Dấu ấn 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc: Văn hóa, giáo dục, y tế đạt nhiều thành tựu quan trọng

Việt Hùng - Phạm Thiệu| 22/12/2021 15:39

(TN&MT) - Bên cạnh việc chú trọng phát triển kinh tế, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc không quên tập trung phát triển văn hóa, giáo dục, y tế ... làm cho những lĩnh vực này đạt nhiều thành tựu quan trọng.

Văn hóa, giáo dục có nhiều bước tiến

Tháng 11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Ngày 01/01/1997, tỉnh Vĩnh Phúc chính thức được tái lập và đi vào hoạt động.

Trong quá trình Vĩnh Phúc xây dựng và phát triển, ngoài thành tựu về tăng trưởng kinh tế thì phát triển văn hóa, giáo dục đạt nhiều kết quả quan trọng; nhiều giá trị văn hóa dân tộc, di tích, di sản được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.

Danh thắng Tây Thiên - Tam Đảo trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Hệ thống mạng lưới trường lớp các cấp được quy hoạch và quan tâm đầu tư. Đến năm 2019 đã có 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 của toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014.

Các chỉ số chung về giáo dục của toàn tỉnh đều vượt các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Số lượng và chất lượng học sinh giỏi quốc gia ổn định ở mức cao so với các tỉnh, thành trong cả nước. Tính từ năm 1998 đến nay, tỉnh có 1.405 giải học sinh giỏi cấp quốc gia; 33 huy chương cấp khu vực và quốc tế, trong đó có 3 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 15 huy chương đồng các môn toán học, vật lý, sinh học ...

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm. Đến nay toàn tỉnh có 91,84% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 93,85% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều tiến bộ; tỉnh có 65 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 03 di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là: Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Tây Thiên -Tam Đảo, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn, di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thổ Tang.

Vĩnh Phúc có nhiều học sinh đạt giải thưởng tại các cuộc thi quốc tế

Vĩnh Phúc có 02 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách của UNESCO (gồm: Hát ca trù và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt) và 05 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội đền Ngự Dội, hát Soọng cô của người Sán Dìu, hát trống quân Đức Bác, tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên và Lễ hội xã Đại Đồng).

Sức khỏe nhân dân là quan trọng nhất

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại Vĩnh Phúc được đặc biệt quan tâm. Cơ sở vật chất ngành y tế được tăng cường, nâng cấp ở các tuyến như: đầu tư Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Sản – Nhi quy mô 500 giường bệnh, các bệnh viện và Trung tâm y tế tuyến huyện; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn.

Đội ngũ y, bác sỹ thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đến hết năm 2021, Vĩnh Phúc đạt tỷ lệ 39 giường bệnh/vạn dân, tăng 30,1 giường/vạn dân so với năm 1997; 14 bác sỹ/vạn dân, gấp 5,4 lần năm 1997. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được cải thiện ở cả ba tuyến.

Là địa phương đầu tiên của Việt Nam ghi nhận ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 vào đầu năm 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung phòng chống, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Bằng các giải pháp linh hoạt, sáng tạo, công tác phòng chống dịch ở Vĩnh Phúc đã trở thành mô hình để các địa phương trong cả nước nghiên cứu, vận dụng. Đến thời điểm này, Vĩnh Phúc đã cơ bản khống chế được dịch, bảo vệ “vùng xanh”, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, dịch Covid-19 tại tỉnh này đã được kiểm soát tốt

Công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm, chất lượng cuộc sống nhân dân được nâng cao, nhất là giải quyết việc làm, giảm nghèo được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực. Bình quân hàng năm Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động. Các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin truyền thông) được quan tâm.

Bình quân mỗi năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 300 tỷ đồng thực hiện chính sách cho các đối tượng. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công. 100% các xã đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2021 giảm còn 0,44%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. 100% xã trên địa bàn được phủ điện lưới quốc gia và 100% hộ dân được dùng điện lưới; cáp quang đã đến 100% số thôn.

Đặc biệt, ngày 12/3/2020, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần tạo tiền đề vững chắc bảo đảm công tác an sinh xã hội, cải thiện nâng cao toàn diện đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo động lực phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc: Văn hóa, giáo dục, y tế đạt nhiều thành tựu quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO