Phạm vi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành là trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo với thời gian thực hiện từ năm 2021 đến hết năm 2025.
Mục tiêu tổng quát được nêu trong Nghị quyết số 24/2021/QH15 là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Mục tiêu cụ thể: tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững |
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 48.000 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển: 20.000 tỷ đồng và vốn sự nghiệp: 28.000 tỷ đồng; Vốn ngân sách địa phương là 12.690 tỷ đồng; Huy động hợp pháp khác là 14.310 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chính phủ có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình bảo đảm hiệu quả.
Về nguyên tắc, giải pháp triển khai, thực hiện Chương trình, Nghị quyết nêu rõ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Quy định định mức phân bổ cụ thể ngân sách Trung ương và tỷ lệ đối ứng của ngân sách địa phương, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, mục tiêu kế hoạch hằng năm; quy định cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện một số hoạt động của Chương trình bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm, điều kiện huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo…
Đồng thời, phải bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; khơi dậy, phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo, hộ nghèo và cộng đồng; phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh...
Các chính sách hỗ trợ cần khơi dậy, phát huy tinh thần nỗ lực, tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo |
Để quản lý, điều hành Chương trình, thành lập Ban Chỉ đạo chung cho cả 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia là Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 ở cấp Trung ương và ở địa phương, bảo đảm hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp giữa 3 Chương trình.