Đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh: Cần xác định thực địa, hồ sơ địa chính để quản lý

Trường Giang| 27/04/2021 13:11

(TN&MT) - Bộ TN&MT đang triển khai thực hiện Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Đất khu vực này hiện do các Công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban Quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng.

Các nông, lâm trường quốc doanh là tổ chức kinh tế Nhà nước được hình thành và phát triển trên 60 năm, được Nhà nước giao đất để quản lý và sử dụng diện tích đất rừng khá lớn vào mục đích sản xuất nông, lâm nghiệp. Trải qua quá trình hoạt động, các nông, lâm trường quốc doanh này đã có nhiều đóng góp cho việc phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Các nông, lâm trường quốc doanh đã có nhiều đóng góp cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: MH

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc phát huy hiệu quả sử dụng đất đai, rừng và các nguồn lực sẵn có để làm tốt hơn vai trò đối với phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của các nông, lâm trường, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách và thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.

Nhờ đó, việc quản lý, sử dụng đất đai đã có những chuyển biến tích cực; nhiều nông, lâm trường đã bước đầu làm rõ hiện trạng quản lý, sử dụng đất đai; đã lập phương án quy hoạch sử dụng đất gắn với phương án sản xuất kinh doanh, quy hoạch 3 loại rừng và bàn giao một phần đất về cho địa phương giao cho các tổ chức, hộ gia đình - cá nhân sử dụng, góp phần giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân; một số ít công ty nông, lâm nghiệp, tổ chức khác thực hiện giao khoán đất có hiệu quả.

Bên cạnh đó, các nông, lâm trường đã thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại trên sổ sách và bản đồ, làm rõ thêm một bước về đất đai, tài sản trên đất; xác định được diện tích cần thiết giữ lại được giao đất, diện tích phải chuyển sang thuê, diện tích bàn giao về địa phương; tổ chức sử dụng đất có hiệu quả hơn, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động. Một số doanh nghiệp đã đổi mới cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp; tạo quyền chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc chuyển đổi ở nhiều doanh nghiệp thực chất mới thực hiện được việc đổi tên, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp; phần lớn đất đai và rừng chưa được rà soát, đo đạc trên thực địa, chưa lập bản đồ địa chính, diện tích đất được cấp Giấy chứng nhận chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản trong quản lý, sử dụng đất đai và rừng; hệ thống hồ sơ kỹ thuật và pháp lý sử dụng để quản lý đất còn thiếu chính xác, không phản ánh đúng thực tế, tạo kẽ hở cho việc vi phạm pháp luật và gây khó khăn, phức tạp cho việc quản lý đất đai.

 Đặc biệt, diện tích đất quản lý, sử dụng giữa thực tế và hồ sơ sổ sách còn sai khác lớn, có nhiều diện tích chưa quản lý được. Phần diện tích đất bàn giao cho địa phương phần nhiều chỉ thực hiện trên sổ sách, chưa xác định được trên thực địa, chưa có hồ sơ địa chính để quản lý, sử dụng..., thực tế còn nhiều diện tích không quản lý được do buông lỏng quản lý đất qua nhiều thời kỳ; phần diện tích đã giao khoán theo chính sách trước đây do không thiết lập hồ sơ hoặc có thiết lập hồ sơ nhưng không chặt chẽ nên việc truy nguồn gốc đất giữa giao khoán với cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, chồng lấn, tranh chấp… gặp rất nhiều khó khăn phức tạp.

Tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai còn phức tạp như: bị lấn chiếm; cho thuê, cho mượn trái phép, chuyển nhượng trái phép; giao khoán không đúng đối tượng; để hoang hóa…; còn xảy ra việc sử dụng đất đai lãng phí, kém hiệu quả, bị bỏ hoang; còn có biểu hiện vi phạm pháp luật đất đai với nhiều hình thức khác nhau chưa được xử lý dứt điểm.

Ngoài ra, còn hiện tượng lợi dụng kẽ hở do chưa có hoặc có nhưng chưa đầy đủ, chưa tin cậy, không chính xác hồ sơ kỹ thuật và pháp lý, kẽ hở do ranh giới nhiệm vụ quản lý, ranh giới loại rừng giữa rừng sản xuất với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không rõ ràng… để hợp thức hóa cho một số vi phạm đất đai trong quá trình rà soát sắp xếp... từ đó làm giảm hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, ngày 7/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban Quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương và các Bộ, ngành thực hiện.

Do đó, để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án ở Trung ương theo phân công của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng và Dự án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban Quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng (Phần nhiệm vụ do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện) làm cơ sở triển khai các nhiệm vụ được giao.

Được biết, hiện nay Tổng cục Quản lý đất đai đã giao các đơn vị trực thuộc khẩn trương lập nội dung và dự toán chi tiết hạng mục các công việc để sớm triển khai thực hiện Đề án trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh: Cần xác định thực địa, hồ sơ địa chính để quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO