng được bộ công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan quản lý, cụ thể là phần phềm GIS-AQUA cho phép dễ dàng lựa chọn các tiêu chí, trọng số đầu vào để tạo ra các bản đồ khác nhau khi đánh giá tổn thương và phân vùng sinh thái trong nuôi trồng thủy sản.

Đối với nông nghiệp nghiên cứu mô hình canh tác thích ứng với BĐKH trên vùng đất phèn ở ĐBSCL đã làm rõ các vấn đề sau: Ảnh hưởng của bón phân NPK đến sinh trưởng, năng suất lúa trên đất phèn ĐBSCL; ảnh hưởng của bón lân trộn “dicarboxylic acid polyme” đến năng suất lúa trên đất phèn ĐBSCL (đã tăng hiệu quả của lân để tăng năng suất lúa); ảnh hưởng của một số hợp chất lên khả năng chống chịu mặn của lúa trên đất nhiễm mặn, các hợp chất thử nghiệm cho kết quả tốt về tăng năng suất lúa dưới điều kiện đất bị nhiễm mặn gồm: phun KNO3, bón CaO kết hợp phun Brassinosteriods.

Tương tự, quy trình kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất cho cây trồng chủ lực (lúa, lạc và mía) để nâng cao khả năng thích ứng cũng đã được nghiên cứu và đánh giá ở khu vực ĐBSCL. Các mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất dưới tác động của BĐKH đã được thực hiện ở các tỉnh Kiên Giang và Long An. Các kết quả thực hiện mô hình có thể triển khai nhân rộng ra các vùng khác của ĐBSCL.

Đối với giao thông vận tải, trong lĩnh vực giao thông vận tải đã nghiên cứu công nghệ neo trong đất để gia cố đê biển làm nền đường ô tô. Cơ sở khoa học và mô hình tính toán của nghiên cứu này có thể triển khai mở rộng để nâng cao khả năng ứng phó BĐKH của hệ thống đê biển và đường giao thông ven biển ở ĐBSCL.

Đối với công trình phòng chống lũ đã xây dựng được bộ tiêu chí về mức hiểm họa, vỡ đập, vỡ đê biển trong điều kiện BĐKH, nước biển dâng (NBD), phương pháp tính toán thiết kế lũ và mực nước thiết kế đê biển trong điều kiện BĐKH, NBD cùng tài liệu hướng dẫn; đề xuất được các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do các sự cố công trình gây ra dưới tác động của BĐKH, NBD (giải pháp công trình và phi công trình) trong bối cảnh BĐKH, NBD.

Đối với đô thị, các giải pháp xây dựng và triển khai mô hình đô thị ven biển có khả năng thích ứng với BĐKH ở Việt Nam bằng bộ chỉ số dựa trên 3 hợp phần chính: (1) Khả năng chống chịu tự nhiên 11 tiêu chí và 18 chỉ tiêu; (2) Khả năng chống chịu xã hội gồm 104 chỉ số (cơ sở hạ tầng, kinh tế - tài chính, xã hội, con người, quản trị); (3) khả năng chuyển hóa thách thức từ BĐKH thành cơ hội phát triểngồm 14 chỉ số. Các tiêu chí và chỉ số đánh giá KNTƯ với BĐKH có mối tương quan chặt chẽ với các chỉ số phát triển bền vững, thành phố đáng sống, đô thị thịnh vượng, tăng trưởng xanh, bền vững, chống chịu và các chỉ thị thực hiện môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học thực hiện Nghị quyết 24/NQ-TW
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO