Đảm bảo an ninh nguồn nước góp phần xóa đói, giảm nghèo

Thủy Nguyễn| 20/02/2023 11:19

(TN&MT) - Việt Nam luôn khẳng định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước” và vì vậy, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn, thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước để quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước nhằm góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của đất nước.

Tài nguyên nước dồi dào nhưng tiềm ẩn nhiều thách thức

Tài nguyên nước ở Việt Nam được đánh giá là rất đa dạng và phong phú, bao gồm cả nguồn nước mặt và nước ngầm ở các thủy vực tự nhiên và nhân tạo như sông, suối, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo, giếng khơi, hồ đập, ao, đầm phá và các túi nước ngầm.

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 3.450 sông, suối chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng dòng chảy hằng năm khoảng 844 tỷ mét khối. 

Theo thông tin của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cùng với việc đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng nước sạch tại các đô thị, trên 62% tại khu vực nông thôn, nước góp phần không nhỏ trong phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ và bảo đảm an ninh năng lượng trong thời gian qua...

thac-ba-gioc4-430.jpg
Tài nguyên nước Việt Nam dồi dào, đa dạng và phong phú

Nước có vai trò chủ đạo trong phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới.

Nước góp phần quan trọng trong sự tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng nuôi trồng thủy sản những năm gần đây với mức tăng trưởng bình quân trên 12%/năm, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, tạo được nhiều cơ hội về việc làm cho người lao động.

Mặc dù nguồn tài nguyên nước của Việt Nam rất dồi dào song phân bố không đều theo thời gian và không gian, có tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ, suy thoái, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng, khô hạn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn. Những thảm họa như: hạn hán và xâm nhập mặn; lũ ống, lũ quét, lụt lội, sạt lở đất; nước biển dâng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phát triển kinh tế, đến sức khỏe con người, đời sống sinh hoạt của cộng đồng.

Cùng với đó, bên cạnh những đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế, xã hội, công cuộc xóa đói, giảm nghèo thì tài nguyên nước của Việt Nam đang phải đối mặt tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến cộng với nguồn nước tiếp tục bị suy thoái, cạn kiệt và cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước lạc hậu.

Theo dự báo, dân số Việt Nam sẽ ổn định ở mức 120 triệu người trong vòng 2-3 thập kỷ tới . Sự gia tăng dân số và yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống sẽ cần nhiều nước hơn cho phát triển sản xuất và dân sinh là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển và quản lý tài nguyên nước quốc gia.

Thách thức nguồn nước gắn liền với giảm nghèo

Tại Việt Nam và các nước khác, thách thức nguồn nước luôn gắn liền với giảm nghèo. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch là 57%, trong khi đó tỷ lệ này ở thành thị là 89%. Tỷ lệ người dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 59%; và tỷ lệ này ở thành phố là 92%. Thống kê cũng cho thấy, nhiều hộ nghèo chưa được sử dụng nước sạch hoặc không có nhà vệ sinh. Điều này đã gây ra những áp lực lên nguồn nước, áp lực này càng trở lên khốc liệt hơn khi dân số tăng cùng với mặt trái của quá trình tăng trưởng kinh tế, biến đối khí hậu,….

kiet-que-vi-thieu-nuoc.jpg
Nhiều hộ nghèo chưa được sử dụng nước sạch

Đặc biệt, biến đổi khí hậu sẽ gây nên những hiện tượng “bất thường về nước” và nếu như không có biện pháp quản lý tốt sẽ gây thiệt hại cho tăng trưởng GDP hàng năm của nền kinh tế đất nước…

Bất ổn về nước tăng cao và nước biển dâng sẽ tác động lên nhóm nghèo và dễ tổn thương nhiều hơn. Và nếu nhiệt độ trung bình thế giới nóng thêm 4 độ thì phương pháp quản lý nguồn nước sẽ phải thay đổi mạnh mới có thể hỗ trợ giảm nghèo và tăng trưởng. Chính vì vậy, các quyết định trong ngành hoặc liên ngành khi đưa ra cần phải cân nhắc đến vấn đề nước và phải dựa trên tiến trình chính trị tốt và đầy đủ thông tin để đưa ra các lựa chọn tốt và dài hạn.

Sửa đổi Luật Tài nguyên nước - giải quyết những phát sinh từ thực tiễn

Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước ở nước ta, đã phát huy hiệu lực, hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, toàn diện trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế của Luật cũng đã bộc lộ trong quá trình triển khai và cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với thực tế, nâng cao hơn nữa hiệu quả hiệu lực, tháo gỡ khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành Báo cáo rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012 và các quy định pháp luật khác có liên quan và đang trong quá trình hoàn thiện việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Hướng sửa đổi Luật tài nguyên nước năm 2012 là sẽ bổ sung các chính sách, quy định liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, cụ thể như: cơ chế, chính sách liên quan điều hòa, phân bổ tài nguyên nước trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng; điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước theo hiệu quả sử dụng nước; quy định các cơ chế tài chính liên quan đến việc huy động tham gia điều tiết, cấp nước cho các mục đích sử dụng của các hồ chứa trên lưu vực sông; chính sách, chế tài để xử lý tổng thể các vấn đề trong việc cấp nước sinh hoạt; phân công trách nhiệm các Bộ, ngành, địa phương trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước.

Việc bổ sung này hướng tới quản lý, kiểm soát, điều tiết toàn diện các vấn đề về nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước; chủ động nguồn nước trong mọi tình huống; nâng cao khả năng tiếp cận nguồn nước đảm bảo để duy trì sinh kế, đời sống con người, phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; phòng chống thảm họa thiên tai liên quan đến nước; bảo tồn các hệ sinh thái; đảm bảo quốc phòng và an ninh thông qua việc thực hiện đổi mới về thể chế và các chính sách có tính chất then chốt.

images1423286_2._long_ho_thuy_dien__ktien_.jpg
Sửa đổi Luật Tài nguyên nước góp phần xóa đói, giảm nghèo, hướng tới  phát triển bền vững

Cũng theo ông Châu Trần Vĩnh, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh giữa các đối tượng sử dụng nước. Các cấp phải chuẩn bị sẵn sàng để cân nhắc bài toán được/mất, đồng thời, phải bảo vệ môi trường và các đối tượng bị thiệt thòi trong đó có người nghèo.

Để phân bổ tối ưu nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng cần điều chỉnh công tác quản lý nguồn nước hiện tại, tập trung vào cung ứng dịch vụ, thay vì chỉ quan tâm đến hạ tầng. Muốn tập trung vào cung ứng dịch vụ, đòi hỏi phải có sự tham gia của bên sử dụng vào công tác quản lý. Ngoài ra, vai trò công trong điều tiết và giám sát tài nguyên nước là rất quan trọng tại Việt Nam, nhưng nếu muốn huy động vốn cho các dự án cấp thiết hiện nay thì cần xem xét nguồn tư nhân, đồng thời đảm bảo dịch vụ phải đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo an ninh nguồn nước góp phần xóa đói, giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO