Đảm bảo tính xác thực

21/09/2017 00:00

(TN&MT) - Ở nước ta từ khi có Luật Đất đai đến nay, công tác thống kê, kiểm kê đất đai ngày càng đi vào nề nếp. Tính đến nay, đã thực hiện 7 lần kiểm kê đất đai từ năm 1980 đến năm 2010, trong đó, năm 1995 là lần kiểm kê đầu tiên theo Luật Đất đai 1993. Những kết quả thu được đã thực sự mang lại những hiệu quả, tác dụng rõ rệt. Trong mỗi giai đoạn, nội dung kiểm kê đất đai có sự thay đổi nhất định phù hợp với điều kiện, yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy vậy, từ thực tiễn thực hiện công tác thống kê, kiểm kê các năm qua còn bộc lộ những hạn chế vướng mắc như nguồn tài liệu đầu vào chưa đầy đủ, chưa đồng bộ; phương pháp kiểm kê chưa thực hiện coi trọng việc điều tra ở thực địa; công tác tổ chức thực hiện, kiểm tra, nghiệm thu được thực hiện chưa tốt dẫn đến chất lượng của số liệu thống kê, kiểm kê còn hạn chế. Thời gian báo cáo kết quả thống kê đất đai ở một số nơi còn chậm, đặc biệt ở cấp xã. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ về công nghệ thông tin chưa đồng bộ và chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm kê, đặc biệt ở cấp cơ sở, nhất là ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Xuất phát từ tình hình nêu trên, Tổng cục Quản lý Đất đai đã nghiên cứu Đề tài Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đổi mới nội dung, phương pháp kiểm kê đất đai, từ đó, đổi mới nội dung, phương pháp kiểm kê đất đai, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm kê đất đai.

Công tác thống kê, kiểm kê đất đai ngày càng đi vào nền nếp
Công tác thống kê, kiểm kê đất đai ngày càng đi vào nền nếp

Đề tài đã tổ chức điều tra thu thập và nghiên cứu các tư liệu, tài liệu, số liệu tại các cơ quan Trung ương; tài liệu, số liệu và nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác kiểm kê đất đai tại một số địa phương đại diện, làm cơ sở rút ra những bất cập, hạn chế của công tác kiểm kê đất đai, xác định được những vấn đề vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn cần giải quyết. Việc điều tra thu thập các tài liệu, số liệu được thực hiện tại các cơ quan chuyên môn ở Trung ương và một số địa phương. Trong đó, công tác điều tra, nghiên cứu thực tiễn về kiểm kê đất đai trong phạm vi nội dung của Đề tài đã được thực hiện tại các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Long An.

Kết quả thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm kê đất đai” đã cho thấy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực trạng công tác kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất cũng còn bộc lộ một số hạn chế như hệ thống các chỉ tiêu và bảng biểu thống kê, kiểm kê chưa đầy đủ, chưa phản ánh hết các mặt về hiện trạng sử dụng đất; các phương pháp thực hiện kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất được áp dụng chủ yếu là phương pháp truyền thống, chưa áp dụng nhiều các phương pháp công nghệ tiên tiến, hiện đại do điều kiện cụ thể về nguồn tư liệu, tài liệu phục vụ cho kiểm kê đất đai chưa đầy đủ về số lượng, hạn chế về độ tin cậy, độ chính xác; công tác tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định sản phẩm kiểm kê cũng còn những nội dung cần được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Đề tài đã đề xuất những vấn đề cơ bản về đổi mới công tác kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất gồm các nội dung: Cần chỉnh sửa bổ sung và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kiểm kê đất đai như: Không thực hiện kiểm kê các chỉ tiêu chi tiết thuộc nhóm đất nông nghiệp gồm chỉ tiêu đất có cỏ dùng vào chăn nuôi (gộp vào đất trồng cây hàng năm), các chỉ tiêu chi tiết của đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản; bổ sung chỉ tiêu đất vườn tạp; điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu thuộc nhóm đất phi nông nghiệp gồm các chỉ tiêu về đất xây dựng công trình sự nghiệp; chuyển một số chỉ tiêu thuộc đất sử dụng vào mục đích công cộng sang đất xây dựng công trình sự nghiệp và bổ sung các chỉ tiêu trong loại đất này gồm đất sinh hoạt cộng đồng và đất khu vui chơi, giải trí công cộng; bổ sung chỉ tiêu đất thương mại, dịch vụ trong đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp;

 Bổ sung chỉ tiêu theo đối tượng người sử dụng đất, quản lý đất “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” trong chỉ tiêu “tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài”; bổ sung các chỉ tiêu theo phạm vi khu vực (không gian) sử dụng đất gồm: khu vực đất trồng lúa nước, khu du lịch, khu bảo tồn thiên nhiên, các khu chức năng đặc thù (khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao).

Điều chỉnh nội dung và đề xuất bổ sung mới một số bảng biểu kiểm kê: Điều chỉnh nội dung các biểu về thống kê, kiểm kê diện tích đất đai; bổ sung mới 2 biểu gồm biểu kiểm kê tình hình sử dụng đất theo nghĩa vụ tài chính và biểu kiểm kê diện tích đất quốc phòng, an ninh.

 Đổi mới các nội dung cụ thể về phương pháp kiểm kê: Phương pháp xác định tổng diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính cấp xã; các phương pháp tính toán các chỉ tiêu kiểm kê theo nguồn tài liệu, bản đồ được sử dụng; các phương pháp thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã từ bản đồ địa chính, từ các loại bản đồ khác; phương pháp tổng hợp để xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất của đơn vị hành chính cấp trên từ bản đồ hiện trạng sử dụng đất của các đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp.

 Đổi mới việc tổ chức triển khai thực hiện kiểm kê đất đai với nội dung cụ thể là giao cho cơ quan TN&MT cấp huyện chủ trì và chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện kiểm kê đất đai ở cấp xã; đổi mới công tác kiểm tra, nghiệm thu, thẩm định các sản phẩm kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo hướng thực hiện đầy đủ và chặt chẽ hơn.

Minh Thư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo tính xác thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO