Đào tạo Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững bậc tiến sĩ: Tiền đề phát triển đội ngũ nhà khoa học chất lượng cao

PV| 17/07/2020 19:14

(TN&MT) - Chương trình đào tạo Tiến sĩ về Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đã ra đời với mong muốn đưa ra giải pháp cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững chất lượng cao. PV đã có buổi trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành (ĐH Quốc gia Hà Nội) để hiểu rõ hơn về chương trình đào tạo này.

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học liên ngành 

Pv: Ông vui lòng cho biết những lí do khiến Khoa lựa chọn đào tạo về Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở bậc Tiến sĩ?

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững (PTBV) là những vấn đề toàn cầu, nguyên nhân, diễn biến và hệ lụy của nó liên quan đến rất nhiều lĩnh vực đời sống, do đó, nó cần được phân tích từ cách tiếp cận liên ngành. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của BĐKH, chúng ta chưa có sự chuẩn bị kịp thời về cả nhận thức và nhân lực.

Trên cơ sở nhận diện nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao về BĐKH và PTBV của quốc gia, cùng với bề dày về kinh nghiệm, Chương trình đào tạo Tiến sĩ về Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đã ra đời. Đây là chương trình liên ngành của ĐHQGHN, do Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN làm đầu mối xây dựng và triển khai tổ chức đào tạo.

Trong suốt 10 năm tổ chức các chương trình liên ngành, Khoa không ngừng tìm hiểu nhu cầu của xã hội thông qua lấy ý kiến phản hồi về chương trình đào tạo của các bên liên quan, trong đó có các cơ quan, ban ngành liên quan về nhu cầu nguồn nhân lực. Mặc dù các chương trình đào tạo thạc sĩ tại Khoa đã góp phần lớn trong việc cung cấp đội ngũ các nhà quản lý, chuyên viên làm việc về biến đổi khí hậu và phát triển tại khắp các tỉnh thành và cơ quan trọng yếu như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học-Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn,… nhưng nhu cầu về đội ngũ nhân lực làm khoa học có trình độ cao, chất lượng cao cho nghiên cứu và phát triển vẫn còn nhiều khoảng trống.

Được bắt đầu xây dựng từ tháng 11/2018, nhóm công tác các nhà khoa học đến từ nhiều chuyên môn khác nhau (khoa học trái đất, khoa học kinh tế, khoa học xã hội…) trong và ngoài ĐHQGHN đã xây dựng và chuẩn bị các điều kiện tổ chức đào tạo cho công tác đào tạo Tiến sĩ Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chương trình đồng thời có sự tham khảo về mặt chuyên môn của một số trường đại học hàng đầu thế giới như Đại học Lisbon (Bồ Đào Nha), Đại học Ca’ Foscari (Italia). Sau nhiều vòng thẩm định các cấp, năm 2020 Khoa chính thức tuyển sinh đào tạo Tiến sĩ.

Pv: Theo ông, chương trình đào tạo này có vai trò quan trọng như thế nào đối với xã hội?

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Là những thách thức toàn cầu nhưng đòi hỏi hành động địa phương, việc ứng phó với BĐKH của Việt Nam cần được đặt trong bối cảnh của khu vực và quốc tế, và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Hiện nay, số lượng các công bố quốc tế về những đặc trưng của BĐKH ở Việt Nam vẫn còn tương đối hạn chế, tập trung ở một vài nhóm nghiên cứu chuyên sâu về khí tượng, khí hậu học. Trong khi đó, nghiên cứu về BĐKH và PTBV đòi hỏi người làm khoa học có khả năng vận dụng kiến thức và công cụ của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Các nghiên cứu liên ngành về BĐKH và PTBV không chỉ làm tăng thêm số lượng các công trình khoa học mà còn tạo ra sự thay đổi về chất của nghiên cứu, bởi lẽ khi vận dụng tiếp cận liên ngành, các kết quả nghiên cứu sẽ tác động đến thực tiễn cuộc sống một cách đa chiều mà một nghiên cứu chuyên ngành sẽ không thể giải quyết thấu đáo.

Để có được các công trình khoa học như vậy, cần có đội ngũ nhà khoa học được trang bị tư duy và cách tiếp cận liên ngành, tư duy phân tích, phản biện, có khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề, cũng như khả năng sử dụng các công cụ nghiên cứu liên ngành và chuyên sâu. Đào tạo về BĐKH và PTBV ở bậc tiến sĩ còn là tiền đề quan trọng để phát triển đội ngũ nhà khoa học kế cận cho quốc gia.

Bên cạnh đó, ngày nay nguồn nhân lực có trình độ tiến sĩ không chỉ tham gia vào công việc nghiên cứu và công bố khoa học mà họ còn tham gia vào các vị trí quản lý, các dự án phát triển và hoạt động kinh doanh, khởi nghiệp. Do vậy, để các chương trình đào tạo ở bậc tiến sĩ đáp ứng được nhu cầu xã hội, việc trang bị năng lực thiết kế nghiên cứu, thiết kế dự án và điều phối trong tổ chức thực hiện là vô cùng cần thiết, tiền đề để đáp ứng nhu cầu nhân lực có kiến thức chuyên môn vững chắc và khả năng điều phối, triển khai tốt trong các ngành, lĩnh vực có liên quan.

Đại diện giảng viên, nhà khoa học của Khoa các khoa học liên ngành

Pv: Trong chương trình đào tạo Tiến sĩ sắp tới, khoa đã chuẩn bị những gì để có thể thu hút học viên?

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Ngay từ khi xây dựng chương trình đào tạo, chúng tôi đã ý thức được việc xây dựng một mạng lưới các nhà khoa học cộng tác không chỉ trong hoạt động đào tạo mà còn còn trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Kế thừa nguồn lực của các chương trình đào tạo ở bậc Thạc sĩ, Khoa đã tập hợp được đội ngũ với hơn 400 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về các liên ngành nói trên. Đồng thời, với vai trò là một đơn vị đầu mối trong tổ chức đào tạo các chương trình liên ngành của ĐHQGHN, Khoa có một cơ chế linh hoạt trong việc tập hợp và huy động đội ngũ hơn 2000 nhà khoa học chất lượng cao trong toàn ĐHQGHN. Đây là một lợi thế mà không phải cơ sở đào tạo tiến sĩ nào cũng có được.

Cùng với việc xây dựng lực lượng cộng tác viên, Khoa cũng hình thành một hệ thống điều hành chương trình một cách linh hoạt, tinh gọn và trực tiếp, thông qua Ban điều hành chương trình đào tạo. Với sự tham gia của các nhà khoa học, quản lí có kinh nghiệm, có nhiều nghiên cứu và công bố trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Ban điều hành chương trình đóng vai trò tham mưu, tư vấn cho Ban Chủ nhiệm Khoa và chịu trách nhiệm chính về chuyên môn của chương trình; phòng Đào tạo và công tác sinh viên quản lí chung.

Trung tâm Khoa học công nghệ và Hỗ trợ đào tạo đóng vai trò tạo môi trường sinh hoạt khoa học cho nghiên cứu sinh và giảng viên, thông qua các nhóm nghiên cứu và các seminar/hội thảo khoa học định kỳ. Việc hình thành các nhóm nghiên cứu cũng là một điểm mà Khoa sẽ sớm đưa vào hoạt động, giúp nghiên cứu sinh một đội ngũ nhà khoa học chất lượng để đạt được những kết quả khoa học tốt. Ngoài ra, khi tham gia vào các chương trình tiến sĩ tại Khoa, các nghiên cứu sinh có cơ hội được tiếp cận và sử dụng cơ sở vật chất hiện đại của nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm mà Khoa đang hợp tác.

Bên cạnh các hỗ trợ về mặt chuyên môn và hành chính, Khoa cũng nỗ lực tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các đơn vị nghiên cứu và đào tạo trong và ngoài nước để tìm kiếm các đề tài, dự án, tạo cơ hội cho nghiên cứu sinh tham gia, từ đó nâng cao chất lượng nghiên cứu, gắn các nghiên cứu với thực tiễn công việc và đảm bảo tài chính của mỗi cá nhân. Việc gắn mỗi nghiên cứu sinh với một đề tài, dự án ngay từ đầu cũng là xu hướng hiện đại mà các trường đại học đang áp dụng. Hiện chúng tôi đang tạo lập các mối hợp tác với một số tổ chức nghiên cứu của Pháp, Ireland, Mỹ để nghiên cứu sinh sớm tiếp cận với các nghiên cứu lớn, hướng tới các xuất bản quốc tế có chất lượng, cùng các cơ hội thực hành, thực tế và trao đổi ở nước ngoài.

Pv: Cùng với sự chuẩn bị chu đáo về phía Khoa, theo ông điều gì sẽ làm nên thành công của chương trình đào tạo này?

GS.TS Nguyễn Văn Hiệu: Cùng với sự chuẩn bị về cơ sở vật chất và về đội ngũ cán bộ, cộng tác viên của Khoa, tôi cho rằng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong hợp tác nghiên cứu và sự tham gia chủ động của mỗi nghiên cứu sinh trong mọi hoạt động của Khoa góp phần quan trọng không nhỏ cho thành công của chương trình.

Về cơ bản, bên cạnh việc học tập và nghiên cứu, mỗi nghiên cứu sinh phải tham gia các hoạt động khoa học tại Khoa, bao gồm tổ chức các seminar, hội thảo chuyên đề, trợ giảng cho các học phần thích hợp, tham gia các hoạt động thực địa, thực tế… Đây là những hoạt động giúp gắn bó nghiên cứu sinh với Khoa. Việc nghiên cứu sinh có cơ hội tiếp xúc với các học viên của Khoa sẽ giúp cả hai bên nâng cao chất lượng và kinh nghiệm trong nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu.

Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh được khuyến khích tìm kiếm và đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học, các đề án, dự án mà mình đang tham gia hoặc mong muốn tham gia, để Khoa hỗ trợ và đồng hành. Việc hình thành và tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, một mặt nâng cao chất lượng của các kết quả nghiên cứu, mặt khác đảm bảo tài chính cho nghiên cứu sinh trong suốt quá trình làm nghiên cứu sinh tại Khoa.

Pv: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững bậc tiến sĩ: Tiền đề phát triển đội ngũ nhà khoa học chất lượng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO