Dấu ấn trong tâm dịch

Hoàng Ngân| 01/09/2021 20:26

(TN&MT) - TP. Hà Nội đã và đang thực hiện hàng loạt biện pháp cấp bách, tận dụng triệt để “thời gian vàng” để khống chế nguy cơ lây lan dịch bệnh. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức" - trong khó khăn, gian khổ, đã xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp chia ngọt sẻ bùi, tinh thần đoàn kết lá lành đùm lá rách được lan tỏa, góp phần cùng chung tay với các cấp ủy, chính quyền Thủ đô sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Xét nghiệm diện rộng nhằm bóc tách F0

Kiên cố "vùng xanh", dập nhanh "vùng đỏ"

Sau hơn 5 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và theo Công điện số 19/CĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, Thành phố đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị các cấp vào cuộc quyết liệt, tận dụng triệt để “thời gian vàng” để khống chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Trong đó, Hà Nội đã tập trung xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 và tổ chức thần tốc “chiến dịch” tiêm vắc xin diện rộng cho các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, mở rộng, kiểm soát chặt các “vùng xanh”; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không tuân thủ biện pháp phòng chống dịch và ra đường không có lý do chính đáng.

Tính đến 12h ngày 1/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.318 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.548 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 1.770 ca. Hiện thành phố có 7 ổ dịch mới phức tạp. Cụ thể, ổ dịch tại phường Văn Chương và phường Văn Miếu, quân Đống Đa; ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh  Xuân; ổ dịch tại chợ Ngọc Hà, quận Ba Đình; ổ dịch tại ngõ 24 Kim Đồng, Giáp Bát, Hoàng Mai; ổ dịch tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng; ổ dịch tại phố Sơn Tây, phường Kim Mã, quận Ba Đình.

Trong ngày 31/8, các lực lượng chức năng của Thành phố Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt 1.371 trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19, với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Các vi phạm phổ biến bị xử phạt gồm: Ra ngoài khi không thực sự cần thiết; không đeo khẩu trang nơi công cộng; không giữ khoảng cách khi tiếp xúc; vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19,…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, đợt bùng phát dịch lần này phức tạp hơn rất nhiều các đợt bùng phát dịch trước đây do sự xuất hiện của chủng mới và tiếp tục biến đổi lây nhiễm mạnh, dễ dàng gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Nguy cơ phát sinh ổ dịch mới trong cộng đồng còn lớn. Do đó, trước mắt, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay vẫn phải là thực hiện giãn cách xã hội một cách thực chất.

“Các quận, huyện, phường, xã, thị trấn trên toàn thành phố phải chủ động lên kế hoạch đánh giá các khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ tạm... để có kịch bản phương án phòng, chống dịch chủ động.Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, làm chặt chẽ hơn việc quản lý người ra đường. Toàn thành phố tổ chức triển khai mô hình “Gia đình an toàn Covid-19”, yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết không ra đường khi không có việc cần thiết”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Đồng thời, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tập trung chỉ đạo công tác xét nghiệm diện rộng, thực hiện tốt kế hoạch đã đề ra coi đây là biện pháp mũi nhọn tập trung ưu tiên nguồn lực để xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ cao, các vùng phong toả, cách ly, nhằm bóc tách triệt để các ca F0; từng bước làm sạch, chuyển “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, chuyển “vùng da cam” thành “vùng xanh”; tiến tới tổ chức xét nghiệm diện rộng cả “vùng xanh” đưa thành phố trở về trạng thái an toàn.

Nhằm tiếp tục bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, ngày 28/8, Hà Nội đưa ra hai kịch bản xét nghiệm sau ngày 6/9. Theo đó, kịch bản 1, dự kiến lấy 800.000 mẫu trong 7 ngày nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp tại các quận, huyện, thị xã nguy cơ cao từ trước, với các ca nhiễm tăng cao, phải thực hiện phong tỏa. Trong đó, tập trung khu vực nguy cơ cao tại 12 quận, huyện là: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín. Khu vực nguy cơ tại các quận, huyện còn lại.

Kịch bản 2, dự kiến lấy 1,5 triệu mẫu xét nghiệm nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp tại các quận nội thành và một số khu vực các huyện ngoại thành, với các ca nhiễm lớn. Trong đó, khu vực nguy cơ cao tại 12 quận gồm: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hà Đông, Ba Đình, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Tây Hồ. Khu vực nguy cơ tại các quận huyện còn lại.

Nhân lên những điểm sáng

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có nhiều chợ đầu mối và chợ dân sinh cùng siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội bị tạm dừng hoạt động. Trước thực tế đó, Hà Nội đã đưa ra hàng loạt các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu như triển khai các điểm bán hàng lưu động, điểm bán hàng bình ổn giá. Sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động đã bố trí. Đến nay, đã có 9 quận tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa vì xuất hiện ca mắc Covid-19. Thành phố cũng đã công khai 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá để kịp thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Người dân đảm bảo giãn cách theo quy định khi đến điểm bán hàng lưu động

Tại khu vực bị cách ly, phong tỏa, các quận, huyện, thị xã đã bố trí Tổ Covid cộng đồng cùng các lực lượng liên quan có nhiệm vụ cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời cho người dân như: Hỗ trợ 100% hộ nghèo, mỗi hộ 1 suất quà trị giá 1 triệu đồng; triển khai chương trình “Đoàn kết chống dịch” thiết lập đường dây nóng của MTTQ Thành phố và 30 quận huyện thị xã, thiết lập Fanpage “Đoàn kết chống dịch” để kịp thời hỗ trợ cho người dân; phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô triển khai “Chợ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “Túi hàng 0 đồng”; phối hợp với Liên đoàn Lao động Thành phố, Thành đoàn Hà Nội tổ chức chương trình “Đoàn kết chống dịch” tặng quà cho lao động mất việc, sinh viên khó khăn trong các khu trọ với tổng số 7.629 suất quà trị giá trên 5,29 tỷ đồng và phân bổ 175 tấn nhu yếu phẩm, rau củ quả tiếp nhận được về các quận, huyện trên địa bàn Thành phố.

Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã công bố danh sách các đơn vị, điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn có triển khai hình thức bán hàng trực tuyến. Theo đó, có 600 điểm bán hàng hóa thiết yếu gồm: 565 điểm bán hàng đặt tại các quận, huyện của Thành phố và 35 siêu thị, hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô.

Ngoài ra, với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, nhiều đơn vị, cá nhân và tổ chức đã có nhiều phong trào ủng hộ nhu yếu phẩm thiết yếu, tích cực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội. Điển hình như mô hình “Bếp cơm 0 đồng” ưu tiên hỗ trợ cho những người vô gia cư, người lao động khó khăn trên địa bàn thành phố của Cộng đồng thiện nguyện Triệu trái tim hay hóm “Xe 0 đồng” tại Hà Nội với khoảng 50 tài xế không kể ngày đêm vận chuyển miễn phí nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế chống dịch cho các đơn vị, đội nhóm thiện nguyện.

Với các giải pháp đồng bộ, kịp thời của thành phố, cùng với sự đồng lòng, góp sức của các tổ chức, cá nhân, người dân đã cơ bản đảm bảo các nhu cầu thiết yếu trong những ngày giãn cách. Đặc biệt, những người dân ở các khu vực phong tỏa, những người gặp khó khăn đã được chính quyền, các đoàn thể tiếp tế đầy đủ lương thực, thực phẩm, giúp cho người dân yên tâm và thực hiện nghiêm túc các yêu cầu phòng, chống dịch.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn trong tâm dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO