Đầu tư nông nghiệp ngoài nước: Chú trọng "luật – lệ" đất đai

22/02/2017 00:00

(TN&MT) – Theo TS. Phạm Quang Tú, đại diện Oxfam tại Việt Nam, nông nghiệp là lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp Việt khi đầu tư ra nước ngoài. Tuy vậy, đầu tư nông nghiệp thường gặp phải rủi ro về đất đai; nếu chúng ta không tìm hiểu kỹ truyền thống canh tác, sử dụng đất của người dân địa phương sẽ dẫn tới những xung đột có thể xảy ra trong tương lai.

Nhiều rủi ro

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đánh giá, Lào và Campuchia là hai quốc gia được các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn đầu tư nhiều nhất và trong số các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, chủ yếu là các dự án đầu tư trồng cao su. Tính đến nay, Việt Nam đã có 72 dự án đầu tư trồng cao su, với tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư Việt Nam là 2,175 tỷ USD.

Ông Đoàn Thanh Nghị (Cục Đầu tư nước ngoài) cho biết, nhìn chung, các dự án trồng cao su được Chính phủ Lào và Campuchia đánh giá tốt, có hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm nguồn thu cho lao động địa phương, cải thiện cơ sở hạ tầng và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội nước sở tại.

Tuy vậy, doanh nghiệp Việt khi triển khai đầu tư ở hai nước Lào và Campuchia gặp phải nhiều khó khăn trong vấn đề đất đai. Nghiên cứu của Tổ chức Oxfam Việt Nam gần đây đã chỉ ra những thách thức trong việc thu hồi và bồi thường đất như: xung đột về đất đai, bản đồ cũ hoặc không rõ ràng; các công ty thường bắt đầu thu hồi đất ngay khi có giấy phép; Luật yêu cầu bồi thường nhưng giá bồi thường còn khá tùy tiện. Tại Lào, xung đột đất đai ngày càng được quan tâm, dẫn đến việc tăng thời gian giao đất.

TS. Phạm Quang Tú - Đại diện Oxfam tại Việt Nam
TS. Phạm Quang Tú - Đại diện Oxfam tại Việt Nam

Trong khi đó, người dân còn thiếu thông tin về quyền và hợp đồng, thiếu sở hữu đất; người dân còn có những ý kiến trái chiều giữa dân di cư và cư dân cũ. Tại Campuchia, người dân bản địa còn gặp khó khăn trong việc đăng ký đất phường.

Mặt khác, doanh nghiệp Việt phải đối mặt với những rủi ro giữa quyền sử dụng đất theo luật pháp và luật tục khi đầu tư ra nước bạn. Chẳng hạn như, khi doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở Lào, quỹ đất đầu tiên công ty được cấp chủ yếu là rừng gỗ tạp, nương rẫy bị bỏ hoang. Sau khi ủi đất và bồi thường lại có người dân bản ra cắm cọc làm hàng rào và nhận là đất của mình do mua lại từ người khác. Mặc dù, công ty làm tờ trình báo cáo lãnh đạo huyện và đề nghị xác minh lại đất này nhưng không được giải quyết; do vậy công ty phải bồi thường thêm lần nữa cho mảnh đất này. Rõ ràng, vấn đề đất đai không chỉ ở Lào ngay cả ở Việt Nam, người dân còn thiếu hiểu biết về pháp luật nên áp dụng lệ làng rất mạnh.

Cần hiểu rõ “luật – lệ”

Theo TS. Phạm Quang Tú, để đầu tư hiệu quả ở các nước này, các doanh nghiệp Việt cần lưu ý thực hiện nghiêm túc các quy định về đầu tư ra nước ngoài của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của các nước sở tại, cần phải cập nhật thường xuyên các thay đổi của pháp luật quốc gia đó để thực hiện cho đúng. Đối với việc đầu tư, cần tránh nôn nóng, nên triển khai nghiên cứu đánh giá một cách cụ thể hơn trong giai đoạn trước khi đầu tư.

Các dự án về cao su đang chiếm tỷ lệ lớn nguồn vốn đầu tư của Việt Nam ở Lào và Campuchia (ảnh minh họa).
Các dự án về cao su đang chiếm tỷ lệ lớn nguồn vốn đầu tư của Việt Nam ở Lào và Campuchia (ảnh minh họa).

Về vấn đề này, bà Nguyễn Hoàng Phượng – Phòng Nghiên cứu Chính sách, Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng, doanh nghiệp cần hiểu rõ luật tục của người dân nước sở tại. Nhóm cộng đồng người dân tộc bản địa sống bằng nông nghiệp luân canh, luân cư, tức là canh tác ở một khu vực sau đó chuyển đến khu vực khác để canh tác những năm tiếp theo. Thông thường khu đất bị để hoang khoảng 5 – 7 năm, sau đó, người dân quay lại canh tác tiếp, cứ như vậy, quay tròn trong tất cả khu đất họ đã khai hoang. Trong cộng đồng của mình, người dân tôn trọng “quyền sở hữu” cũng như ranh giới đất đai của nhau theo luật tục và bảo vệ quyền này mạnh mẽ.

Ngoài ra, với đặc thù đất đai của các nước Lào, Campuchia và Myanmar, nhất là các vùng đất đỏ đối với các cây trồng công nghiệp sẽ là những lợi thế. Bên cạnh các cây truyền thống như: cao su, cà phê, mía đường trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt có thể nghiên cứu hướng trồng cây ăn quả sạch để sử dụng các sản phẩm này vào xuất khẩu.

Tuyết Chinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư nông nghiệp ngoài nước: Chú trọng "luật – lệ" đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO