Đắk Nông: Nhiều trang trại chăn nuôi heo không đảm bảo vệ sinh môi trường

Phạm Hoài| 18/11/2021 19:25

(TN&MT) - Hơn 2 năm nay, hàng chục hộ dân sống tại khu vực tái định cư tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã phải “chấp nhận” sống chung với nhiều trang trại heo được xây dựng sát vách nhà gây nên mui hôi trong không khí và nguồn nước bị ô nhiễm. Mặc dù, tình trạng này đã được người dân phản ánh nhiều lần với cơ quan chức năng nhưng đến nay, các cấp ngành vẫn đang "loay hoay" tìm phương án.

Bà Phạm Thị Dơn (thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, huyện Cư Jút) đang bơm nước giếng có màu đục và mùi hôi để chứng minh việc ô nhiễm

Người dân bức xúc

Cũng như nhiều hộ gia đình khác, bà Phạm Thị Dơn được Nhà nước bố trí một lô đất tái định cư tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô từ năm 2009 để ổn định cuộc sống. Theo bà Dơn, do khu vực này chưa được đầu tư nguồn nước sạch nên đa phần các hộ dân cùng nhau khoan giếng để lấy nước sinh hoạt. Thế nhưng, khoảng 2 năm trở lại đây, gia đình bà và nhiều hộ dân xung quanh mỗi lần bơm nước từ giếng lên đều thấy có có màu đục, bốc mùi khó chịu, người trong nhà dùng nước giếng để tắm thì nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy khó chịu.

Do nguồn nước từ giếng khoan không bảo đảm, gia đình bà Dơn phải mua nước bình về nấu ăn hàng ngày, riêng tắm giặt thì phải có bồn lọc, chứ không sử dụng trực tiếp từ nước lấy lên từ lòng đất. “Từ khi các trại heo xung quanh nhà đi vào hoạt động thì nguồn nước mới bị ảnh hưởng. Mùa mưa thì đỡ mùi, đỡ đục hơn nhưng đến mùa khô thì hoàn toàn không dùng được nước từ giếng khoan này. Hai năm nay, gia đình tôi phải dùng đến 2 chiếc máy lọc nhưng không ăn thua, vì tắm rửa vẫn bị mẩn ngứa, khó chịu”, bà Dơn bức xúc nói.

Tương tự, gia đình bà Phạm Thị Hiệu cũng chịu chung tình cảnh. Trao đổi với phóng viên, bà Hiệu cho biết: "Năm 2010, gia đình tôi vào định cư tại thôn Nam Tiến, cuộc sống lúc đầu còn nhiều khó khăn, ngày đi làm nương rẫy, tối về gia đình sum vầy cơm nước. Tuy nhiên, từ khi hàng loạt trại chăn nuôi heo nối đuôi nhau mọc giáp với nhà tôi thì hơn 2 năm nay chưa có giấc ngủ, bữa cơm nào ngon. Cứ đến mùa khô là mùi hôi thối không chịu được, rất khổ cho các cháu nhỏ. Người dân phản ánh dữ lắm, tại các đợt tiếp xúc cử tri, bà con kiến nghị lên chính quyền địa phương, yêu cầu đơn vị chức năng có biện pháp xử lý các trại chăn nuôi không bảo đảm môi trường, nhưng đến nay tình trạng vẫn vậy".

Một trong nhiều trại heo tại xã Ea Pô, huyện Cư Jút được rào chắn bảo vệ rất nghiêm ngặt

Không chỉ mùi hôi, người dân địa phương còn phản ánh tình trạng một số trang trại đã làm rò rỉ nước thải trong những ngày trời mưa hoặc đêm tối, khiến nguồn nước bị ô nhiễm, bốc mùi. Đặc biệt, hơn 200 hộ dân tại thôn Nam Tiến đang sử dụng nguồn nước ngầm hết sức lo ngại, nếu tình trạng kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của cộng đồng.

Ông Đinh Công Điều, Trưởng thôn Nam Tiến (xã Ea Pô) cho biết, các trại heo, trại gà đã xuất hiện trên địa bàn từ năm 2016, đến nay đã tăng lên khoảng 50 trại. Thế nhưng, một số trại xử lý chất thải, nước thải không bảo đảm, không tuân thủ đúng các quy trình nên đã làm rò rỉ nước thải ra môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Đình chỉ hoạt động nếu vi phạm

Theo ông Nguyễn Anh Đông, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cư Jút, trước sự việc trên, người dân địa phương đã kiến nghị, các trại chăn nuôi phải bảo đảm khoảng cách với khu dân cư và trường học, đồng thời xây dựng các bể chứa, hệ thống xử lý nước thải, xử lý mùi hôi để không gây ô nhiễm môi trường. Mới đây, UBND huyện Cư Jút đã thành lập Đoàn kiểm tra 49 trang trại chăn nuôi trên địa bàn, riêng kiểm tra tại xã Ea Pô là 34 trang trại gia công đang hoạt động.

Thời điểm kiểm tra, Đoàn chức năng phát hiệu nhiều sai phạm như: 7/34 trang trại chăn nuôi vượt công suất thiết kế; 6 trang trại chăn nuôi thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng chưa thực hiện đánh giá. Trong đó, có 3 trường hợp đã bị lập biên bản xử phạt hành chính về hành vi không có đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chuyển UBND tỉnh Đắk Nông.

Đoàn kiểm tra của huyện Cư Jút cũng kết luận, trong số các trang trại được kiểm tra, phần lớn hệ thống biogas và các công trình xử lý nước thải chưa bảo đảm chất lượng, thể tích và đã bị hư hỏng nhiều. Đa số các chủ trang trại chưa có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường từ nước thải. Đặc biệt, một số hệ thống xử lý nước thải được xây dựng mang tính đối phó, nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn.

Hàng chục trại heo, trại gà được xây dựng liên tiếp trên khu đất thuộc xã Ea Pô, huyện Cư Jút

Cũng theo ông Đông, tính từ tháng 6/2021 đến nay, nhiều trang trại chăn nuôi tại xã Ea Pô đã bị UBND huyện Cư Jút và UBND tỉnh Đắk Nông xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Huyện đang lên phương án để di dời một số trang trại ra khỏi khu dân cư, bảo đảm không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân địa phương. Đối với các trang trại bị người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử phạt, đồng thời yêu cầu chủ trang trại phải có biện pháp giải quyết triệt để, không để chất thải, nước thải phát tán ra môi trường, gây bức xúc trong người dân.

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Chí Trung - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông cho biết, Sở TN&MT đã phối hợp với huyện Cư Jút đi kiểm tra và yêu cầu đình chỉ nhiều trang trại không đảm bảo vệ sinh môi trường. “Phần lớn các trang trại chăn nuôi gia công, quan điểm của Sở TN&MT là các trang trại muốn hoạt động phải đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường theo đúng các tiêu chuẩn quy định của pháp luật nếu không phải đỉnh chỉ hoạt động để khắc phục” - ông Trung khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Nhiều trang trại chăn nuôi heo không đảm bảo vệ sinh môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO