Dân tộc thiểu số

Đắk Nông: Từng bước thực hiện Đề án ổn định dân di cư tự do

Phạm Hoài 15:54 26/10/2023

(TN&MT) - Để thực hiện Chương trình bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Chương trình 590), Đắk Nông hiện tập trung vào vấn đề bố trí nơi ở, nơi sản xuất cho người di dân tự do để ổn định cuộc sống.

Đắk Nông là một trong những tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên có số người di dân tự do từ phía Bắc vào rất lớn. Ngoài những hộ được bố trí, sắp xếp nơi ở, nơi sản xuất, hiện vẫn còn hàng ngàn hộ chưa có cuộc sống ổn định, ảnh hưởng tới nhiều mặt. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch số 156/KH-UBND về việc thực hiện Đề án ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025.

anh-11.jpg
Dự án ổn định dân di cư tại huyện Đắk Glong được chú trọng đầu tư bài bản

Năm 2025 cơ bản không còn dân di cư tự do

Theo Sở NN - PTNT, trên địa bàn đang có 38.191 hộ dân DCTD, với 173.973 khẩu. Tổng số dân DCTD đã được bố trí, sắp xếp ổn định là 30.842 hộ, với 139.602 khẩu.Hiện tỉnh vẫn còn 7.349 hộ, với 34.371 khẩu dân DCTD chưa được bố trí, sắp xếp ổn định về nơi ở, nơi sản xuất. Phần lớn các hộ này chưa có chỗ ở hợp pháp, chưa có hộ khẩu, cuộc sống không ổn định. Tại huyện Krông Nô, từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn có gần 2.300 hộ, với trên 7.800 khẩu thuộc diện dân DCTD từ các tỉnh phía Bắc đến địa bàn. Dân DCTD chủ yếu sinh sống tại các xã Quảng Phú, Đắk Nang, Nâm Nung, Đức Xuyên.

Từ năm 2013, huyện triển khai 1 dự án và 2 phương án bố trí, ổn định dân DCTD. Qua đó, hàng trăm hộ dân DCTD trên địa bàn đã được ổn định, chấm dứt tình trạng xâm canh, lấn chiếm đất rừng. Theo ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án ổn định dân DCTD. Hiện địa phương đang quy hoạch các khu dân cư, khu đất sản xuất để tạo điều kiện cho các hộ dân thuộc diện DCTD đăng ký cư trú, sản xuất, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, những năm qua, Đắk Nông đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân DCTD.T uy nhiên, do tỉnh còn khó khăn, nên việc đầu tư hạ tầng cơ sở cho các vùng dự án còn nhiều hạn chế, nhất là nguồn vốn để sắp xếp, ổn định cho 7.349 hộ dân di cư còn lại. Trên cơ sở kiểm tra, rà soát về các dự án ổn định dân DCTD, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương đánh giá cụ thể, kỹ lưỡng để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Với quyết tâm sớm ổn định dân di cư trên địa bàn, ngày 17/3/2023, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã ký Quyết định số 156 về việc thực hiện Đề án ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2025. Trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí ổn định cho 5.450 hộ/24.330 khẩu; hoàn thành việc đăng ký thường trú cho các hộ dân đủ điều kiện theo quy định; tập trung hoàn thiện, phát triển hệ thống các công trình cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất vùng dự án nhằm ổn định dân cư và nâng cao đời sống cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân vùng dự án tương đương với mức thu nhập bình quân của địa phương sở tại; đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân vùng dự án.

22.jpg
Việc di dân tư do đã gây nên sức ép trong việc rừng bị phá ở một số địa phương của tỉnh Đắk Nông

Đồng bộ các giải giải pháp

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương có dân di cư tự do lập và triển khai thực hiện các dự án ổn định dân di cư tự do; lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình, dự án do ngành nông nghiệp thực hiện để hỗ trợ người dân vùng di cư tự do nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, công tác hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Thời gian tới, bố trí giao đất, công nhận đất ở khoảng 222 ha (bao gồm: Ổn định tại chỗ, xen ghép và di dời tập trung về vị trí quy hoạch mới), trong đó: Đất ở hiện trạng bố trí ổn định tại chỗ 164 ha; xen ghép và quy hoạch vị trí mới bố trí tập trung là 58 ha; đất nông nghiệp, lâm nghiệp 3.000 ha theo các hình thức giao đất, cho thuê đất, liên doanh, liên kết mô hình nông lâm kết hợp cho từng trường hợp cụ thể theo quy định (phục vụ bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030). Đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các điểm bố trí, sắp xếp bố trí ổn định dân di cư tự do, gồm đường giao thông, thủy lợi, hệ thống điện, nước sinh hoạt và cơ sở văn hóa giáo dục.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tham mưu UBND tỉnh quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Kế hoạch. Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương có dân di cư tự do lập và triển khai thực hiện các dự án ổn định dân di cư tự do; tổng hợp kế hoạch hàng năm, giai đoạn của các địa phương gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo quy định.

Bên cạnh đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất hiện trạng, loại đất của các dự án ổn định dân cư tự do; căn cứ theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương đã được phê duyệt, báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết thủ tục về đất đai để các dự án triển khai kịp thời, sớm bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân thuộc dự án ổn định dân cư. Đối với Ban Dân tộc tỉnh, triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số; rà soát, kiến nghị, tham mưu sửa đổi, bổ sung chính sách đặc thù để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Ngoài ra, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai tại các Công ty nông, lâm nghiệp, Ban quản lý rừng và các dự án nông lâm nghiệp.

Bài liên quan
  • Đắk Nông: Chú trọng công tác quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên
    (TN&MT) - Trong thời gian qua, nhằm đảm bảo công tác quản lý tốt cũng như sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên trên địa bàn tỉnh, các cấp ngành của tỉnh Đắk Nông đã tích cực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, kế hoạch và định hướng mang tính chiến lược, bền vững. Từ đó, từng bước góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt kết quả tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO