Tài nguyên

Dân nghèo xứ Huế an cư ở vùng đất mới

Văn Dinh 13/06/2023 - 11:20

(TN&MT) - Dưới ánh hoàng hôn, bà con đang sống ở khu tái định cư Bắc Hương Sơ (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) ngồi tám chuyện sáng khoái. Xa xa, nhóm người lớn tuổi đạp xe, đi bộ tập thể dục, trẻ con thì chơi nhảy dây, trốn tìm... Với họ, những điều tưởng như khá đơn giản ấy cách đây khoảng hơn 3 năm chỉ là “ước mơ”. Bởi hồi đó, họ là những người dân nghèo sống trong các “khu ổ chuột” tạm bợ trên di tích Kinh thành Huế và chưa biết đi đâu để an cư. Bây giờ, giấc mơ đã trở thành sự thật.

Hàng nghìn hộ dân thuộc khu vực I di tích hệ thống Kinh thành Huế gần cả thế kỷ qua đã và đang được di dời đến khu tái định cư mới. Cuộc “di dân lịch sử” ở vùng đất Cố đô Huế được thực hiện trong những năm qua dần được hiện thực hóa. Đây là kết quả từ một chủ trương lớn hợp “ý Đảng, lòng dân”.

Niềm vui an cư

Đến khu tái định cư Bắc Hương Sơ (phường Hương Sơ, TP. Huế) thời gian này, nhìn vào trong từng ngôi nhà, ai ai cũng lộ rõ sự hớn hở. Không gian mới, nơi ở mới, có ngôi nhà mới như là động lực để người dân cố gắng. Những nghèo khó chật vật ngày cũ dẫu chưa thật sự tan biến hết nhưng những đêm dài trằn trọc trong căn nhà chật hẹp đã không còn. Từ ngôi nhà mới, âm thanh trong trẻo ngày mới vang lên với nhịp sống hoàn toàn khác, nhịp sống theo đúng bản chất của người dân đô thị.

dan-hue-1.jpg
Người dân từng sống “bám” di tích Huế giờ an tâm ở nơi ở mới, đó là khu tái định cư Bắc Hương Sơ rất khang trang, hiện đại

Đến bây giờ, ông Võ Đình Nhật (khu tái định cư Bắc Hương Sơ) vẫn chưa tin có nơi ở mới. Vài năm trước, dù có mơ thôi cũng không ai nghĩ đó lại là hiện thực.

Ông Nhật kể rằng vẫn không thể nào quên những tháng ngày sống vật vạ tạm bợ tưởng chừng không có hồi kết trên bờ Kinh thành Huế. Khi còn ở trên khu vực Thượng thành, 6 người trong gia đình luôn khổ sở dưới ngôi nhà chật hẹp. Gọi là nhà, nhưng nơi đây chẳng khác khu lều trại, với diện tích sinh hoạt chưa đầy 20 m2. Khi hay tin chính quyền có chủ trương hỗ trợ di dân Thượng thành, ông Nhật và người nhà không chút do dự, đã tiên phong hưởng ứng cuộc di dân lịch sử này.

“Gia đình tui nghèo lắm. Nay được hỗ trợ cả khu đất ở và được xây nhà khang trang nên rất mừng. Về định cư lâu dài ở Hương Sơ, phận đời cơ cực trôi nổi của tui và con cái xem như đã qua rồi. Bây giờ đã có nhà mới, được an cư rồi, mọi người sẽ chăm lo làm ăn để thoát nghèo”, ông Nhật bày tỏ.

Hộ gia đình anh Nguyễn Hoàng (38 tuổi) cũng là một trong những gia đình tiên phong bàn giao mặt bằng, lúc trước ở đường Ông Ích Khiêm, TP. Huế. Năm 2020, sau khi nhận thông báo bàn giao mặt bằng của UBND TP. Huế, anh có lô đất 100 m2 nằm đầu tuyến đường dẫn vào khu tái định cư.

“Dài đằng đẵng mấy chục năm sinh sống nhờ ở khu đất của di tích, gia cảnh khó khăn nên chưa lúc nào gia đình tôi vơi đi những nỗi lo và luôn mơ về một khu đất do mình đứng tên, một ngôi nhà kiên cố. Đến nay, ước muốn đó đã hoàn thành với việc gia đình tôi gồm bố mẹ già và vợ con nhỏ ra khu dân cư sinh sống, có thể nói đây là giấc mơ có thật…”, anh Hoàng bộc bạch.

dan-hue-2.jpg
Cuộc sống dân nghèo giờ đổi thay như một “giấc mơ”, với hạ tầng đầy đủ

Trong cái nắng đầu hè chói chang, bà Hồ Thị Hoa (76 tuổi – một người sống tại khu tái định cư mới) cho hay, khi còn ở khu vực Thượng thành, vào thời điểm nắng nóng như này thì cả nhà phải tản đi nơi khác chứ ở đó không chịu được, còn mưa thì nước dâng cao rất sợ. Giờ mỗi lần nghĩ về nơi ở cũ, vẫn còn giật mình. Nay ở tại nơi mới hơn một năm qua, khang trang hơn, cuộc sống tốt lên hẳn...

Giai đoạn đầu, hàng chục hộ nghèo không có đủ điều kiện xây dựng lại nhà cửa đã được UBND tỉnh kêu gọi các nhà hảo tâm, cơ quan, tổ chức đóng góp, hỗ trợ kinh phí làm nhà mới. Mỗi căn nhà được hỗ trợ xây dựng trị giá hơn 200 triệu đồng theo hình thức “chìa khóa trao tay”, giúp dân định cư lâu dài.

Với sự nỗ lực của TP. Huế, của tỉnh và sự đồng lòng của người dân, giờ đây khu phố mới ở Hương Sơ đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng dân sinh. Một ngôi trường mầm non khang trang– trường mầm non Hương Sơ đã hoàn thiện với “tầm vóc” theo trường hiện đại trên địa bàn toàn tỉnh. Hạ tầng điện, nước, viễn thông đều được ngầm hoá, cây xanh trồng theo quy hoạch và các tuyến đường liên thông, công viên tạo nên một khu phố hiện đại, sầm uất...

dan-hue-3.jpg
Ngôi trường mầm non hiện đại ở “phố mới”

“Tôi mong được gặp bà con nhiều lần. Bà con được an cư lạc nghiệp là niềm vui của các cấp chính quyền, là mục tiêu quan trọng mà tỉnh mong muốn, mang đến cho mọi người dân có cuộc sống hạnh phúc nhất, an toàn nhất. Mong bà con sau khi nhận đền bù, nhận đất sẽ sớm xây dựng nhà cửa ổn định, tập trung lao động sản xuất, tiếp tục đồng hành cùng chính quyền địa phương trong các chủ trương, chính sách lớn của tỉnh”, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy - Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Tiếp tục hỗ trợ dân nghèo

Người dân sống tạm bợ trên đất di sản hầu hết là những phận người nghèo khổ, lao động tự do. Với họ, việc hằng ngày phải lo lắng cái ăn cái mặc đã phờ phạc nên chưa bao giờ dám nghĩ sẽ rời khỏi nơi nhếch nhác, tạm bợ ấy để sống trong một căn nhà đúng nghĩa. Cho đến khi tỉnh Thừa Thiên - Huế có Đề án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế”.

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, Đề án đã được thành phố nỗ lực triển khai, tạo sự đồng thuận cao và đảm bảo cuộc sống cho nhân dân. Đến nay, đã phê duyệt các khu vực Thượng thành, Eo Bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ. Có 3.187 hộ bị ảnh hưởng, đã phê duyệt 1.478 lô đất tái định cư. Khu dân cư Bắc Hương Sơ đã triển khai và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật với quy mô 83,7 ha, tạo quỹ đất trên 4.000 lô. Quá trình thực hiện dự án đảm bảo tính dân chủ, công khai minh bạch, rõ ràng; đảm bảo chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng người, đúng đối tượng, đúng theo khung chính sách đã được Chính phủ phê duyệt và theo các quy định, khung chính sách hiện hành. Đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của người dân trong diện di dời và không để lợi dụng chính sách để trục lợi.

“Tỉnh, TP. Huế đã làm tất cả để có khung chính sách thông thoáng, tối ưu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bà con trong dự án. Dự án đang tiếp tục được triển khai với nỗ lực cao. Mục tiêu xuyên suốt là tạo điều kiện cho bà con có nơi ăn, chốn ở ổn định, tốt hơn nơi ở cũ, đảm bảo các điều kiện để phát triển cuộc sống về lâu dài, đồng thời thúc đẩy các lĩnh vực ở địa phương”, ông Nhật khẳng định.

dan-hue-4.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế động viên người dân nghèo để ra khỏi Kinh thành

Ban đầu, không ít gia đình sống trên di tích từng băn khoăn, không biết làm gì để mưu sinh khi dọn đến nơi ở mới. Đến nay, bà con cho biết, việc mưu sinh khi dời về nơi ở mới đã dần ổn định. Có người tìm kiếm cho mình công việc mới, nhưng cũng có không ít trường hợp vẫn làm những công việc trước đây.

Chủ tịch UBND phường Hương Sơ - Lê Kim Nam cho biết, hiện có 629 hộ dân xây dựng nhà ở mới, nhiều hộ khác cũng đã bốc thăm nhận lô, chuẩn bị xây nhà. Khi thành phố bàn giao tiếp số khẩu, chúng tôi sẽ rà soát lại và có kế hoạch thành lập tổ dân phố mới, hỗ trợ việc làm cho người dân.

“Thời gian tới sẽ có con số thống kê chính xác số lao động tại khu vực tái định cư. Chúng tôi sẽ tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, tạo mọi điều kiện để người dân có việc làm. Trước mắt sẽ giới thiệu lao động làm việc tại Khu công nghiệp Hương Sơ-An Hòa, đồng thời tìm hiểu những cơ sở, doanh nghiệp khác đang cần nhân công”, ông Nam nói.

dan-hue-5.jpg
Bàn giao nhà mới cho các hộ nghèo

Ánh bình minh lại ló rạng ở “phố mới” khang trang, tiếng chim hót líu lo cuối con đường bê tông rộng rãi, phẳng lì. Dân nghèo Kinh thành Huế đang rất vui và hạnh phúc. Dẫu trước mắt sẽ còn không ít chông chênh, nhưng họ đã có những “bước đi” đầu tiên vững chắc trên hành trình mới. Một cuộc sống mới, niềm tin và hy vọng mới đã được bắt đầu.

Để trả lại hiện trạng, giá trị vốn có của di tích Kinh thành Huế, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện dự án “Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế” với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1, từ năm 2019-2021 di dời dân thuộc khu vực Thượng thành, các Eo bầu, hộ thành hào, tuyến phòng lộ. Giai đoạn 2, từ năm 2022- 2025 sẽ di dời dân thuộc khu vực hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, đàn Xã Tắc... Cuộc di dân mang tính lịch sử này đã rất nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Nhà nước và các bộ ngành liên quan quan tâm, hỗ trợ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân nghèo xứ Huế an cư ở vùng đất mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO