Đấu giá QSDĐ xây dựng nhà ở thương mại tại Ninh Bình: Vẫn còn nhiều hạn chế

30/10/2018 08:07

(TN&MT) – Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện nay có 6 khu đất đã thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại theo hình thức đấu giá quyền sử dụng (QSD) đất. Tuy nhiên, hình thức này vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Anh 1
Bên cạnh những ưu điểm thì hình thức đấu giá QSD đất để xây dựng nhà ở thương mại ở Ninh Bình vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục.

Cả 6 dự án trên đều nằm trên địa bàn tại huyện Hoa Lư, cụ thể: Dự án khu Khê Trong – Khê Ngoài tại xã Ninh Hải, tổ chức đấu giá tháng 12/2016, diện tích đất ở đấu giá QSD đất là 36.371 m2; Dự án khu Trũng Trong xã Ninh Khang, tổ chức đấu giá tháng 10/2016 với diện tích 2.268,5 m2; Dự án khu Trung Lang xã Ninh Khang, tổ chức đấu giá tháng 10/2016 với diện tích 6.169 m2; Dự án khu Đồng Hộ xã Ninh Khang, tổ chức đấu giá tháng 3/2017 với diện tích 45.628,5m2; Dự án khu Đồng Sàn – Đồng Vụng xã Ninh Mỹ, tổ chức đấu giá tháng 11/2017 với diện tích 7.974 m2; Dự án khu Núi Voi thị trấn Thiên Tôn, tổ chức đấu giá tháng 12/2017 với diện tích 8.548 m2.

Trong các khu đấu giá QSD đất để xây dựng nhà ở thương mại nêu trên thì khu Khê Trong – Khê Ngoài xã Ninh Hải, khu Trung Lang, khu Trũng Trong xã Ninh Khang nhà đầu tư cơ bản triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện theo quy hoạch và hồ sơ thiết kế được phê duyệt. Khu Đồng Hộ xã Ninh Khang, nhà đầu tư đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch. Các khu Đồng Sàn – Đồng Vụng xã Ninh Mỹ và khu Núi Voi thị trấn Thiên Tôn, các nhà đầu tư đang triển khai xây dựng.

Theo Báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, các dự án đấu giá QSD đất để xây dựng nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nhiều ưu điểm như: Tổ chức đấu giá QSD đất thành công trong một lần đấu giá cả khu đất lớn, kể cả những lô đất nằm ở vị trí không thuận tiện, xen kẹp. Số tiền thu được từ đấu giá tập trung, đảm bảo nguồn thu ngân sách cho địa phương, tạo nguồn vốn phục vụ các dự án trọng điểm để phát triển KT – XH. Lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, có đủ nguồn vốn để đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, đồng bộ theo quy hoạch. Nhà nước không phải huy động vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, không phải chịu rủi ro đối với các khu đất đã hoàn thiện xong cơ sở hạ tầng mà không đấu giá được.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hình thức này vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Trình tự, thủ tục còn phức tạp, qua nhiều bước, nhiều khâu và thời gian thực hiện kéo dài. Điều kiện quy trình chặt chẽ nên số lượng nhà đầu tư tham gia còn hạn chế, chưa tạo được tính cạnh tranh. Và chưa tổ chức đấu giá những khu đất lớn, có giá trị để thu hút nhà đầu tư.

Số tiền thu về ngân sách nhà nước từ đấu giá QSD đất của 6 khu đất trên theo hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại sau khi GPMB là 106,888 tỷ đồng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đấu giá QSDĐ xây dựng nhà ở thương mại tại Ninh Bình: Vẫn còn nhiều hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO