Đất hoang “hóa vàng” nhờ nuôi tôm sạch

Bài và ảnh: Đức Duy| 29/10/2020 10:16

(TN&MT) - Nhiều năm gần đây, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đang là giải pháp cho sự phát triển kinh tế bền vững tại các xã ven biển huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Từ diện tích đất bỏ hoang lâu năm, nay đã trở thành những vựa nuôi trồng thủy sản có quy mô lớn và định hướng theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần giảm thiểu ô nhiễm vùng biển.

Để đất hoang “hóa vàng”

Huyện Hậu Lộc có 6 xã ven biển gồm: Hòa Lộc, Hải Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc, với hệ thống đầm, phá, kênh, rạch rộng lớn và phù hợp cho nghề nuôi trồng thủy sản. Trước đây, nghề nuôi tôm sú, tôm càng xanh chiếm đa phần và giữ vai trò chủ lực trong nghề nuôi trồng thủy hải sản. Tuy vậy, hiện nay, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đang là hướng làm giàu mới của người dân ven biển Hậu Lộc.

Thấy rõ được hiệu quả từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại, tháng 4/2014, anh Lê Văn Lương, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc đã cải tạo 2 ha diện tích mặt nước để bắt đầu khởi nghiệp. Sở dĩ anh mạnh dạn đầu tư như vậy là vì đã chủ động tham khảo, học hỏi các mô hình nuôi thành công tôm thẻ chân trắng ở nhiều nơi. Sau khi suy nghĩ thấu đáo, gia đình anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng hệ thống cấp thoát nước, hệ thống điện chiếu sáng, tiến hành mua con giống và thả tôm với mật độ 60 con/m2.

Chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đồng làm muối cho thu nhập thấp sang nuôi tôm thẻ chân trắng mang giá trị kinh tế tại huyện Hậu Lộc

“Sau hơn 5 năm nuôi tôm thẻ chân trắng, tôi nhận thấy việc mình áp dụng lý thuyết và kinh nghiệm học hỏi từ sự thành công của các hộ nuôi là điều đúng đắn, qua kiểm tra thấy tôm phát triển khá tốt, màu nước trong đầm vẫn có màu xanh thích hợp. Trọng lượng của tôm đạt khoảng 30 - 40 con/kg, tỷ lệ sống đạt hơn 70%, cho sản lượng trung bình hơn 10 tấn/ha. Với giá bán khoảng 150 đến 180 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về hơn 200 triệu đồng/vụ. Hiện tại tôm thẻ chân trắng lứa tiếp theo đang chuẩn bị cho thu hoạch và hứa hẹn sản lượng sẽ đạt kết quả như ý muốn”, anh Lương phấn khởi cho biết.

Riêng tại xã Hòa Lộc, tính đến tháng 4/2020, đã thực hiện chuyển đổi 41 ha sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, đồng làm muối cho thu nhập thấp sang nuôi tôm thẻ chân trắng và các đồng nuôi khác như tôm sú, cá mú... nâng tổng diện tích nuôi nước lợ toàn xã lên gần 80 ha. Trong đó, có 8,8 ha nuôi tôm công nghiệp áp dụng công nghệ cao. Toàn xã có 82 hộ với khoảng 200 lao động tham gia nuôi trồng thủy sản. Thu nhập bình quân của các chủ đồng đạt 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/ha/vụ.

Chú trọng bảo vệ môi trường

Những ngày này, về cánh đồng nuôi thủy sản ở xã ven biển Đa Lộc, không khí lao động, đào đắp, vệ sinh ao nuôi chuẩn bị thả tôm thẻ chân trắng giống cho vụ tiếp theo diễn ra nhộn nhịp, sôi nổi hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, các hộ đang cải tiến kỹ thuật nuôi bằng việc sử dụng chế phẩm sinh học trong toàn bộ quá trình nuôi tôm, từ giai đoạn cải tạo ao nuôi đến khi thu hoạch. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học là giải pháp giúp môi trường ao nuôi luôn ổn định, kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế sự ô nhiễm môi trường xung quanh.

Làm sạch môi trường tại ao, sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi tôm đang là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển

Theo một số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Đa Lộc cho biết: Nước sau khi lọc lắng sẽ được diệt khuẩn bằng clorin, sử dụng chế phẩm lên màu nước. Sử dụng chế phẩm sinh học đúng cách giúp phục hồi lượng vi sinh vật có lợi và tái tạo nguồn thức ăn tự nhiên. Đồng thời, giúp phân hủy tốt các chất hữu cơ, làm giảm lớp bùn nhớt ở ao nuôi, giảm mùi hôi của nước, khi đó, lượng nước trong ao được tích trữ lại, hạn chế việc xả thải ra ngoài môi trường.

Bà Nguyễn Thị Liên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hậu Lộc cho biết: Để bảo vệ môi trường, các hộ nuôi cần chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống kênh cấp và thoát nước, cơ sở hạ tầng đầu mối đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa Sở NN&PTNT (đơn vị tham mưu, chủ trì là Chi cục Thủy sản) với UBND huyện (đơn vị tham mưu là Phòng NN&PTNT) và UBND các xã ven biển trong công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thủy sản, môi trường.

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Hậu Lộc, toàn huyện có 70 ha nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức nuôi công nghiệp (có 6 ha nuôi công nghệ cao trong nhà bạt ở xã Hòa Lộc và Đa Lộc, 10 ha nuôi theo hình thưc Tổ hợp tác tại xã Đa Lộc); năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất hoang “hóa vàng” nhờ nuôi tôm sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO