Dân di cư "bức tử" rừng Mường Nhé

01/04/2017 00:00

(TN&MT) – Theo ước tính, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đã mất trên 70.000 ha rừng, chiếm một nửa diện tích rừng đã có của huyện. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn đã “bức tử” những cánh rừng.

Dân di cư
Dân di cư "bức tử" những cánh rừng

Để giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng và di cư tự do trên địa bàn huyện Mường Nhé, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành kế hoạch số 420/UBND thành lập Ban Chỉ đạo với lực lượng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của các Sở, ngành, lực lượng vũ trang của tỉnh và huyện Mường Nhé tham gia.Bottom of Form

Sau 1 tháng triển khai kế hoạch, các Tổ công tác đã tổ chức 118 cuộc họp dân với 4.442 người tham gia; phát 2.784 tờ rơi tuyên truyền, tổ chức cho 4.343 hộ ký cam kết không di cư ngoài kế hoạch, không phá rừng trái phép.




Qua điều tra, rà soát, các tổ công tác đã phát hiện 49 vụ, 76 đối tượng có hành vi hủy hoại rừng với tổng diện tích rừng bị phá là 271.982 m2. Cơ quan công an đã tiến hành khởi tố 15 vụ, 16 bị can có hành vi hủy hoại 128.308 m2 rừng; xử lý vi phạm hành chính 13 vụ, 14 đối tượng; đang tiến hành điều tra, xác minh 21 vụ. 

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 3/2017 đến nay, huyện Mường Nhé đã bị phá và mất tổng diện tích rừng gần 272.000 m2. Trong đó, trên 128.000m2 rừng phòng hộ. Còn lại là rừng sản xuất.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định do tình trạng dân di cư tràn vào huyện quá lớn trong một vài năm trở lại đây. Cơ quan chức năng đã thống kê được trên 1.700 hộ, tương đương khoảng 8.800 khẩu di cư đến huyện. Tính riêng năm 2017 có 31 hộ, 109 khẩu di cư vào địa bàn huyện. Hiện, các tổ công tác đã vận động bố trí phương tiện đưa về nơi cư trú cũ 25 hộ, 79 nhân khẩu. 


Theo lực lượng chức năng, càng ngày các đối tượng phá rừng trái phép càng hoạt động tinh vi hơn. Nhiều đối tượng dùng cưa máy chỉ cưa 2/3 thân cây trong rừng chứ không cắt lìa gốc, chờ khi trời gió to cả khu rừng tự gãy đổ. Bởi vậy, lực lượng chức năng không phát hiện được và đến khi cây rừng đổ cũng khó biết chính xác đối tượng nào là kẻ đã phá rừng. Nhiều đối tượng còn liều lĩnh bán cả quả đồi với giá…vài triệu đồng. Đến khi lực lượng chức năng bắt đối tượng phá rừng thì họ lại nói rằng đã mua quả đồi này nên có quyền chặt cây. Nhiều đối tượng còn có hành vi chống đối lực lượng chức năng. 

Điển hình khoảng 21 giờ ngày 4/3, tổ công tác liên ngành số 1 quản lý các xã Leng Su Sìn, Sín Thầu, Sen Thượng đã bị các đối tượng Vàng Phủ Dùng (sinh năm 1960, trú tại Sín Mần, Hà Giang), Vừ A Vư (sinh năm 1979, trú tại Hà Giang) dùng cưa xăng uy hiếp khi phát hiện các đối tượng đang có hành vi phá gần 13.000m2 rừng phòng hộ. Sau khi bị phát hiện, đối tượng đã dùng cưa máy chĩa vào lực lượng chức năng để chống trả và tỏ thái độ không hợp tác rồi bỏ trốn.

Người dân tham gia ký cam kết không phá rừng.
Người dân tham gia ký cam kết không phá rừng.


Tang vật phá rừng được cơ quan chức năng thu giữ
Tang vật phá rừng được cơ quan chức năng thu giữ

Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, nhấn mạnh: Để ngăn chặn tình trạng phá rừng ở Mường Nhé, trước hết cần ngăn chặn triệt để tình trạng di cư tự do. Thời gian tới, Công an tỉnh Điện Biên chỉ đạo các Tổ công tác tiếp tục rà soát số dân di cư vào Mường Nhé để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có phương án giải quyết. 

Cùng với đó, các Tổ công tác tiếp tục tổ chức họp dân, ký cam kết, phát tờ rơi tuyên truyền vận động nhân dân không phá rừng và không di cư ngoài kế hoạch; kịp thời xử lý đối với những đối tượng hủy hoại rừng và có những biểu hiện cực đoan chống đối lực lượng chức năng.

Hà Thuận

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dân di cư "bức tử" rừng Mường Nhé
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO