Đakrông - Quảng Trị: tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ tài nguyên khoáng sản,

Văn Dinh | 07/09/2021, 17:06

(TN&MT) - ​​​​​​​Huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản. Nhờ vậy, hoạt động khai khoáng trên địa bàn ngày càng đi vào nề nếp, đa số các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản đã tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo môi trường, góp phần thực hiện tốt thu ngân sách và giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Nguồn khoáng sản đa dạng

Đakrông là huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị với trên 80% dân cư sinh sống là người dân tộc thiểu số, chủ yếu 3 dân tộc Vân Kiều, Pa Kô và Kinh. Đây là một trong những huyện có khá nhiều điểm mỏ khoáng sản và tương đối đa dạng so với các địa phương khác trong tỉnh.

Hiện nay, toàn huyện có 5 điểm mỏ khoáng sản vàng, 4 điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường đã được cấp phép khai thác; có 22 điểm mỏ, cát, sỏi phân bố dọc sông Đakrông từ xã A Bung đến Ba Lòng, trong đó UBND tỉnh đã cấp 7 giấy phép cho các tổ chức để tiến hành khai thác tại 10 điểm mỏ.

Khai thác khoáng sản tại huyền miền núi Đakrông.

Ngoài ra, tại các khu vực lòng hồ thủy điện trên các xã Đakrông, Ba Nang, Tà Long và Húc Nghì đang bồi lắng một lượng lớn cát, sỏi, UBND tỉnh đã cấp phép cho 2 đơn vị tiến hành nạo vét tận thu cát sỏi tại khu vực lồng hồ thủy điện Đakrông 2, xã Đakrông và khu vực lồng hồ thủy điện Đakrông 3, xã Tà Long.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi cho biết, để tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ cấp huyện, cấp xã, các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện.

“Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở các xã cũng đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu để phối hợp với địa phương trong công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, không tiếp tay cho các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Các hình thức tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường của cán bộ, đảng viên, nhân dân và người lao động; các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản chấp hành nghiêm túc quy định của giấy phép và quy định của pháp luật về khoáng sản trong quá trình hoạt động”, ông Lợi nói.

Đa dạng hoạt động tuyên truyền

Thời gian qua, UBND huyện Đakrông đã chỉ đạo chính quyền các địa phương nơi có khoáng sản tổ chức cho nhân dân ký cam kết không tham gia và tiếp tay cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác khoáng sản cũng như phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.

Công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tại Đakrông đang được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Mặt khác, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tình hình thăm dò, khai thác khoáng sản và công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của các địa phương. Qua đó, nắm bắt tình hình, kịp thời ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, hằng năm UBND huyện chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các đợt kiểm tra, truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép và kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các phòng, ban cấp huyện đến cấp xã, các lực lượng đóng quân trên địa bàn trong quá trình tham gia phối hợp bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

“Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, hoạt động khoáng sản ở huyện Đakrông có nhiều chuyển biến rõ nét, đến nay không còn tình trạng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; cơ chế quản lý hoạt động thăm dò, khai thác ngày càng hoàn thiện, đảm bảo nguồn tài nguyên khoáng sản được sử dụng hợp lý, có hiệu quả, hạn chế tác động xấu đến môi trường...”, ông Lợi chia sẻ.

Từ năm 2015 - 2020, chính quyền địa phương nơi có hoạt động khai thác vàng trái phép đã phối hợp với công an huyện Đakrông tiến hành 19 lượt truy quét; thu giữ 44 dụng cụ phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và đẩy đuổi 162 đối tượng tham gia khai thác ra khỏi khu vực.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Đakrông, để kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ khoáng sản. Chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và xử lý nghiêm các tổ chức vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.

Bài liên quan
  • Lần đầu tiên đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản
    (TN&MT) - Thực hiện Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 1170/QĐ-BTNMT ngày 21/7/2017, mới đây Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức đấu giá quyền khai thác quặng sắt khu vực Nam Phia Đăm, xã Bằng Thành và xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm tỉnh Bắc Kạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Ủy ban Dân tộc tuyên dương 143 học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc năm 2023
(TN&MT) - Tối 26/12/2023, tại Hà Nội, Uỷ Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu lần thứ 10 năm 2023.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO