Đánh thức tiềm năng “Hạ Long trên cao nguyên”

Phạm Hoài| 04/08/2022 17:06

(TN&MT) - Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng được ví như “Vịnh Hạ Long trên cao nguyên”. Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã và đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch để thu hút đầu tư, hướng đến phát triển du lịch sinh thái mang tính bền vững.

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Tà Đùng là dãy núi cao nhất của tỉnh Đắk Nông, là điểm giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Tà Đùng là thượng nguồn của hệ thống sông Đồng Nai với nhiều dự án thủy điện đang hoạt động. Tà Đùng còn có thảm thực vật khổng lồ, độ che phủ đạt 85% diện tích lõi của VQG Tà Đùng, bao gồm: rừng nguyên sinh 48%, rừng thứ sinh 36%. So với mức độ che phủ của rừng Việt Nam (33,6%) và rừng nguyên sinh cả nước (10%), khu vực này có độ che phủ cao, đa dạng về hệ sinh thái và sinh cảnh thích hợp cho nơi cư trú, sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật.

89-1-.jpg

Hồ Tà Đùng - một điểm đến hết sức ấn tượng tại Vườn Quốc gia Tà Đùng.

Vườn Quốc gia Tà Đùng có tổng diện tích tự nhiên gần 21.000ha và vùng đệm gần 25.000ha, nằm trên địa bàn 7 xã giáp ranh thuộc 2 tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Điểm đặc biệt là VQG Tà Đùng nằm trong Công viên địa chất Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020. Điểm nhấn của VQG là hồ Tà Đùng cách TP. Gia Nghĩa khoảng 45km.

Theo kết quả điều tra của Trung tâm Đa dạng Sinh học và Phát triển - Viện Sinh học Nhiệt đới năm 2011 và Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam năm 2012 đã xác định được 1.406 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 760 chi và 192 họ thuộc 6 nhánh thảm thực vật khác nhau ở VQG Tà Đùng. Thực vật hạt kín là phổ biến nhất 1.251 loài. Về động vật, có 574 loài động vật thuộc 38 bộ và 124 họ, trong đó có 37 trong số 88 loài thú quý hiếm cần được bảo vệ, chiếm gần một nửa số thú ở Tà Đùng.

Ngoài ra, VQG Tà Đùng còn nằm giữa vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa với những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Tây Nguyên. Nếu những ngọn núi lửa hùng vĩ và những hồ nước tuyệt đẹp làm nên tuyến du lịch hấp dẫn ở đây thì những giá trị văn hóa bản địa cũng khiến cho VQG Tà Đùng là điểm đến đáng khám phá.

Cần nhà đầu tư “có tâm, có tầm”

Theo ông Khương Thanh Long - Giám đốc Ban Quản lý VQG Tà Đùng, việc phát triển du lịch ở Tà Đùng luôn được lãnh đạo tỉnh Đắk Nông quan tâm và chú trọng để triển khai cũng như tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Hiện tại, có một số nhà đầu tư lớn đã vào khảo sát và tìm hiểu nhằm đầu tư phát triển. Tuy nhiên, để vừa phát triển du lịch mang lại kinh tế mà vẫn giữ được sự hoang sơ của cảnh quan thì rất cần những nhà đầu “tư có tâm, có tầm”. “Nếu đi đúng và phát triển theo hướng thuận thiên thì trong tương lại gần Tà Đùng là điểm đến hết sức lý tưởng của tỉnh Đắk Nông nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung” - ông Long chia sẻ thêm.

89-2-.jpg

Cũng theo ông Long, trong 3 năm gần đây, Đắk Nông chú trọng đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư phát triển Tà Đùng. Song, thay vì kêu gọi đầu tư vào các cụm, điểm đơn lẻ như trước đây, tỉnh đang chú trọng kêu gọi các công ty lữ hành, doanh nghiệp có kinh nghiệm, uy tín đầu tư vào chuỗi các sản phẩm du lịch, trong đó ưu tiên vào hoạt động du lịch sinh thái, lưu trú để tăng tính hấp dẫn sản phẩm du lịch đặc trưng.

Để phát triển Tà Đùng lên tầm cao mới, gần đây Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành các chính sách, đề án, kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, như: Quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông; Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng; Đề án Phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn liền Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức tiềm năng “Hạ Long trên cao nguyên”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO