Đất đai

Đắk Nông: Giữ rừng để phát triển kinh tế giúp giảm nghèo bền vững

Phạm Hoài 22/04/2024 19:17

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện còn trên 248.343 ha rừng, trong đó có hơn 196.358 ha rừng tự nhiên. Đây được xem là một trong tiềm năng kinh tế rất lớn để góp phần giúp đời sống của người dân gắn bó với rừng ổn đình đời sống vươn lên thoát nghèo. Hiện tại, tỉnh Đắk Nông triển khai nhiều chủ trương để cùng thực hiện. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT có buổi trao đổi với ông Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông.

tuan-anh.jpg
Ông Phạm Tuấn Anh - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông

Phóng viên: Thưa ông! Đắk Nông là một trong các tỉnh của khu vực Tây Nguyên hưởng được nhiều chính sách từ phát triển kinh tế rừng, giúp người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để ổn định kinh tế cũng như góp phần bảo vệ rừng hiệu quả. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông: UBND tỉnh Đắk Nông vừa phê duyệt đề án phát triển rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 35/QĐ-UBND). Đề án được giao cho Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư, với kinh phí thực hiện gần 893 tỉ đồng.

Trọng tâm của đề án là quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định dân cư sống trong và gần rừng; nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đến năm 2025 đạt trên 40%, đến năm 2030 là trên 42%, tương mức bình quân cả nước; nỗ lực bảo vệ hơn 248.000 ha rừng, giảm thấp nhất các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Ngoài ra, chú trọng đến công tác bảo tồn, phát triển, theo dõi, giám sát, cứu hộ và phát triển sinh vật, đặc biệt là các loài động, thực vật nguy cấp trong các khu rừng có giá trị bảo tồn cao.

Ngoài việc quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, tỉnh Đắk Nông sẽ chú trọng phát triển kinh tế rừng. Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế rừng, góp phần tăng doanh thu cho các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, thông qua các hoạt động như: nuôi heo, bò, dê dưới tán rừng; khai thác lồ ô, tre nứa; trồng cây đặc sản trong rừng tự nhiên; trồng dược liệu dưới tán rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng

Phóng viên: Hiện nay, mô hình nhận giao khoán rừng cho người dân quản lý, bảo vệ đang được triển khai ở nhiều địa phương. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của mô hình này đối với công tác giảm nghèo cho người dân địa phương ?

z5371864337977_b4108f53c3f1019499680a6b57d029fb.jpg
Rừng tại Vườn Quốc Gia Tà Đùng luôn được bảo vệ nghiêm ngặt

Ông Phạm Tuấn Anh: Trong bối cảnh rừng ngày càng đóng vai trò quan trọng cả về phương diện môi trường lẫn kinh tế, thì Đắk Nông cũng như các địa phương khác trong cả nước, đang được hưởng những chính sách ưu đãi lớn từ nhà nước như: hỗ trợ về giao khoán rừng; chi trả dịch vụ môi trường rừng; nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ… Đây là điều kiện rất thuận lợi để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng cũng như phát triển kinh tế dưới tán rừng.

Điển hình tại huyện Đắk Glong, là một trong những địa phương của tỉnh Đắk Nông đi đầu trong công tác giao khoán đất rừng để người dân thu được nguồn lợi từ rừng cũng như giúp cho chính quyền địa phương giảm được áp lực về tình trạng phá rừng trên địa bàn. Ví như: Vườn Quốc gia (VQG) Tà Đùng hiện đang giao khoán hơn 6.000 ha rừng cho 201 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần khu rừng. Trong đó, các hộ dân tập trung sinh sống chủ yếu ở 2 xã: Đắk Som và Đắk R’măng (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông); xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng).

Trung bình mỗi năm, các tổ nhận khoán và lực lượng kiểm lâm đã tổ chức khoảng 1.000 lượt tuần tra rừng và ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng. Đơn cử như năm 2019, các hộ nhận khoán đã tham gia 1.168 lượt tuần tra, kiểm tra tại 24 tiểu khu rừng trong VQG với 5.540 lượt người tham gia. Trong số 6.030 ha rừng giao khoán cho người dân được chia theo 02 lưu vực như: Sông Đồng Nai có hơn 2.361 ha, còn lại sông Sêrêpốk hơn 3.668 ha. Với mức chi trả trung bình từ 693.000 đồng đến 1,028 triệu đồng/ha/năm, thì trung bình mỗi năm, một hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng sẽ có thu nhập từ 20,8 đến 30,8 triệu đồng.

Phóng viên: Thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh có tham mưu và định hướng như thế nào để công tác quản lý, bảo vệ rừng vừa được nâng cao hiệu quả và vừa giúp phát triển kinh tế ?

Ngoài việc quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, tỉnh Đắk Nông sẽ chú trọng phát triển kinh tế rừng. Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế rừng, góp phần tăng doanh thu cho các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng, thông qua các hoạt động như: nuôi heo, bò, dê dưới tán rừng; khai thác lồ ô, tre nứa; trồng cây đặc sản trong rừng tự nhiên; trồng dược liệu dưới tán rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Có thể nói, mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp đã có nhiều nỗ lực khắc phục những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Điển hình như việc ứng dụng công nghệ thông tin, hình ảnh vệ tinh và tăng cường quản lý, gắn với trách nhiệm của các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng kiểm lâm trong quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Đắk Nông vẫn còn nhiều khó khăn rất khó giải quyết, tiêu biểu như tình trạng dân di cư không theo quy hoạch, “định cư” trái phép trên đất rừng; tình trạng nhiều diện tích rừng manh mún, nhỏ lẻ, nằm xen lẫn với đất đai, nương rẫy của người dân bị lấn chiếm dần; cơ chế, chính sách quản lý rừng vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý, nhất là đối với rừng phòng hộ, cảnh quan dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tiếp giáp khu đông dân cư…

Để nâng cao độ che phủ rừng, tỉnh quyết liệt thực hiện quản lý, bảo vệ, phát triển trữ lượng diện tích rừng hiện có, giảm thiểu tới mức thấp nhất việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng; tập trung trồng rừng mới. Hiện tại, ngành nông nghiệp đã lên kế hoạch xây dựng, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào ngành trồng, khai thác và chế biến gỗ, nhất là tại hai huyện Tuy Đức và Đắk G’Long; coi đó là một định hướng quan trọng để phát triển rừng trồng, nhất là cây keo lai. Đối với đề án nông lâm kết hợp và trồng cây phân tán, chúng tôi huy động và có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia, đảm bảo theo hướng các bên đều có lợi cho người dân tiếp cận để phát triển kinh tế.

Trân trọng cám ơn ông !

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông: Giữ rừng để phát triển kinh tế giúp giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO