Dấu hiệu “bắt tay” nhau để khai thác đất trái phép tại Nông Sơn (Quảng Nam)

Lan Anh| 09/03/2020 23:17

(TN&MT) - Sau bài phản ánh về việc Công ty TNHH Nhất Hưng Nông Sơn lợi dụng việc UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu dự án Nhà máy chế biến gỗ để khai thác đất trái phép, PV Báo TN&MT tiếp tục phát hiện có dấu hiệu “bắt tay” nhau giữa các doanh nghiệp, gây thất thoát tài nguyên, làm trái quy định của pháp luật.

Như PV Báo TN&MT đã phản ánh, mặc dù mới được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn tại thôn Trung Phước, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, thế nhưng, công ty này này đã đưa máy móc, xe cơ giới vào khu đất lâm nghiệp để khai thác, tận thu đất khi chưa được cấp phép.

Việc khai thác này rất quy mô, số lượng khai thác đất khá lớn. Công ty dùng 2 máy liên tục liên tục ngoạm từng gàu đất từ sườn đồi có độ cao 5m đổ lên thùng xe ben trọng tải lớn rồi chở ra đi. Cứ như vậy, các chuyến xe ben chở đất ra, vào khiến mặt đường QL14H bị băm nát, tiếng xe cơ giới chạy ngày đêm ầm ầm gây bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt người dân gần khu vực mỏ đất và môi trường xung quanh.

Công ty Nhất Hưng Nông Sơn khai thác đất trái phép

Đất được khai thác tại khu vực Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn đều do đoàn xe ben có logo “LLP” chở đến đổ phục vụ cho công trình thi công cầu Nông Sơn mới, cách đó khoảng 6km.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đoàn xe “LLP” chở đất tại đây thuộc Công ty TNHH Xây dựng Lê Lộc Phát (Công ty LLP) có trụ sở đăng ký tại thôn Nông Sơn 2, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) do ông Đỗ Phú Lộc làm giám đốc. Còn đơn vị thi công công trình cầu Nông Sơn mới là Công ty TNHH Thanh Tùng (Công ty Thanh Tùng) có địa chỉ đăng ký tại phường Quang Trung, thành phố Vinh (Nghệ An) do ông Trần Quyết Thắng làm giám đốc.

Được biết, dự án cầu Nông Sơn và đường nối từ cầu Nông Sơn đến đường Trường Sơn Đông, hạng mục cầu Nông Sơn và đường dẫn vào cầu (giai đoạn 1) được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt tại Quyết định số 102/QĐ-UBND ngày 11/01/2019, với tổng mức đầu tư hơn 128 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh đảm bảo phần xây dựng với kinh phí 127,81 tỷ đồng; huyện Nông Sơn bố trí kinh phí thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 0,6 tỷ đồng.

Đất khai thác trái phép chở đến đổ phục vụ cho công trình thi công cầu Nông Sơn mới

Trong quá trình điều tra vụ việc, PV thu thập được 2 bản hợp đồng kinh tế liên quan đến việc mua bán vật liệu xây dựng (đất, cát, đá) để thi công công trình giữa Công ty LLP với Công ty Thanh Tùng và giữa Công ty LLP với Công ty Cổ phần Quý Tín- Đại Việt, địa chỉ đăng ký tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) do ông Trần Văn Việt làm giám đốc. Theo đó, Công ty LLP hợp đồng mua đất đồi từ Công ty Quý Tín bán lại cho Công ty Thanh Tùng để phục vụ thi công công trình cầu Nông Sơn mới.

Thế nhưng, mỏ đất tận thu của của Công ty Quý Tín đã bị cơ quan chức năng huyện Nông Sơn yêu cầu tạm dừng hoạt động từ ngày 25/2/2020 do trong quá trình khai thác đã gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động tận thu khoáng sản tại thôn An Trung của Cty Quý Tín trên diện tích khoảng 40.000m2 để thi công xây dựng Nhà máy sản xuất gạch không nung. Điều đáng nói, vị trí nhà máy gạch không nung được cấp phép ngay trên một ngọn đồi, nằm sau lưng sát nhà người dân. Việc xẻ đồi, đào bới, vận chuyển đất đai trong quá trình thi công dự án này liên tục gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 20 hộ dân xung quanh. Công ty Quý Tín khai thác khoáng sản nhưng không thực hiện theo đúng giấy phép và báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt nên cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động.

Mặc dù hợp đồng kinh tế mua đất đồi làm vật liệu san lấp với Công ty Quý Tín, nhưng do công ty này bị dừng hoạt động nên từ cuối tháng 2/2020 đến đầu tháng 3/2020, Công ty LLP phải “đi đêm” với Công ty TNHH Nhất Hưng Nông Sơn để khai thác đất trái phép tại khu vực dự kiến đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ Nhất Hưng Nông Sơn. Và Công ty TNHH Nhất Hưng Nông Sơn biết rõ chưa được phép “tác động vào đất rừng” nhưng vì lợi nhuận đã “nhắm mắt” đưa phương tiện, thiết bị vào “oanh tạc” đất rừng, chở đi bán.

Biên lai công ty Thanh Tùng ghi biên nhận cho xe LLP chở đất

Về tính pháp lý của 2 bản hợp đồng kinh tế mua, bán đất san lấp được ký kết giữa Công ty LLP với các Công ty Quý Tín và Công ty Thanh Tùng, PV Báo TN&MT sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu “bắt tay” nhau để khai thác đất trái phép tại Nông Sơn (Quảng Nam)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO