Đảo chiều hoàn lưu – một công trình xanh thân thiện với môi trường

Đặng Thanh Bình| 11/07/2020 20:51

(TN&MT) - Nếu từng ghé thăm TP Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), hẳn mọi người sẽ ấn tượng với công trình đảo chiều hoàn lưu nằm ở bờ trái Sông Cái Phan Rang, thuộc địa phận phường Tấn Tài.

Dù đã gần 30 năm tuổi, nhưng đến nay, đây vẫn là một trong những công trình hữu hiệu chống sạt lở bờ sông, giúp TP thích ứng bối cảnh thiên tai lũ lụt ngày một cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh công trình đảo chiều hoàn lưu bên bờ trái sông Cái Phan Rang

Trong bối cảnh đầu năm 1993, nhiều trận lũ lớn, lũ đặc biệt lớn xảy ra liên tiếp đã làm bờ trái sông Cái Phan Rang ngày một bị sạt lở nghiêm trọng hơn, khiến chân đê có nguy cơ vỡ, uy hiếp tính mạng và tài sản của cộng cộng dân cư thị xã Phan Rang thời bấy giờ. Địa phương khi đó lại chưa có kinh phí để đầu tư cho việc kè lại.

Được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, cơ quan chủ đầu tư - Sở Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, đơn vị tư vấn - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam và PGS Lê Ngọc Bích, công trình đảo chiều hoàn lưu - nghiên cứu ứng dụng của GS Lương Phương Hậu ra đời.

GS Hậu cho biết, mục tiêu căn bản của công trình là làm đảo ngược các quá trình tự nhiên, tức là đẩy dòng chảy mặt ra xa, không cho nó xô trực tiếp vào bờ lở, đồng thời, kéo được bùn cát đáy quay về bồi tụ lại cho bờ lở.

GS Lương Phương Hậu kể lại, dự án đề xuất xây dựng 5 công trình H1, H2, H3, H4 và H5, nhưng tỉnh Ninh Thuận đồng ý cho thử nghiệm trước 2 công trình là H2 và H3. Hai công trình H2 và H3 được khởi công ngày 4/8/1993. Thế rồi, chỉ một mùa lũ sau đó, hiệu quả công trình đã phát huy rõ rệt.

Sau 3 năm, khối bồi lắng gần bờ lở sau công trình ngày càng được mở rộng, kéo dài, bồi cao thêm như có phép màu, cây cỏ mọc lên xanh um, che lấp cả công trình. Đến cuối năm 1996, hai công trình H4 và H5 tiếp tục được xây dựng ở hạ lưu và phát huy tác dụng nhanh chóng, bảo vệ an toàn cho tuyến đê.

Đến năm 2008, một đoàn khoa học Nhật Bản do GS.TS Hosoda dẫn đầu đã đi thăm hiện trường công trình tại Phan Rang, GS Hosoda đã kinh ngạc về tác dụng của loại công trình này và nhiệt tình phối hợp nghiên cứu cơ sở khoa học cho công trình này.

 Năm 2009, Bộ NN&PTNT giao cho Trường Đại học Thủy lợi tiếp tục thực hiện Dự án công trình chỉnh trị sông Quảng Huế (Quảng Nam). Với vai trò cố vấn khoa học, GS.TS Lương Phương Hậu đã cùng với các cộng sự thuộc Trường Đại học Xây dựng quyết định sử dụng “công trình đảo chiều hoàn lưu” để ổn định đoạn sông này và trực tiếp thực hiện các bản vẽ thiết kế.

Vào năm 2010, công trình kết cấu đảo chiều hoàn lưu dùng trong công trình chống sạt lở bảo vệ bờ sông theo thiết kế của GS.TS. Lương Phương Hậu đã được Bộ Khoa học Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế.

Đến nay, đứng trên đường đê có thể thấy, dọc bờ trái Sông Cái Phan Rang là một vùng đất trù phú, nhiều cây cổ thụ mọc lên, trở thành những vườn cây lâu năm của bà con.

Theo ông Đinh Xuân Quyền, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, sau gần 30 năm ra đời, kết cấu đảo chiều hoàn lưu của GS Hậu với thiết kế đơn giản, chi phí tiết kiệm, hiệu quả, nhanh chóng và ổn định đã trở thành một trong những ứng dụng hữu hiệu để chống sạt lở bờ sông. Một công trình xanh thân thiện với môi trường, thích ứng bối cảnh thiên tai lũ lụt ngày một cực đoan do tác động của biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảo chiều hoàn lưu – một công trình xanh thân thiện với môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO