Dành những gì tốt nhất cho tê tê

Hoàng Ngân (Thực hiện)| 15/07/2021 14:44

(TN&MT) - Vừa qua, ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam đã trở thành nhà bảo tồn đầu tiên vinh dự nhận giải thưởng quốc tế về Môi trường Goldman 2021. Nhân dịp này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện để tìm hiểu thêm những nỗ lực và cố gắng của ông trong công tác bảo tồn động vật hoang dã.

Ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam

PV: Trong những năm qua, ông và cộng sự đã có nhiều hoạt động góp phần bảo tồn động vật hoang dã. Ông có thể chia sẻ về công việc ý nghĩa này?

Ông Nguyễn Văn Thái:

Năm 2014, tôi thành lập Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) với mục tiêu ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam. Những năm qua, tôi cùng các đồng nghiệp đã trực tiếp phối hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương và Pù Mát để xây dựng và vận hành 2 trung tâm cứu hộ, tập trung vào thú ăn thịt và tê tê. Với 2 Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã, nhóm đã trực tiếp cứu hộ hơn 2.000 cá thể động vật hoang dã thuộc 40 loài khác nhau, với 60% cá thể được tái thả thành công. Nhóm đã khảo sát thực nghiệm 179.660 km đường cứu hộ và đường rừng tái thả động vật. Từ đó, xây dựng mới 74 chuồng động vật mới, 2 bệnh viện thú y và 1 khu bán hoang dã chăm sóc động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan chức năng để thành lập nhóm Chuyên trách Bảo vệ rừng, tập trung vào Vườn Quốc gia Pù Mát. Từ tháng 6/2018 - 12/2020, kết hợp với Kiểm lâm, nhóm Chuyên trách Bảo vệ rừng đã tịch thu và gỡ bỏ gần 10.000 bẫy thú, 775 lán trại đóng bất hợp pháp, thu được gần 80 khẩu súng và bắt giữ hơn 558 kẻ săn trộm. Điều này đã trực tiếp làm giảm hơn 80% hoạt động săn bắt động vật hoang dã trong Vườn Quốc gia Pù Mát. Từ thành công của mô hình này, nhóm đã ký kết thỏa thuận hợp tác để phát triển và nhân rộng mô hình nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng ra các Vườn quốc gia: Cúc Phương, Cát Tiên, U Minh Thượng và U Minh Hạ.

Song song cứu hộ, bảo vệ rừng, chúng tôi xây dựng các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức cho trẻ em và cộng đồng địa phương. Chúng tôi hy vọng người dân yêu thiên nhiên, quý trọng động vật hoang dã và sau này không cần phải đi vào rừng để kiếm kế mưu sinh.

Ngoài ra, SVW cũng có những chương trình dài hạn để bảo tồn bền vững như: nghiên cứu xã hội, nghiên cứu động vật tái thả, nghiên cứu quần thể tự nhiên để đưa ra khuyến nghị chính sách phù hợp; định hướng, xây dựng chiến lược về bảo tồn loài; thay đổi việc thực thi pháp luật.

Một chuyến đi tái thả tê tê về môi trường tự nhiên.

PV: Lý do nào khiến ông quyết định chọn tê tê là loài cần ưu tiên bảo tồn?

Ông Nguyễn Văn Thái:

Tôi lớn lên gần Vườn Quốc gia Cúc Phương và khi còn nhỏ đã chứng kiến cảnh động vật hoang dã bị săn bắt cực kỳ nhiều, đâu đâu cũng nhìn thấy bẫy. Tôi cũng đã nhìn thấy cảnh những người hàng xóm sống cùng làng săn bắt và giết hại một cặp mẹ con tê tê. Lúc đó, con mẹ cố cuộn tròn lại để bảo vệ con con nhưng cũng không thể bảo vệ cả tê tê con lẫn bản thân nó trước những thợ săn vô cảm. Chính ký ức tuổi thơ đó đã hình thành cho tôi mong muốn trở thành cán bộ Kiểm lâm để có thể bảo vệ tê tê.

Khi ra trường, tôi được Vườn Quốc gia Cúc Phương tuyển dụng vào làm điều phối Chương trình bảo tồn tê tê châu Á -chương trình bảo tồn tê tê đầu tiên ở Việt Nam. Trong quá trình làm việc, tôi phát hiện có rất ít thông tin về tê tê. Nó là loài động vật hoạt động về ban đêm, thường sống trong các hang hốc, gốc cây, người ta rất hiếm gặp. Vì thế, thông tin, dữ liệu về tập quán, tập tính, nguồn thức ăn, phạm vi, môi trường sinh sống của tê tê cực kỳ ít.

Càng tìm hiểu, tôi lại thấy loài vật này rất đặc biệt, giống như khủng long thời tiền sử, là con thú duy nhất được bao phủ bởi lớp vảy cứng nhưng lại rất hiền lành, nhút nhát và thực sự vô hại. Tê tê không có răng, không làm hại con người bao giờ. Tê tê có tác dụng rất lớn trong việc kiểm soát mối, kiến, côn trùng. Tuy nhiên, chúng đang bị săn bắt và buôn bán trái phép nhiều nhất trên thế giới, bất chấp lệnh cấm buôn bán quốc tế. Nhu cầu cao về sử dụng tê tê làm thực phẩm, làm thuốc khiến tê tê có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Do vậy, càng tìm hiểu, tôi càng yêu nó hơn và muốn bảo vệ giống loài này.

PV: Được biết, SVW là tổ chức đầu tiên trên thế giới triển khai giám sát số lượng tê tê được tái thả bằng công nghệ máy bay không người lái của Úc. Ông có thể chia sẻ về công nghệ này và việc tái thả góp phần quan trọng như thế nào vào việc phục hồi nhóm loài này?

Ông Nguyễn Văn Thái:

Máy bay không người lái của Úc hoạt động như flycam nhưng lớn và hiện đại hơn nhiều. Chúng tôi gắn cục thu sóng lên máy và gắn thiết bị phát sóng vào con tê tê từ khi thả. Khi thiết bị hoạt động trên trời, nó sẽ thu sóng lại để xác định địa điểm tê tê đang di chuyển. Nhờ gắn thiết bị nên chúng tôi đã theo dõi được rất nhiều cá thể tê tê sau tái thả, trong khoảng hơn một năm qua.

Việc nghiên cứu về tê tê sau tái thả có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác bảo tồn tê tê ở Việt Nam. Thứ nhất, do nhiều cá thể tê tê bị bắt giữ ở Việt Nam có nguồn gốc từ các nước khác được buôn bán và vận chuyển trái phép về Việt Nam. Dù chúng cùng loài, nhưng do phân bố ở những vùng có địa lý và khí hậu khác nhau nên khi thả về rừng ở Việt Nam cần phải đánh giá xem chúng tồn tại và phát triển thế nào.

Rất may các cá thể này đều hòa nhập tốt với môi trường sinh thái tự nhiên ở Việt Nam. Nghiên cứu sau tái thả giúp chúng ta có thêm hiểu biết về khu vực hoạt động, phân bố, sinh thái và tập tính của tê tê, từ đó giúp chúng ta đưa ra các quyết định bảo tồn một cách hiệu quả.

 

PV: Ngoài bảo tồn tê tê, SVW có dự án bảo vệ những loài động vật hoang dã khác không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thái:

Tê tê là một trong những loài chúng tôi ưu tiên ban đầu để bảo tồn nhưng SVW chưa bao giờ chỉ làm với mỗi tê tê. Trong công tác cứu hộ, tổ chức SVW đã cứu hộ hơn 40 loài khác nhau. Ban đầu là tê tê, sau đó mở rộng ra với các loài thú ăn thịt, linh trưởng và rùa rồi xây dựng trung tâm cứu hộ đa dạng các loài. Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, chúng tôi bảo vệ môi trường sống cho tất cả các loài sinh sống trong môi trường rừng, không chỉ riêng con vật nào cả. Ý nghĩa cốt lõi của công tác này nhằm hướng tới bảo tồn sự đa dạng, nguyên vẹn của thiên nhiên nói chung và thiên nhiên hoang dã nói riêng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dành những gì tốt nhất cho tê tê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO