Đảm bảo quy trình liên hồ chứa sát thực tiễn nhất

Tuyết Chinh| 16/07/2020 10:18

(TN&MT) - Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Phó trưởng BCĐ Trung ương về PCTT, trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, cần tính đến kịch bản để các hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn, phục vụ cho an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước sử dụng chung cũng như sản xuất ở hạ du.

Xả lũ an toàn cho hạ du

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, trong mùa lũ, các hồ chứa thủy điện, trừ hồ chứa có dung tích nhỏ đều vận hành theo nguyên tắc chung khi có dự báo lũ, phải vận hành đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ. Khi lũ về hồ phải tích nước hoặc xả với lưu lượng nhỏ hơn lưu lượng về hồ; khi mực nước hồ đạt cao trình giới hạn cho phép được xả với lưu lượng lớn nhất bằng lưu lượng về hồ để duy trì mực nước hồ không vượng quá cao trình cho phép, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Các hồ chứa thủy điện ở miền Bắc đang vận hành theo đúng quy trình. Ảnh minh họa

Tính đến tháng 6/2020, khu vực miền núi phía Bắc có 225 hồ chứa thủy điện đã có quy trình vận hành đơn hồ chứa; trong đó có 145 hồ chứa thủy điện nhỏ.

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, khu vực miền núi phía Bắc đã có Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ban hành kèm theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 gồm các hồ Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang và Thác Bà.

“Việc thực hiện các quy định của pháp luật về thủy điện đã có chuyển biến tích cực và rõ rệt; điển hình là trong 3 năm trở lại đây khu vực Bắc Bộ đã xảy ra nhiều trận lũ lớn bất thường, nhưng do thực hiện tốt các quy định về quản lý an toàn đập và vận hành hồ chứa nên các đập, hồ chứa thủy điện vận hành an toàn, ổn định; tham gia tích cực vào việc cắt, giảm, làm chậm lũ, góp phần đảm bảo an toàn cho vùng hạ du”, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đánh giá.

Tuy nhiên, trong mùa lũ năm 2019, vẫn còn chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện Sử Pán 1 (Lào Cai) vận hành xả lũ gây thiệt hại cho người dân vùng hạ du. Nguyên nhân được xác định là do xuất hiện lũ đặc biệt lớn làm mực nước hồ chứa dâng nhanh, có nguy cơ gây mất an toàn đập nên chủ công trình đã thực hiện vận hành xả lũ khẩn cấp hồ chứa thủy điện Sử Pán 1.

“Song trong quá trình vận hành xả lũ, chủ công trình lại chưa thông báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng và nhân dân vùng hạ du làm việc ứng phó lũ lụt tại vùng hạ lưu không kịp thời”, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp chỉ rõ.

Vận hành tổng thể, liên hoàn trong mùa mưa lũ

Trước tình hình tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan ngày càng diễn biến khó lường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Phó trưởng BCĐ Trung ương về PCTT cho rằng, chúng ta phải tính đến kịch bản làm sao để các hồ chứa, nguồn năng lượng thuỷ điện đảm bảo an toàn nhất. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ đạo với từng thành viên, ở đây cụ thể là Bộ Công thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam để đảm bảo quy trình liên hồ chứa một cách khoa học và sát với thực tiễn nhất.

Đồng thời, tuân thủ nghiêm chỉnh tất cả sự điều hành, chỉ đạo liên hồ chứa dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ huy các tỉnh để đảm bảo các hồ chứa vận hành một cách khoa học, an toàn.

Cần quan tâm đồng bộ đến các công trình hồ chứa nhỏ. Ảnh minh họa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần tăng cường các biện pháp tổng thể từ điều hành quy trình xả nước, tích nước như thế nào… một cách liên hoàn trên cơ sở đảm bảo phục vụ cho an ninh năng lượng và đảm bảo cho an ninh nguồn nước sử dụng chung cũng như sản xuất ở hạ du.

“Đây là một vấn đề lớn cần sự phối hợp chặt chẽ, khoa học của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ huy các Bộ, ngành, các tỉnh và từng thành viên; cụ thể ở đây là các chủ công trình tham gia chặt chẽ dưới sự điều hành của các tỉnh, phía thượng nguồn, hạ du”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, có một vấn đề đặt ra là sự quan tâm với các công trình hồ chứa thủy điện nhỏ. “Địa hình vùng núi nước ta hầu hết các hồ có độ dốc cao, gắn với đó ở phía hạ du là kết cấu dân cư, kết cấu sản xuất. Nếu để xảy ra những sự cố rủi ro mặc dù quy mô hồ rất nhỏ nhưng cũng dễ trở thành thảm họa”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phân tích.

Do vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, cần quan tâm đồng bộ không chỉ thiết chế hạ tầng hồ lớn mà cả các thiết chế hạ tầng hồ nhỏ bằng quy trình vận hành thống nhất, minh bạch cơ quan quản lý, cơ quan chủ hồ với người dân. Có như vậy mới đảm bảo an toàn trong điều kiện tác động biến đổi khí hậu xảy ra khốc liệt như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo quy trình liên hồ chứa sát thực tiễn nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO