Dập dịch tại TP.HCM: Một số giải pháp cấp bách trong “thời gian vàng”

Việt Hải| 02/06/2021 07:51

(TN&MT) - Trong 2 ngày 31/5 và 1/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu chế xuất - khu công nghiệp và chủ trì cuộc họp giao ban về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn TP.HCM, chỉ đạo triển khai ngay một số giải pháp cấp bách.

Từ 0h ngày 31-5, TP.HCM thực hiện giãn cách theo chỉ thị 15 của Thủ tướng, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) thực hiện chỉ thị 16.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC): Tính đến tối 1/6, tổng số ca nhiễm (từ 27/5) tại TP.HCM là 219, chưa kể một số trường hợp vừa được phát hiện trong cộng đồng đang chờ Bộ Y tế công bố. 20/22 quận, huyện của thành phố có ca bệnh.

TP.HCM đã huy động toàn ngành y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm triển khai tầm soát diện rộng, đạt công suất trung bình 100.000 người/ngày (20.000 mẫu gộp). Hiện thành phố đã ghi nhận các ca nhiễm là đồng nghiệp, tiếp xúc tại nơi làm việc. Dịch bệnh cũng xuất hiện tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, thời gian qua, TP.HCM đã có một số giải pháp quyết liệt và chính xác trong thực hiện cách ly và giãn cách xã hội. Theo Phó Thủ tướng, 2 tuần giãn cách là thời gian vàng cho TP.HCM giải quyết cơ bản các vấn đề lớn trong công tác phòng, chống dịch. Trong thời gian 2 tuần thực hiện giãn cách, TP.HCM cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính chiến lược trong phòng, chống dịch, chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất khi các ca nhiễm vượt con số 1.000; phải làm tốt công tác an dân, đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân; đặc biệt chú trọng các biện pháp phòng, chống ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông người.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp

Tập trung ngăn chặn, xử lý dứt điểm; chuẩn bị cho tình huống thứ 3

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị TP.HCM cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tập trung, chủ động để ngăn chặn và xử lý dứt điểm các ổ dịch lớn trên địa bàn trong thời gian 1-2 tuần tới; tiếp tục phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, nêu cao tinh thần đề cao cảnh giác với dịch bệnh trong mọi hoạt động.

Đối với các khu cách ly tập trung, TP cần tính toán để sớm có thể bảo đảm đủ năng lực cách ly cho 30.000 người; xây dựng và đảm bảo các tiêu chí an toàn trong các khu cách ly, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly. Ngoài ra, cần làm tốt công tác an ninh, trật tự; chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong công tác nhân sự không chỉ có bảo đảm đời sống mà còn cần bảo đảm cả về sức khỏe, tâm lý cho cán bộ, nhân viên làm việc tại khu cách ly. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần chuẩn bị cho phương án khi tình hình xảy ra nghiêm trọng, các ca bệnh tăng đột biến.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cùng đoàn lãnh đạo thăm, kiểm tra ký túc xá khu A Đại học Quốc gia TP.HCM  là nơi trưng dụng làm khu cách ly tập trung

Sở Y tế TP.HCM cho biết Sở đang phối hợp các cơ quan chuyên môn khảo sát, thiết kế bệnh viện dã chiến đặt trong Nhà thi đấu Phú Thọ (Quận 11). Việc xây dựng bệnh viện dã chiến này sẽ được khởi động ngay lập tức trong trường hợp TP.HCM ghi nhận vượt mức 1.000 ca bệnh COVID-19.

Trước đó, Sở Y tế ban hành kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh COVID-19 của khối điều trị. Cụ thể có 3 kịch bản được đưa ra, tương ứng với số lượng ca nhiễm ở mức dưới 100 ca, từ 100 - 1.000 ca và 1.000 - 5.000 ca.

Kịch bản xây dựng bệnh viện dã chiến trong Nhà thi đấu Phú Thọ nằm trong tình huống thứ 3, nghiêm trọng nhất, khi dịch bùng phát trong cộng đồng, số ca bệnh dao động từ 1.000 - 5.000 người.

Cùng với bệnh viện này, ngành y tế có có các kịch bản xây dựng bệnh viện dã chiến tại Nhà triển lãm Q.7 và các nhà văn hóa thể thao của các quận, huyện... với ước tính công suất lên đến 5.000 giường, trong đó có 1.000 giường hồi sức, 66 giường đặt trong buồng áp lực âm và 1.000 máy thở.

Nâng mức cảnh giác ở khu công nghiệp

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, TP.HCM cần rà soát, bổ sung các Bộ tiêu chí an toàn trên từng lĩnh vực để áp dụng vào thực tế. Các doanh nghiệp tuyệt đối không được lơ là, phải thường xuyên cập nhật, rà soát, bổ sung các hướng dẫn phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng; đánh giá được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tới từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất; chủ động các phương án chống dịch để không bị động. Cùng với đó, quan tâm chăm lo đời sống, điều kiện làm việc đảm bảo giãn cách, phun thuốc khử khuẩn… để người lao động yên tâm làm việc.

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình kiểm tra tại Công ty TNHH Mtex Việt Nam trong Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM sáng 31-5

"Nguy cơ xâm nhập nguồn bệnh trong khu công nghiệp là rất lớn. Một số ca bệnh đã xuất hiện trong khu công nghiệp, các văn phòng, cao ốc (môi trường phòng kín điều hòa nguy cơ lây bệnh cao hơn)… Vì vậy, TP.HCM cần xác định đây là thời điểm phải can thiệp mạnh, quyết liệt hơn, thực hiện giãn cách xã hội nghiêm hơn ở một số địa bàn, đảm bảo việc sản xuất nhưng tăng tốc về năng lực y tế mới có thể dập dịch triệt để; thực hiện truy vết nhanh và triệt để, càng sớm càng hạn chế được hậu quả" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Chủ động cung ứng vắc xin cho người dân

Riêng đối với tiêm vắc xin ngừa Covid-19, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Y tế cùng với địa phương khẩn trương chuẩn bị các kịch bản ứng phó với tình huống số ca nhiễm tăng cao. Đồng thời, cần sớm có văn bản pháp lý để hướng dẫn cho các địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc tìm nguồn vắc xin. TPHCM phải là địa phương đi đầu trong chủ động tìm nguồn và đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho người dân.

Bên cạnh các đối tượng ưu tiên, cần chủ động tiêm vắc xin cho công nhân, đội ngũ người lao động trong các khu công nghiệp, nhân sự làm việc trực tiếp trong những khu cách ly tập trung thông qua vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa để mua vắc xin. Chú ý tiếp tục bảo vệ khu vực tuyến đầu, bảo vệ tối đa cho lực lượng ở tuyến đầu bằng vắc xin.

*Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Về vắc xin, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào tìm kiếm, nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 để có nguồn vắc xin sử dụng cho người dân nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất. Bộ Y tế cam kết tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin; đồng thời, Bộ sẽ cắt gỉảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vắc xin, đảm bảo an toàn vắc xin và chống việc giả mạo vắc xin

*Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TP.HCM đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm mở rộng toàn TP; trước mắt là tất cả các đơn vị bầu cử có hội viên Điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng cư ngụ; tất cả công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Thành lập các Tổ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên cơ sở huy động sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y TP và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

UBND TP giao Chủ tịch UBND quận - huyện, TP Thủ Đức cùng với Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao ký cam kết với các chủ cơ sở sản xuất về tuân thủ quy định phòng, chống dịch theo Bộ tiêu chí an toàn trên từng lĩnh vực. Với doanh nghiệp ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, Chủ tịch UBND quận - huyện phải ký bản cam kết với công đoàn nơi đó cùng chủ doanh nghiệp. 

Chủ tịch UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ sớm có cơ chế giao Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vắc xin, kiểm định và quyết định loại vắc xin được phép tiêm cho người dân, còn kinh phí và nguồn thanh toán giao cho thành phố để có thể chủ động cung ứng vắc xin cho người dân TP.HCM.

Đảm bảo đủ hàng hoá trong trong thời gian giãn cách

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà trực tiếp là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị, thời gian qua, Bộ Công thương đã chỉ đạo Sở Công thương TP.HCM xây dựng “Kế hoạch bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp với dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, các mặt hàng áp dụng giảm giá

Theo báo cáo của Sở Công thương TPHCM, đến thời điểm hiện nay, tình hình thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn vẫn tương đối tốt, giá cả hàng hóa không có biến động lớn. Trong “Kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2021”, Sở Công thương TP.HCM đã tham mưu cho UBND TP.HCM xây dựng phương án bình ổn thị trường kết hợp với thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp dịch Covid-19 nhằm chủ động bình ổn thị trường kể cả khi dịch Covid-19 lan rộng trên cả nước và trên địa bàn TPHCM.

"Sở đã có kế hoạch đảm bảo cân đối cung – cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn" - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương.

Hiện Vụ Thị trường trong nước và Bộ Công thương vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TPHCM để bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng hàng hóa các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân trên địa bàn Thành phố trong thời gian giãn cách.

Các doanh nghiệp bình ổn thị trường (chiếm 30% - 40% thị phần) và các doanh nghiệp khác (10% - 20% thị phần) cung ứng mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường tạo nguồn nguyên liệu, chủ động đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất từ 50% - 100% sản lượng.

Các hệ thống phân phối trên địa bàn có kế hoạch, phương án tăng cường dự trữ hàng hóa tăng từ 2 - 3 lần, góp phần đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân trên địa bàn Thành phố.

Các siêu thị đều đẩy mạnh bán hàng online để đảm bảo công tác phòng chống dịch

Các chợ đầu mối xây dựng kế hoạch, phương án tăng cường nhập hàng, bình quân lượng hàng nhập đạt 7.000 tấn/đêm, cao điểm có thể tăng khoảng 50% - 80% so với ngày thường, đạt từ 13.000 - 17.000 tấn/đêm.

Giám đốc vận hành VinMart miền Nam và đại diện Saigon Co.op cam kết siêu thị sẽ tăng cường thêm hàng hoá từ các nguồn cung và trung tâm phân phối, tăng thêm giờ phục vụ khách hàng. Các siêu thị sẽ tiếp tục đầy hàng hóa phục vụ người dân.

Các Co.op sẽ chủ động liên lạc với các chốt, các điểm cách ly để phục vụ tại chỗ trong suốt thời gian cách ly. Bên cạnh đó, các kênh bán hàng sẽ được mở tối đa phục vụ bà con, thông tin trên các phương tiện đại chúng và trang thông tin chính thức của Co.op.

Đối với một số điểm bán của Co.op nghi ngờ có F0, F1 mua sắm (không tránh khỏi) được thực hiện rà soát cặn kẽ, tiến hành các bước triển khai theo đúng quy trình, thông tin minh bạch với quý khách hàng để cùng phòng chống lây lan dịch.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dập dịch tại TP.HCM: Một số giải pháp cấp bách trong “thời gian vàng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO