Đánh thức tiềm năng cát biển

Minh Tuấn| 04/08/2022 08:24

(TN&MT) - Trong bối cảnh nhu cầu về vật liệu xây dựng (VLXD) tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cao trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng sắp tới, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT thực hiện Dự án Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL và Bộ trưởng Bộ TN&MT vừa ra Quyết định phê duyệt bổ sung Dự án này vào Danh mục nhiệm vụ chuyên môn mở mới (năm 2022).

Bộ TN&MT giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là đơn vị chủ trì Dự án và Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển và các đơn vị thuộc Tổng cục là đơn vị thực hiện.

Hiện nay, tại ĐBSCL, ngoài việc phục vụ xây dựng hạ tầng, còn cần số lượng lớn vật liệu để xây dựng các công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, san lấp lấn biển, nuôi bờ bãi ven biển.

Nhằm mục đích tìm ra giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL, tránh nguy cơ xói lở, sụt lún, xâm nhập mặn, ngày 26 - 27/9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH tại Cần Thơ. Hội nghị đã chỉ ra nguy cơ mỗi năm biển lấn vào Cà Mau từ 15 - 50m, nguy cơ đến năm 2030 diện tích ngập mặn cục bộ lên đến 45% và đến năm 2100, ĐBSCL sẽ bị mất 40% diện tích. Các nhà khoa học đã đề ra nhiều giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL, trong đó có nhóm giải pháp công trình nhằm giữ đất, giữ bờ biển, chống xâm nhập mặn.

thumbnail_anh-bai-du-an-vat-lieu-san-lap.jpg

Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển là đơn vị thực hiện Dự án Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH vào ngày 18/6/2019, bên cạnh đánh giá các kết quả tích cực đã đạt được, Hội nghị cũng chỉ ra BĐKH ngày càng cực đoan, khó lường, tác động nhanh, mạnh hơn so với các dự báo trước đây. Theo kịch bản BĐKH, mực nước biển dâng của Bộ TN&MT cập nhật năm 2020, nếu mực nước biển dâng 50cm, ĐBSCL có nguy cơ ngập đến gần 15% diện tích, tăng hơn 3 lần so với dự báo năm 2016.

Tháng 8/2020, Hội nghị về Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL đã tiếp tục xác định đây là vùng cần đặc biệt ưu tiên đầu tư các công trình giao thông, cảng biển, sân bay, đường kết nối cảng, tập trung phát triển hành lang giao thông thành các hành lang kinh tế, giải quyết các điểm nghẽn giao thông, xây dựng các hồ chứa nước, trữ nước, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển.

Trong bối cảnh tiềm năng cát sỏi xây dựng trên đất liền không lớn và hoạt động khai thác gây nhiều ảnh hưởng xấu đến môi trường, việc thực hiện Dự án nhằm nghiên cứu, khai thác sử dụng nguồn cát sạn đáy biển to lớn thay thế dần cát xây dựng trên đất liền là giải pháp khả thi nhất, là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng, trực tiếp phục vụ các dự án đường cao tốc, xây dựng kết cấu hạ tầng, có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Dự án ngoài việc đáp ứng kịp thời nguồn VLXD, san lấp phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL và phụ cận, còn là cơ sở thực tiễn đẩy mạnh hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng cát biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển; góp phần hoàn thiện hệ thống quy định kỹ thuật về điều tra, đánh giá, thăm dò, khai thác sử dụng khoáng sản biển, phục vụ và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về khoáng sản; đồng thời góp phần nâng cao năng lực đội ngũ kỹ thuật điều tra tài nguyên môi trường biển. Ngoài ra, hoạt động khai thác cát biển ở vùng biển Sóc Trăng còn có ý nghĩa cho việc nạo vét tuyến luồng Định An, Trần Đề, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng cảng biển Trần Đề sớm trở thành cảng biển hạng đặc biệt, có vai trò là cửa ngõ giao thương ra Biển Đông của vùng ĐBSCL.

Dự án là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển, Dự án sẽ đánh giá, khoanh định được các khu vực có cát biển làm VLXD, san lấp với tài nguyên đủ mức và có tính khả thi khai thác, đáp ứng nhu cầu cấp thiết trước mắt là đảm bảo cung cấp kịp thời nguồn vật liệu san lấp phục vụ xây dựng các tuyến cao tốc phía Đông vùng ĐBSCL, cũng như đáp ứng nhu cầu VLXD, vật liệu san lấp nền móng các công trình cơ sở hạ tầng, công trình lấn biển… trong vùng.

Ông Nguyễn Tiến Thành kỳ vọng kết quả thực hiện Dự án sẽ góp phần quan trọng để các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm hoàn thành đúng tiến độ, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thức tiềm năng cát biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO