Đắk Nông: Liên kết vùng để phát huy tiềm năng du lịch

24/08/2016 00:00

  (TN&MT) - Chiều 24/8, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Đắk Nông năm 2016. Tham dự hội nghị có đại diện sở...

 

(TN&MT) - Chiều 24/8, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Đắk Nông năm 2016. Tham dự hội nghị có đại diện sở ngành trong tỉnh cũng hàng chục doanh nghiệp đến từ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông và TP.HCM.

Tại Đắk Nông, có nhiều điểm du lịch nổi tiếng về sự hùng vỹ, thơ mộng và là điểm lý tưởng để khám phá như: cụm thác Dray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ, thác Đắk Glun, thác Liêng Nung, thác Đắk Búk So, thác Lưu Ly… Ngoài ra, có nhiều điểm khác với những tiềm năng lớn để khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch như: hồ Tây (huyện Đắk Mil), hồ Ea Snô, Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung (huyện Krông Nô) và “vịnh Hạ Long trên cao nguyên” thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (huyện Đắk G’long).

Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, những năm gần đây, qua quá trình tận dụng nguồn thủy năng lớn từ hệ thống sông, suối để phát triển thủy điện cũng đã tạo nên những lợi thế về cảnh quan, tài nguyên du lịch tự nhiên để hình thành các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng như hồ thủy điện Đồng Nai 3 và 4, thủy điện Đắk R’tíh… Bên cạnh đó, tỉnh còn có các khu di tích lịch sử, văn hóa có giá trị để khai thác, phục vụ du lịch như: Di tích lịch sử bon Bu Nor, ngục Đắk Mil; Khu căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV, di tích Đồi 722…

Ngoài ra, Đắk Nông còn sở hữu một hệ thống hang động núi lửa tại huyện Krông Nô, đây là chặng cuối trong tuyến du lịch “con đường xanh Tây Nguyên”. Tỉnh nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam TP. HCM, các tỉnh Đông Nam bộ và các cửa khẩu thông thương qua nước bạn Campuchia; nối liền các nước khu vực Đông Nam Á cũng chính là điều kiện để kết nối các điểm tour của các tỉnh và quốc tế. Đây là những lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có sẵn để kiến tạo và phát triển một ngành du lịch hấp dẫn, bền vững.       

Mặc dù có nhiều lợi thế, nhất là lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử... để phát triển du lịch nhưng thực tế, du lịch Đắk Nông những năm qua gần như “dậm chân tại chỗ”. Qua nghiên cứu thực tiễn, nhóm chuyên gia thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM đã cho rằng du lịch Đắk Nông đang thiếu chiến lược phát triển, sản phẩm du lịch cụ thể và các hình thức quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, việc đầu tư dàn trải, manh mún đã làm cho ngành du lịch địa phương chưa thể xác định rõ chiến lược trong tổng thể vùng, khu vực và của riêng tỉnh. Từ đây, việc xác định các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh cũng không được quan tâm rõ nét nên công tác quảng bá thiếu hiệu quả, thậm chí đang rơi vào tình trạng “nói nhiều, hiệu quả lan tỏa không lớn”.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, phát triển du lịch Đắk Nông trong điều kiện tỉnh còn khó khăn không phải là không thể. Trên cơ sở những ưu đãi từ thiên nhiên, đầu tư vào du lịch Đắk Nông không lớn như nhiều tỉnh, thành khác. Bên cạnh đó, lợi thế về nền văn hóa phong phú, đa dạng, cộng với môi trường sinh thái lý tưởng, Đắk Nông có thể đầu tư phát triển du lịch một cách ít tốn kém nhất nhưng mang lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế và xã hội bằng việc chọn hướng phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, Đắk Nông phải xác định phát triển du lịch hiện nay phải được đặt trong chuỗi liên kết vùng, khu vực, thậm chí cả quốc tế nên trong chiến lược phải có sự lựa chọn khu, điểm đầu tư phù hợp, tránh trùng lắp. Cái quan trọng hơn, phát triển du lịch cùng nhằm mục đích khuyến khích người dân đến để “tiêu tiền”, nếu tỉnh không đưa ra được những sản phẩm du lịch độc đáo, không tạo được nơi tiêu tiền cho du khách thì lĩnh vực du lịch sẽ vẫn mãi “dậm chân tại chỗ".

Thời gian gần đây, tỉnh đã bắt đầu liên kết với một số trường đại học để xây dựng đề án chiến lược phát triển du lịch trên cơ sở phân tích những lợi thế và đánh giá thử thách để phân kỳ giai đoạn phát triển hợp lý. Bên cạnh đó, nhiều công ty du lịch lớn trong nước cũng bắt đầu có hứng thú với Đắk Nông bằng việc cử các đoàn công tác đi tiền trạm, nghiên cứu các điểm tour để xây dựng chiến lược đầu tư... Đây cũng đang chính là những ý tưởng gợi mở cho tỉnh có một lộ trình phát triển du lịch thời gian đến bằng những chính sách, hành động cụ thể, rõ ràng và hiệu quả hơn.

Lê Phước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Liên kết vùng để phát huy tiềm năng du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO