Đakrông là huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị với trên 80% dân cư sinh sống là người dân tộc thiểu số, chủ yếu 3 dân tộc Vân Kiều, Pa Kô và Kinh.
Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân và các chủ rừng tích cực tham gia thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/HU của Huyện ủy (khóa IV) về định hướng phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, huyện Đakrông đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, phần lớn các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Người dân miền núi Đakrông tích cực trồng rừng |
Cụ thể, tốc độ tăng giá trị sản xuất vượt 6,9%; tỷ trọng ngành lâm nghiệp trong sản xuất nông - lâm - nghiệp chiếm 28% và trong tổng giá trị sản xuất chiếm 7,97%; trồng rừng mới tập trung hằng năm vượt 278 ha/năm; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất 664 ha/năm.
Nhằm thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, huyện đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, có giao rừng và đất lâm nghiệp cho các cộng đồng, các hộ gia đình quản lý, bảo vệ, hưởng lợi lâu dài.
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện giao rừng tự nhiên 4.010 ha cho 1.957 hộ quản lý; giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ và hưởng lợi với 193.480 lượt người tham gia. Tăng cường giám sát chặt chẽ, chính xác diện tích và sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng. Giá trị thu nhập từ rừng mang lại đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ đó, khuyến khích người dân tham gia trồng rừng kinh tế.
Thực hiện trồng gỗ nguyên liệu theo chủ trương của tỉnh, huyện đã tổ chức trồng được 153,4 ha với 68 hộ tham gia, tập trung ở các xã, thị trấn Ba Lòng, Krông Klang, Hướng Hiệp và A Ngo với nguồn kinh phí thực hiện 341,245 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng của người dân 170,622 triệu đồng. Hiện trên địa bàn huyện có 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ rừng trồng hoạt động có hiệu quả, là nơi tiêu thụ sản phẩm rừng trồng cho người dân ở địa phương và các huyện lân cận.
Lực lượng chức năng xử ly các vụ vi phạm lâm luât trên địa bàn |
Trong giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện huy động, bố trí gần 90 tỷ đồng cho các hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn, chủ yếu trồng rừng tập trung, trồng cây phân tán, giao khoán bảo vệ rừng; các công trình hạ tầng lâm sinh được quan tâm đầu tư như đường lâm nghiệp, vườn ươm cây giống, đường ranh cản lửa. Riêng giai đoạn 2019 - 2020, từ nguồn kinh phí phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện đầu tư xây dựng 6 km đường lâm nghiệp với tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng.
Ông Hồ Sang (xã Hướng Hiệp) chia sẻ, cách đây 3 năm ông đã nhận khoán bảo vệ hơn 100 ha rừng, sau đó dựng lán, chòi để bảo vệ. “Thu nhập tốt nên tôi cũng như nhiều người dân tham gia, mặt khác, công việc này có thể hỗ trợ phát hiện, ngăn chặn những vụ phá rừng, giúp chính quyền làm tốt công tác bảo vệ rừng hơn...”, anh Sang nói.
Đến cuối năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 65%, tăng bình quân 0,61%/năm; Giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp tính đến cuối năm 2020 đạt 97,52 tỷ/347,667 tỷ đồng.
Đakrông đang thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế |
Hạt Kiểm Lâm huyện Đakrông thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát tại các địa bàn các xã và các tuyến đường trọng điểm thường có hoạt động mua, bán lâm sản trái phép. Đặc biệt là các khu vực giáp ranh giữa tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, khu vực tuyến biên giới Việt - Lào; tuyến đường 9 và tuyến đường Hồ Chí Minh.
Theo đó, đơn vị đã phát hiện và xử lý 47 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 85,060 m3 gỗ các loại, 2 xe máy độ chế, 2 máy cưa xăng phá hủy 2 máy tời gỗ có gắn động cơ; 365 dây bẫy của các đối tượng khai thác lâm sản trái phép; xử phạt vi phạm hành chính 147 triệu dồng. Khởi tố 2 vụ án hình sự “Hủy hoại rừng” xảy ra ở tiểu khu 664,681 ở địa bàn xã Hướng Hiệp.
Mục tiêu huyện Đakrông đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 là nâng tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2025 là 66%; Giao rừng tự nhiên cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư 300 ha/năm; giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân bảo vệ và hưởng lợi là 15.000 lượt ha/năm...
Ông Thái Ngọc Châu - Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các văn bản của cấp trên về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế lâm nghiệp, đẩy mạnh công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, xây dựng và phát triển các mô hình trang trại, mô hình nông lâm kết hợp. Tập trung huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm phát triển có trọng tâm, trọng điểm để phát triển lâm nghiệp.
“Ngoài ra, huyện sẽ xây dựng đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng phát triển lâm nghiệp bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái. Xây dựng các mô hình thâm canh rừng sản xuất gỗ lớn, lâm sản ngoài gỗ, cấp chứng chỉ rừng trồng (FSC). Đẩy mạnh giao đất, giao rừng để bảo đảm rừng có chủ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng. Tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ lâm sản, lâm sản ngoài gỗ để ổn định đầu ra sản phẩm, giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất...”, ông Châu cho hay.